Gần 80 năm tù cho nhóm lừa đảo bán thiên thạch giả với giá 1,3 tỷ đồng

(PLVN) - Các đối tượng đã câu kết, thuê nhiều người dân tộc thiểu số đóng giả là người có thiên thạch bán, rồi lừa người mua với giá 1,3 tỷ đồng. Và, những câu chuyện lừa đảo về mua bán thiên thạch thời gian qua cần một cảnh báo rằng, không bao giờ nghe theo tin đồn, bỏ tiền ra mua một thứ mà giá trị của nó lâu nay đã được chứng minh là chẳng đáng bao nhiêu…
Các đối tượng Nguyên, Dư, Vinh (từ trái qua) thời điểm bị bắt giữ.
Các đối tượng Nguyên, Dư, Vinh (từ trái qua) thời điểm bị bắt giữ.

Bán thiên thạch giả, đi tù thật

Ngày 21/9, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên mức phạt các bị cáo, gồm: Lê Anh Nguyên (SN 1973, ngụ xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) 14 năm tù, Phan Thành Dư (SN 1975, ngụ phường 3, quận 8, TP HCM) 13 năm tù, Nguyễn Liễu Anh Vinh (SN 1974, ngụ thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) 12 năm tù, Thổ Anh Nhịn (SN 1997, ngụ xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình) và Mang Quyên (SN 1984, ngụ xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) mỗi bị cáo 10 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Cùng tội danh này, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng giữ nguyên mức án 10 năm tù đối với các bị cáo, gồm: Ya Oanh (SN 1983, ngụ xã Tà Hine, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) và Trần Thị Thiết (SN 1986, ngụ xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình) do không kháng cáo.

Trước đó, ngày 18/5, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt 7 bị cáo với mức án như trên. Ngoài ra, các bị cáo phải liên đới bồi thường cho bị hại 300 triệu đồng. Sau đó, 5 bị cáo, gồm: Nguyên, Dư, Vinh, Nhịn, Quyên kháng cáo nhưng tại phiên tòa phúc thẩm không phát sinh tình tiết giảm nhẹ mới.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 5/2017, Nguyên quen biết với Dư là người làm thuê cho ông Bùi Văn Sang (ngụ phường 12, quận Tân Bình, TP HCM). Biết ông Sang thường mua đá quý để bán lại kiếm lời nên Dư bàn với Nguyên tìm cách nói dối, làm cho ông Sang tin là Nguyên đang có đá thiên thạch cần bán.

Các đối tượng bàn với nhau lừa người mua thử đá thiên thạch bằng cách bỏ đá trong hộp hình tròn, màu đen, có nắp đậy kín, dài khoảng 15cm, bán kính khoảng 12cm, không nhìn thấy bên trong hộp. Người mua sẽ mở nắp hộp bỏ một miếng kính hình chữ nhật, dài khoảng 8cm, dày 5cm rồi đậy nắp hộp lại. Khoảng 5 phút sau mở nắp hộp, lấy kính ra, nếu kính bị nứt thì đúng là đá thiên thạch. 

Sau khi bàn bạc, Dư nói với Nguyên tìm người bán đá và cách làm cho kính vỡ là được chia tiền. Sau đó, Nguyên rủ Vinh tìm người để lừa ông Sang mua đá. Cả 2 tìm gặp một cụ già người dân tộc Chăm sắm vai là người bán đá thiên thạch.

Ngoài ra, Nguyên và Vinh còn tìm thêm 7 người khác để giả làm vợ, con, cháu của cụ già để đi cùng, mục đích làm cho bên mua tin là thật. Tổng cộng nhóm của Nguyên gồm 10 người, trong đó có 7 người dân tộc thiểu số gồm 4 nam, 3 nữ. 

 

Sau đó, Nguyên điện thoại báo cho Dư biết. Lúc này, Dư nói nhóm của Nguyên có mặt tại đoạn đường ngã ba Cầu Lùng (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) vào sáng 23/6/2017 và đưa 10 triệu đồng cho Dư để Dư đưa cho ông Sang (quy định bên bán bao chi phí cho bên mua xem hàng là 10 triệu đồng để bên mua tin). Đồng thời, ngày 22/6/2017, Dư bảo ông Sang có mặt tại đoạn đường ngã ba Cầu Lùng vào sáng 23/6/2017 để giao dịch với bên bán thiên thạch.

Như đã hẹn, sáng 23/6/2017, hai bên gặp nhau tại địa điểm trên. Tại đây, Vinh thỏa thuận với ông Sang việc thử đá, nếu kính bị nứt, ông Sang sẽ đặt cọc 1 tỷ đồng. Sau đó, hai bên đến bãi đất trống gần một quán cà phê, bỏ hộp đựng đá dưới đất, rồi Nguyên cùng ông Phát (bạn ông Sang, là người thử đá cho ông Sang) cùng mở nắp hộp. Tiếp đó, ông Sang bỏ miếng kính vào hộp (miếng kính này là Dư chuẩn bị sẵn đưa cho ông Phát). 

Khoảng 5 phút sau, ông Phát cùng Nguyên mở nắp hộp, rồi ông Phát lấy kính ra thì thấy bị nứt nên ông Sang tin là đá thiên thạch, đồng ý đặt cọc tiền. Ông Sang sau đó đưa cho cụ già người dân tộc Chăm 1 tỷ đồng. 

Đến 15h cùng ngày, ông Sang tiếp tục đưa cho cụ già này 300 triệu đồng. Tổng cộng ông Sang đưa cho cụ già 1,3 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, cụ già đưa hết cho Nguyên. Nguyên chia cho Dư 200 triệu đồng. 

Ông Sang sau đó yêu cầu được thử đá một lần nữa. Do đó, khoảng 18h cùng ngày, khi anh Nam (là nhân viên thẩm định đá quý do ông Sang thuê để thử đá) chuẩn bị bỏ kính vào hộp thì Vinh sợ nhóm ông Sang phát hiện đá thiên thạch là giả nên đến giật lấy hộp đựng đá, rồi bỏ chạy cùng cả nhóm.

Đến ngày 4/7/2017, Công an tỉnh Khánh Hòa đã làm rõ được 8 đối tượng trong nhóm lừa đảo nói trên, gồm: Dư, Nguyên, Vinh, Oanh, Nhịn, Thiết, Quyên và Ma Hương (SN 1979, ngụ xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Nhóm đối tượng khai nhận toàn bộ hành vi của mình và đã nộp lại số tiền hơn 932 triệu đồng. Riêng Hương hiện đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đang truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Trong vụ án này, còn 3 đối tượng là cụ già người dân tộc Chăm cùng vợ và một nam thanh niên người Kinh, đến nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa xác định được lai lịch, nhân thân nên chưa có căn cứ để xử lý.

Được biết, năm 2015, Nguyên đã từng bị TAND huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) xử phạt 4 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến ngày 27/4/2017, Nguyên chấp hành xong hình phạt nhưng sau đó chưa đầy 2 tháng đã tiếp tục đi lừa đảo.

Bị lừa vì hám lợi

Thiên thạch hay còn gọi là “đá trời” gồm nhiều loại khác nhau, khoa học gọi là asteroid, meteoroid, tektite… Trong đó, đa số thiên thạch rơi xuống trái đất là asteroid. 

Về mặt vật lý, asteroid là các dạng thể rắn lưu lạc trong vũ trụ, nguồn gốc xuất phát từ những vụ va chạm giữa các thiên thạch khổng lồ, bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Do thay đổi quỹ đạo bay, một số mảnh thiên thạch đi vào bầu khí quyển trái đất với vận tốc rất lớn, tạo ra sự ma sát khiến thiên thạch bốc cháy, hình thành một vệt sáng dài, có thể thấy rõ vào ban đêm (sự bốc cháy này được gọi là sao băng). 

Những thiên thạch cháy không hết, rơi xuống đất có kích thước từ vài milimet đến hàng mét. Cấu trúc của thiên thạch chẳng khác gì những loại đá chúng ta vẫn thường gặp hàng ngày, nhưng chứa silic, nickel, sắt và magnesium nhiều hơn với các nhóm đá thông thường trên trái đất.

Thế nhưng, thiên thạch lại được khoác lên mình bao huyền thoại, nào là đốt không nóng (khi cho vào lửa, hoặc dùng đèn “khò”, hoặc tưới xăng để đốt, nó không hấp thu nhiệt và không nóng). Nó còn làm cho thủy ngân co lại thành thể rắn (đặt nhiệt kế gần thiên thạch trong thời gian khoảng 1 phút thì thủy ngân trong nhiệt kế đặc lại, đốt không chảy). Kim loại đặt gần nó sẽ mất tính cứng, để viên đá lửa cạnh nó trong vài phút rồi dùng tay bóp, viên đá lửa sẽ nát như cám. 

Chưa hết, bọn lừa đảo còn thêu dệt rằng nếu thả thiên thạch vào nước sẽ không chìm sát đáy và nó di chuyển chứ không nằm yên tại chỗ. Áp tấm gương soi vào thiên thạch trong 3 phút, mặt trước của gương sẽ rạn như mạng nhện, trong khi mặt sau của gương, lớp sơn phủ vẫn y nguyên. 

Theo một cán bộ điều tra, những người bị lừa vì mua thiên thạch đều xuất phát từ lòng tham bởi khoản lợi nhuận quá lớn. Trong khi đó, kịch bản của bọn lừa đảo đều na ná nhau. Đầu tiên, xuất hiện ông A. đang tìm mua thiên thạch với giá rất cao. Khi gặp được “con mồi”, ông B., ông C. nào đó đang có thiên thạch muốn bán lập tức sẽ xuất hiện. Khi con mồi yêu cầu được thử “hàng”, cả B. lẫn C. chỉ chấp nhận cho thử bằng chính mẫu của họ với điều kiện con mồi phải đặt cọc. Thử xong, chúng sẽ hẹn địa điểm, ngày giờ giao “hàng” rồi biến mất.

Cũng có khi kịch bản được thay đổi đôi chút. Đó là sau khi “con mồi” gặp B., C. thì A. sẽ yêu cầu “con mồi” phải đặt cọc và đến một khoảng thời gian nào đó, nếu “con mồi” không thực hiện được việc mua thiên thạch thì số tiền đặt cọc xem như mất trắng.

Vì vậy, ngoài việc cảnh báo người dân cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo mua bán thiên thạch, các ngành chức năng cũng cần điều tra, xác minh nhằm triệt hạ tận gốc những nhóm tội phạm này.

Đọc thêm