Ép viết giấy nợ 300 triệu đồng
Ngày 24/10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thế Quyền (SN 1979), Nguyễn Văn Mạnh (SN 1991) và Phạm Vương Quốc Nhân (SN 1983, cùng ngụ huyện Tuy Đức) để điều tra, làm rõ về hành vi cướp tài sản.
Cùng hành vi cướp tài sản, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức cũng ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Ba Khâm (thường gọi là Khâm “cờ bạc”, SN 1977, ngụ TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) và Nguyễn Văn Như (thường gọi là “Bi”, “Hùng”, SN 1989, ngụ huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).
Theo kết quả điều tra ban đầu, chiều 23/9, thông qua mối quan hệ xã hội, một người tên Thành (chưa rõ lai lịch) dẫn Sinh và chị Ngọc (cùng ngụ huyện Đắk Song) đến nhà Mạnh (ngụ thôn 9, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức) để Mạnh dẫn đi mua đất của một người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, do 2 bên chưa thống nhất được giá cả nên cả nhóm quay về nhà Mạnh rồi tổ chức ăn nhậu.
Đến khoảng 19h cùng ngày, Mạnh, Thành, Sinh tổ chức chơi xóc đĩa. Khoảng 30 phút sau, Quyền cùng Như, Nhân, Khâm xông vào nhà Mạnh đánh Sinh. Đồng thời, chiếm đoạt hết số tiền của Sinh, Thành và chị Ngọc. Quyền cho rằng Sinh đã bỏ thuốc hướng thần vào nước uống của Mạnh để Mạnh đánh bài bị thua nên phải cướp lại tiền.
Do bị khống chế và bị đánh đập nhiều nên Sinh thừa nhận là bỏ thuốc hướng thần vào ly bia của Mạnh (tại cơ quan công an, Sinh không thừa nhận hành vi này) và xin tự thỏa thuận. Sau đó, Quyền giữ chứng minh nhân dân và bắt Sinh, chị Ngọc phải viết giấy nợ với số tiền 300 triệu đồng để bồi thường cho Mạnh. Do Sinh, chị Ngọc không đủ tiền nên các đối tượng đã cho Sinh gọi điện thoại về gia đình sắp xếp số tiền theo yêu cầu.
Các đối tượng Hải, Sơn, Kiên tại cơ quan công an. |
Khoảng 9h ngày 24/9, sau khi gia đình Sinh chuyển tiền vào tài khoản của Như, Quyền dùng ô tô chở Sinh và Như đến thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) để rút 102 triệu đồng đưa cho Mạnh. Sinh sau đó được các đối tượng cho về với thỏa thuận sẽ trả tiếp số tiền còn lại. Sự việc sau đó được Sinh và chị Ngọc trình báo cơ quan công an.
Sau khi tiếp nhận tin báo, nhận thấy vụ việc có tính chất phức tạp, lãnh đạo Công an huyện Tuy Đức đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy nhanh chóng có mặt tại hiện trường phối hợp với lực lượng công an địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, làm rõ và truy bắt các đối tượng.
Ngoài khởi tố bị can, truy nã nhóm đối tượng nói trên, cơ quan công an đã thu giữ 45 triệu đồng do Mạnh giao nộp cùng nhiều phương tiện, tang vật liên quan đến vụ án. Được biết, Quyền có tiền án về tội “Giết người”; Mạnh có tiền án về tội “Đánh bạc”; Như có 3 tiền án về các tội: “Cướp tài sản”, “Cướp giật tài sản” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Bỏ thuốc hướng thần vào bia để cướp tài sản
Trong vụ việc trên, nhóm của Quyền cho rằng Sinh đã bỏ thuốc hướng thần cho Mạnh uống để cướp tài sản. Về thủ đoạn này, cũng tại tỉnh Đắk Nông, vào tháng 5 vừa qua, Công an huyện Cư Jút đã bắt giữ 3 đối tượng, gồm: Hà Xuân Hải (SN 1988, ngụ thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), Lê Sơn (SN 1983, ngụ huyện Cư Jút) và Ngô Xuân Kiên (SN 1988, ngụ huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra, làm rõ về hành vi cướp tài sản.
Theo đó, biết anh Nguyễn Đình Anh (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sẽ chuẩn bị tiền để ký hợp đồng xây dựng trang trại nuôi lợn nên Hải, Sơn, Kiên lên kế hoạch sẽ chiếm đoạt tài sản của anh Anh. Các đối tượng này bàn bạc thống nhất về việc mua thuốc hướng thần bỏ vào bia cho anh Anh uống. Mục đích là làm cho nạn nhân giảm khả năng điều khiển hành vi, rồi rủ đánh bài ăn tiền để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Theo kết hoạch đã vạch sẵn, sáng 18/5, Hải và Kiên dùng xe ô tô chở anh Anh từ TP Buôn Ma Thuột đến tỉnh Đắk Nông để xem công trình trang trại nuôi lợn. Trước khi đi, 2 đối tượng này chở anh Anh đến ngân hàng để anh rút 300 triệu đồng mang theo, với mục đích làm thủ tục ký hợp đồng xây dựng trang trại.
Khi đến huyện Cư Jút, Hải, Kiên cùng anh Anh về nhà Sơn ở xã Cư Knia ăn cơm và uống bia. Trong lúc ăn cơm, các đối tượng đã bỏ thuốc hướng thần vào lon bia, rồi đưa cho anh Anh uống.
Sau khi ăn cơm, Hải, Sơn, Kiên rủ anh Anh đánh bài ăn tiền. Đánh được một lúc, anh Anh cảm thấy mệt nên nghỉ, không đánh nữa. Lúc này, Hải nói rằng cả quá trình đánh bài, anh Anh thua và nợ mình 40 triệu đồng.
Đến khoảng 16h cùng ngày, Hải điều khiển xe ô tô chở Kiên, Sơn và anh Anh đến huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) để xem công trình. Tuy nhiên, khi đến huyện Đắk Mil, cả nhóm vào quán tiếp tục ăn nhậu.
Nhậu đến khoảng 23h cùng ngày, Kiên đón taxi về nhà mình ở huyện Buôn Đôn, còn Sơn điều khiển xe ô tô chở Hải và anh Anh về lại huyện Cư Jút. Khi ô tô đến khu vực thôn 12 (xã Nam Dong, huyện Cư Jút), Sơn liền dừng xe, rồi Hải yêu cầu anh Anh trả số tiền thua bạc. Lúc này, anh Anh không đồng ý. Ngay sau đó, Hải liền giật túi xách của anh Anh, bên trong có chứa 300 triệu đồng, rồi đạp nạn nhân ra khỏi xe.
Sau khi cướp được tiền, Hải và Sơn cùng về phòng trọ của Hải tại TP Buôn Ma Thuột. Tại đây, Hải mở túi xách cướp được của anh Anh, rồi lấy đưa cho Sơn hơn 82 triệu đồng. Số tiền còn lại, Hải cất giữ và tiêu xài.
Nâng cao cảnh giác
Theo ngành chức năng, để thực hiện hành vi cướp tài sản bằng cách dùng thuốc mê, các đối tượng thường lựa chọn địa điểm thích hợp như: nơi đông người, nơi tập trung nghỉ ngơi ăn uống, người nhẹ dạ cả tin…
Ban đầu, các đối tượng sẽ lân la tiếp cận những người có tài sản, người ở vùng khác để trò chuyện làm quen. Sau khi tiếp cận được, các đối tượng sẽ ngỏ ý mời nước hoặc đi mua đồ ăn giùm, sau đó lén bỏ thuốc mê vào đồ uống, thức ăn. Nếu người dân không cảnh giác thì vô tình trở thành “con mồi”.
Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác khi bỗng nhiên có người lân la làm quen, mời đồ ăn, thức uống, đặc biệt là đồ uống pha sẵn, đã mở nắp. Trường hợp phát hiện đối tượng khả nghi, người dân nên di chuyển đến nơi khác và báo cho cơ quan công an.
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân trong giao dịch công việc để cướp tài sản. Thông thường khi các đối tượng thực hiện thủ đoạn đánh thuốc mê thường chọn khách sạn, nhà trọ hoặc nhà riêng của “con mồi” nhằm tránh sự để ý của công an và tiện cho việc tẩu thoát.
Trong thời điểm giao dịch, các đối tượng sẽ mở nắp đồ uống hoặc các loại thức ăn để mời “con mồi” ăn uống. Sau khi “con mồi” dính thuốc mê, các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi cướp tài sản. Vì vậy, người dân không nên giao dịch với người lạ ở những nơi vắng vẻ, không nên uống nước, đồ pha sẵn để tránh việc bị đánh thuốc mê.
PGS.TS.Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia dược học, nguyên giảng viên chính Khoa Dược, Trường ĐH Y Dược TP HCM cho biết, hiện nay các đối tượng thường sử dụng thuốc an thần gây ngủ loại mạnh hoặc thuốc gây mê dạng khí bay hơi để ức chế hệ thần kinh trung ương, làm nạn nhân đi vào giấc ngủ hoặc đi vào hôn mê, mất hoàn toàn ý thức, phản xạ khiến họ bất động rồi ra tay cướp tài sản.
Nếu nạn nhân bị chuốc thuốc an thần gây ngủ hoặc thuốc mê liều lượng vừa phải thì không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu quá liều, nạn nhân có thể ngưng thở do suy hô hấp và có thể tử vong. Thông thường kẻ gian sử dụng bất kể liều lượng, miễn đạt được mục đích nên càng nguy hiểm.