Vụ xô xát khiến con trai ông Phi vướng vào lao lý xảy ra từ năm 2009 nhưng bẵng đi tới 8 năm, mãi đến cuối năm 2017 mới được khởi tố, điều tra. Ngày 30/11/2019, TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Tống Công Nam, vụ án đã phải nghị án kéo dài đến 09h ngày 04/12/2019 thì HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Vụ xô xát bị khởi tố, điều tra sau 8 năm
Theo cáo trạng, thời điểm năm 2009, Tống Công Nam (SN 1988, quê xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) và anh Trương Văn Dũng (quê ở Vũ Xá, Kim Động, Hưng Yên) cùng là công an nghĩa vụ công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 8 (E22 -K20) đóng quân tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Rạng sáng ngày 22/9/2009, Nam và Dũng có nhiệm vụ gác trực ca liền nhau, Nam trực ca trước. Gần hết ca trực, Nam gọi Dũng dậy để đổi ca nhưng Dũng cho rằng Nam gọi sớm nên đến khoảng 6h cùng ngày, sau khi tập thể dục về phòng ở của chiến sỹ, Dũng văng tục chửi Nam.
Lúc này Nam đang ngồi xổm gấp chăn màn ở giường của mình trả lời là “gọi đúng giờ chứ không gọi sớm” thì bất ngờ bị Dũng đấm vào mặt, mồm, đạp vào ngực khiến Nam ngã xuống nền nhà. Bị đánh ngã, Nam vớ được cái giá để giày dép để ở dưới gầm giường vụt trúng vào phần đỉnh đầu trái của Dũng làm anh này bị thương. Nạn nhân được đưa đi sơ cứu, cấp cứu. Ngày 23/9/2009, Nam nhận quyết định kỷ luật tước quân tịch, buộc ra quân. Trong thời gian anh Dũng điều trị, gia đình Nam bồi thường cho nạn nhân tổng cộng được 9 triệu đồng.
Giấy ra viện ngày 09/2/2010 cũng của Khoa châm cứu, BV Y học cổ truyền Bộ Công an thể hiện: người bệnh Trương Văn Dũng di chứng liệt nửa người bên phải sau chấn thương sọ não hở sau TNGT |
Ông Phi trình bày: “Trong các lần lên thăm Dũng sau đó, thấy tình trạng của cháu Dũng tiến triển tốt, được xuất viện trở về đơn vị nên gia đình tôi cũng yên tâm. Năm 2012, chúng tôi được biết cháu Dũng đã hết thời hạn công an nghĩa vụ và ra quân, trở về quê ở Hưng Yên, lấy vợ, sinh con. Từ đó gia đình tôi không liên lạc và không gặp cháu Dũng nữa. Chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ yêu cầu hay đòi hỏi gì về vật chất từ phía Dũng và gia đình.”
Theo ông Phi, gia đình ông những tưởng mọi việc liên quan đến vụ xô xát khiến Nam phải trả giá bằng kỷ luật tước quân tịch đã khép lại ở đó. Đột nhiên, đến cuối năm 2017, Nam bị Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) triệu tập nhiều lần, đến ngày 08/02/2018 nhận được quyết định khởi tố bị can số 133 và bị bắt tạm giam kể từ ngày 02/3/2018 đến nay để điều tra về hành vi “Cố ý gây thương tích” mà Nam bị cáo buộc gây thương tích cho người bị hại Trương Văn Dũng tổn hại 83% sức khỏe. Sau khi hoàn tất quá trình điều tra, hồ sơ vụ án được chuyển qua VKSND huyện Sóc Sơn và được chuyển qua TAND huyện Sóc Sơn giải quyết.
Có dấu hiệu oan sai
Diễn biến phiên tòa sơ thẩm ngày 30/11/2019 của TAND huyện Sóc Sơn cho thấy, tuy nội dung vụ án không phức tạp, hành vi của bị cáo khá đơn giản nhưng quá trình điều tra, truy tố lại bộc lộ nhiều “lỗ hổng” chứng cứ khiến việc truy tố, xét xử bị cáo thiếu căn cứ vững chắc và có dấu hiệu oan sai. Bị cáo Nam kêu oan, bày tỏ nghi ngờ bản Kết luận giám định về tỉ lệ thương tật chưa phù hợp với thương tích thực tế của người bị hại, vi phạm nguyên tắc giám định, nguyên tắc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể.
Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo cũng chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý của bản kết luận giám định thương tật của người bị hại. Đặc biệt, ngay sau khi xảy ra xô xát với bị cáo Nam, anh Dũng chỉ bị 01 vết thương (vết thương trán đỉnh trái 3cm) nhưng hồ sơ vụ án lại thể hiện người bị hại Dũng có vết thương ở đỉnh đầu phải (dụng cụ KHX vùng thái dương đỉnh phải); cũng như nhiều chứng cứ là các giấy tờ có nội dung bất nhất khi thì thể hiện bị hại bị chấn thương sọ não hở do tai nạn, khi thì ghi người bị hại chấn thương sọ não kín/ động kinh... Từ đó các luật sư đề nghị trưng cầu giám định lại tỉ lệ thương tật của nạn nhân.
Giấy ra viện ngày 09/11/2010 cũng của Khoa châm cứu, BV Y học cổ truyền Bộ Công an thể hiện: người bệnh Trương Văn Dũng di chứng liệt nửa người bên phải sau chấn thương sọ não kín/động kinh |
Tuy nhiên, sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKSND huyện Sóc Sơn đã không tiến hành bổ sung các vấn đề như yêu cầu của Tòa án mà vẫn giữ nguyên yêu cầu truy tố, chuyển lại hồ sơ sang TAND huyện Sóc Sơn. Phiên tòa dự kiến mở lại ngày 27/2/2020 tiếp tục bị hoãn. Bị cáo Tống Công Nam tiếp tục bị tạm giam, tính đến nay đã tạm giam trên 24 tháng.
Bị cáo tiếp tục kêu oan cho rằng tỉ lệ thương tật 83% sức khỏe của người bị hại không phải do một mình hành vi của bị cáo gây ra, cộng với việc vi phạm thời hạn tạm giam, vụ án có dấu hiệu oan sai nên gia đình ông Tống Công Phi và luật sư đã có đơn yêu cầu để xin làm thủ tục bảo lãnh thay đổi biện pháp ngăn chặn (cho tại ngoại) đối với Tống Công Nam nhưng yêu cầu không được chấp nhận.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Nam đề nghị làm rõ việc: tại Giấy ra viện ngày 09/2/2010 của Bệnh viện Y học cổ truyền - Khoa châm cứu Bộ Công an thể hiện người bệnh Trương Văn Dũng di chứng liệt 1/2 người (P) do CTSN hở sau TNGT.
Tuy nhiên, tại Giấy ra viện ngày 09/11/2010 cũng của Khoa châm cứu, Bệnh viện Y học cổ truyền - Bộ Công an thể hiện người bệnh Trương Văn Dũng di chứng liệt 1/2 người (P) sau CTSN kín/động kinh.
Vậy cơ chế hình thành hai vết thương chấn thương sọ não hở và chấn thương sọ não kín của anh Dũng là như thế nào, các vết thương này do ai gây nên, có liên quan gì đến việc xác định anh Dũng bị tổn hại 83% sức khỏe mà cơ quan tố tụng lấy làm căn cứ cáo buộc bị cáo Tống Công Nam phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3 điều 104 BLHS 1999?
Các tài liệu trong hồ sơ vụ án còn thể hiện, hơn hai năm sau vụ xô xát, tại Bệnh án năm 2011 của Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) kết quả chụp CT Scanner sọ não bệnh nhân Trương Văn Dũng ngày 25/11/2011 thể hiện: “Hình ảnh ổ dịch hóa vùng thái dương đỉnh trái; Dụng cụ KHX vùng thái dương đỉnh phải.” Vậy tổn thương vùng thái dương đỉnh phải của nạn nhân Dũng xuất hiện từ khi nào, có phải do Tống Công Nam gây ra hay không? Tổn thương vùng thái dương đỉnh phải này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe hiện tại của Trương Văn Dũng? Điều này chưa được điều tra, kết luận làm rõ.
Ông Tống Công Phi trình bày: Vậy là chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà "cái sảy nảy cái ung", con tôi đã đánh mất tất cả. Sau khi bị kỷ luật tước quân tịch, ra quân, Nam rất ân hận và mặc cảm; cháu tự ti nên không nghĩ đến chuyện yêu đương, lập gia đình. Gia đình chúng tôi mong rằng hành vi phạm tội của Nam đến đâu thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đó. Nam đánh nạn nhân vào đỉnh đầu bên trái, gây ra vết thương bên trái thì không thể chịu trách nhiệm cả về vết thương đỉnh đầu bên phải của nạn nhân? Cũng như Nam gây ra vết thương vào đầu cho nạn nhân thì sẽ không phải chịu trách nhiệm về vết thương do tai nạn khác. Gia đình chúng tôi và luật sư rất nghi ngờ Bản Kết luận giám định về tỉ lệ thương tật của nạn nhân không chuẩn xác, thiếu căn cứ pháp luật, khiến Tống Công Nam bị oan sai…”- ông Phi khẩn thiết.
Những dấu hiệu bất thường của Bản Kết luận giám định pháp y về tỉ lệ thương tật của nạn nhân mà cơ quan tố tụng lấy làm căn cứ truy tố, xét xử bị cáo Tống Công Nam sẽ được phản ánh trong bài báo tiếp theo…
(Còn nữa)