Gia đình ô nhục vì cha con dắt nhau vào tù sau vụ hãm hại cô gái thiểu năng

(PLVN) - Lợi dụng việc chị N. bị thiểu năng trí tuệ, cha con đối tượng có quan hệ họ hàng gần với chị đã nhiều lần đến nhà thực hiện hành vi đồi bại, khiến nạn nhân có thai và sinh con. Hành vi đồi bại của những kẻ này vừa bị pháp luật trừng trị bằng những tháng ngày sống trong ngục tù.
Gia đình ô nhục vì cha con dắt nhau vào tù sau vụ hãm hại cô gái thiểu năng

Cha con đồi bại 

Sau khi đưa ra xét xử và 3 ngày nghị án, sáng 22/6, TAND huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Thành Tâm (43 tuổi) 3 năm tù và bị cáo Nguyễn Hữu Thành (20 tuổi, con trai của Tâm, cùng ngụ xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam) 9 năm tù cùng về tội “Hiếp dâm”. 

Theo cáo trạng, khoảng tháng 4/2019, bà N.T.L. (42 tuổi, ngụ xã Tân Lập) phát hiện con gái là chị Đ.T.T.N. (20 tuổi) có dấu hiệu lạ nên gặng hỏi. Lúc này, chị N. cho biết nhiều lần bị Tâm (vợ Tâm là em ruột của cha chị N.) và Thành xâm hại tình dục. Sau đó, bà L. đưa chị N. đi siêu âm mới biết con gái mình đã mang thai hơn 25 tuần tuổi. 

Ngày 22/5/2019, bà L. đến cơ quan công an trình báo việc con mình bị cha con Tâm là họ hàng và ở gần nhà hiếp dâm từ cuối năm 2018 dẫn đến có thai. 

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, lợi dụng gia đình đi vắng và chị N. bị thiểu năng, cha con Tâm đã nhiều lần quan hệ với chị này. Cụ thể, vào năm 2018, vì có ý định giao cấu với chị N. nên Thành đã điều khiển xe mô tô đến nhà của bà N. Tại đây, Thành thấy chị N. đang ngồi một mình ở ngoài võng nên gọi vào buồng, rồi đè nạn nhân xuống giường và thực hiện hành vi giao cấu. Thời gian sau đó, Thành còn thực hiện hành vi đồi bại với chị N. thêm 2 lần nữa. 

Hai cha con bị cáo tại tòa.
Hai cha con bị cáo tại tòa. 

Cũng trong năm 2018, một lần đến nhà bà L. chơi, Tâm thấy chị N. ở nhà một mình nên nảy sinh ý định giao cấu. Sau đó, Tâm đã gọi chị N. vào phòng và thực hiện hành vi đồi bại. Sau khi thỏa mãn thú tính, Tâm bảo chị N. không được nói cho ai biết việc này. 

Tháng 8/2019, chị N. sinh một bé trai. Theo kết quả giám định AND, Thành là cha ruột của cháu bé. Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có kết luận, chị N. là người bị hạn chế về nhận thức và điều khiển hành vi, bị bệnh chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ. 

Sau khi vào cuộc điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam đã quyết định khởi tố bị can đối với cha con Tâm về tội “Hiếp dâm”. Tâm bị áp dụng biện pháp ngăn cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại; còn Thành bị bắt tạm giam từ ngày 3/1/2020 đến nay. 

Tại phiên tòa xét xử, cha con bị cáo Tâm đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội tcủa mình. HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến nhân phẩm, danh dự của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, gây bức xúc trong xã hội nên đã tuyên phạt mức án như trên. Ngoài ra, 2 bị cáo còn phải bồi thường tiền tổn thất tinh thần, tiền sinh sản… cho bị hại với số tiền 100 triệu đồng. 

Theo bà L., khi mới sinh ra, chị N. đã mang trong mình căn bệnh thiểu năng trí tuệ. Lớn lên, chị cũng được gia đình cho đi học như bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, do không có khả năng tiếp thu nên dù đã học hết lớp 4, chị vẫn không nhớ mặt chữ. Cuối cùng, chị phải nghỉ học ở nhà. Bây giờ, dù đã 20 tuổi nhưng nhận thức của chị như đứa trẻ 6, 7 tuổi. 

Cuộc sống gia đình khó khăn, hàng ngày, bà L. đi buôn bán nhỏ ở chợ, còn chồng đi làm thuê ở các vườn thanh long. Mỗi sáng đi làm, vợ chồng bà đều dặn dò con gái rất kỹ rằng ở nhà phải khóa cổng cẩn thận, không cho người lạ vào nhà. Trường hợp muốn ra ngoài thì chỉ được sang nhà cô dượng cách đó vài trăm mét, chứ không được đi bất cứ đâu. 

“Vợ chồng tôi dặn dò con gái rất kỹ và nghĩ đề phòng thì đề phòng người ngoài chứ ai lại đề phòng người thân trong gia đình. Nhưng không ngờ, chính chồng của cô ruột cháu và đứa em gọi cháu bằng chị họ lại hãm hại cháu”, bà L. cho biết. 

Ngày 10/8/2019, chị N. hạ sinh một bé trai nặng 2,7kg, nhưng không dám bồng con cũng không thể cho con bú. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng như sợ sau này lớn lên đứa bé sẽ mặc cảm nên vợ chồng bà L. đã cho một gia đình hiếm muốn ở tỉnh Bình Dương nhận nuôi. 

“Khi mới sinh ra, cháu ngoại của tôi kháu khỉnh, dễ thương. Cho người ta nhận nuôi, tôi cũng đau khổ chứ sướng ích gì, nhưng mình nuôi thì không đủ khả năng, phần nữa là cháu sinh ra trong hoàn cảnh trớ trêu như vậy thì biết làm sao. Dù không nuôi được cháu nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc với gia đình nhận nuôi để hỏi thăm cháu. Hiện giờ, cháu rất khỏe mạnh”, bà L. bộc bạch. 

Làm gì để bảo vệ người tàn tật, thiểu năng không bị xâm hại?

Xâm hại tình dục là vấn nạn trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của người bị hại. Tuy nhiên, với trường hợp của chị N. thì càng đáng lên án hơn, bởi nạn nhân là người bị thiểu năng trí tuệ. 

Theo các chuyên gia tâm lý, sở dĩ người bị thiểu năng là đối tượng các “yêu râu xanh” thường ngắm đến là do bản thân họ không nhận thức được hành vi của mình. Bản thân họ thường gặp khó khăn trong giao tiếp và chia sẻ thông tin. Chính vì không phát triển các kỹ năng nhận thức phù hợp với độ tuổi và thiếu các kỹ năng cần thiết đảm bảo cho cuộc sống hàng ngày nên khi bịxâm hại, người bị thiểu năng thường thiếu kỹ năng tự vệ cần thiết và không thể tố giác kẻ đồi bại với người khác. 

Bên cạnh đó, những người bị thiểu năng thường được gia đình cho ở nhà một mình, đây chính là điều kiện thuận lợi cho những kẻ biến thái giở trò đồi bại. Không những vậy, có nhiều kẻ còn đưa ra các cách thức dụ dỗ hoặc hăm doạ nhằm khống chế sự phản kháng của nạn nhân. Nhiều nạn nhân sợ hãi nên không dám lên tiếng với người khác.  

Không để nạn nhân ở nhà một mình để nạn nhân không bị lợi dụng, xâm hại.
Không để nạn nhân ở nhà một mình để nạn nhân không bị lợi dụng, xâm hại.  

Để bảo vệ người bị thiểu năng trước tình trạng bị xâm hại tình dục, người thân trong gia đình phải đặc biệt quan tâm chăm sóc, không để họ ở nhà hoặc đi ra đường một mình, không tiếp xúc với những người đàn ông lạ, kể cả hàng xóm để đề phòng bị kẻ xấu lợi dụng. 

Trường hợp nếu phát hiện người bị thiểu năng có dấu hiệu bịxâm hại, người thân trong gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế thăm khám và tư vấn, nhằm điều trị thể chất và tâm lý cho nạn nhân. Đồng thời, gia đình phải báo cơ quan chức năng điều tra để ngặn chặn tình trạng tiếp diễn đối với người thân của mình và có thể xảy ra với những người khác. 

Ngoài ra, gia đình của người bị thiểu năng có thể liên hệ các tổ chức xã hội nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ như: Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Trung Tâm hỗ trợ pháp lý, Trung Tâm bảo vệ quyền bà mẹ và trẻ em. 

Đọc thêm