Giám định xương làm rõ lời khai bất thường, buộc tội những kẻ cưỡng bức thiếu nữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong một đêm lang thang trên bãi biển, cô bé Nguyễn Thị M. gặp một toán thanh niên đang nhậu, cô bé được mời ngồi ăn uống, sau đó bị cả bọn thay nhau cưỡng bức.
Giám định viên thao tác nghiệp vụ một vụ giám định xương.
Giám định viên thao tác nghiệp vụ một vụ giám định xương.

Vì sao bị hại kêu oan cho bị cáo? 

Tại phiên tòa sơ thẩm mở công khai của TAND tỉnh K., Nguyễn H. kẻ cầm đầu toán thành niên và đồng bọn đã bị kết án phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”. Theo cáo trạng, nạn nhân là Nguyễn Thị M. khi bị xâm hại tình dục chỉ mới 14 tuổi. Các bị cáo đã phải nhận các mức án phạt nghiêm khắc, trong đó Nguyễn H. – kẻ chủ mưu lĩnh án 17 năm tù, còn Nguyễn K. và Trần T. là các đồng bọn lãnh án 12 năm tù. 

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, một sự kiện bất ngờ đã diễn ra. Đó là các bị cáo, gia đình bị cáo, người bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại đều có ý kiến, lý lẽ chứng minh về độ tuổi của Nguyễn Thị M. 

Theo đó, các bị cáo đều thừa nhận phạm tội hiếp dâm và tình tiết phạm tội được mô tả trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng, bản án sơ thẩm là đúng sự thật. Tuy nhiên, tất cả các bị cáo đều cho rằng Nguyễn Thị M. đã đủ 18 tuổi, chứ không phải 13,14 tuổi như một số tài liệu đã cung cấp cho cơ quan điều tra dù trong đó có cả bản sao giấy khai sinh.

Bản thân bị hại Nguyễn Thị M. và người đại diện hợp pháp của bị hại là cha đẻ bị hại cũng khẳng định M. đã 18 tuổi khi vụ án xảy ra. Những tài liệu chứng cứ được bổ sung cũng rất không nhất quán, có tài liệu xác định M. mới 13 tuổi, có tài liệu xác định M. 14 tuổi, lại có tài liệu xác định M. 18 tuổi… Do đó, các bị cáo đều cho rằng không phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” và đề nghị cấp xét xử phúc thẩm cho tiến hành điều tra, xác minh lại độ tuổi của bị hại Nguyễn Thị M. 

Vì tội danh của các bị cáo liên quan đến độ tuổi của bị hại, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định tạm hoãn phiên tòa, trả hồ sơ tiến hành điều tra lại nhằm xác định rõ độ tuổi của Nguyễn Thị M. 

Thế nhưng, cũng ngay lúc này, dư luận xã hội lại rộ lên thông tin rằng đã có sự thỏa thuận ngầm giữa bị cáo và gia đình nạn nhân. Biết gia đình M. khó khăn, các bị cáo đã bỏ tiền ra “mua” để bị hại và gia đình khai tăng tuổi lên hòng gỡ tội cho chúng.

Trước thực tế này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh K. đặt quyết tâm phải bằng mọi cách làm sáng tỏ sự thật về độ tuổi thực của bị hại Nguyễn Thị M. Không chỉ thế, vụ án cũng được đánh giá là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không những đối với sức khỏe, nhân phẩm của bị hại Nguyễn Thị M., mà nguy hiểm hơn là cách thức các bị cáo gây án rất manh động, tạo nên sự bất an trong xã hội, gây dư luận xấu tại địa phương vốn được coi là có bãi biển đẹp ở Việt Nam, thường xuyên có lượng lớn khách trong nước và quốc tế đến du lịch, nghỉ mát. 

Sự thật lên tiếng từ kết luận giám định

Để đi xác định được tuổi thực của Nguyễn Thị M., nhiều mũi trinh sát đã được tung ra để tìm đến các nơi mà gia đình M. đã từng sinh sống. Các điều tra viên xác minh tại nơi sinh, tìm gặp người đỡ đẻ, những người thân, hàng xóm và những người có con sinh cùng thời điểm với M… Nhưng kết quả thu được cũng không đáng tin cậy, bởi gia đình M. có hoàn cảnh khá đặc biệt.

Cha và mẹ M. yêu nhau khi tuổi còn rất trẻ và cùng trong hoàn cảnh kinh tế hai bên khó khăn nên khi đã mang thai M. thì họ không được hai bên gia đình đồng ý. Đôi trẻ đành chia tay nhau mỗi người một nơi, bỏ quê hương đi tha phương kiếm sống. Một mình mẹ M. tự bươn chải nuôi con và vì vất vả mưu sinh nên cũng chẳng để ý tới việc phải làm giấy khai sinh cho M. 

Khi điều tra viên tìm gặp anh em, họ hàng, chòm xóm thì chẳng ai có được thông tin chính xác vì mẹ M. đã bỏ quê đi từ lâu và không có mối liên lạc gì. Bản thân M. từ nhỏ đã sống lay lắt theo mẹ nên cũng chẳng được học hành, hai mẹ con cũng không sống một nơi nào cố định lâu dài. Cho đến mãi mấy năm gần đây, tình cờ bố và mẹ M. gặp nhau, họ đã dọn về chung sống với nhau nhưng không có đăng ký kết hôn.

Xét thấy tình tiết vụ án có chiều hướng ngày càng phức tạp, cơ quan điều trả khó có thể xác lập được các chứng cứ xác thực để đảm bảo viêc truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh K. đã ra quyết định trưng cầu Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an giám định tuổi thực cho Nguyễn Thị M.

Thông qua giám định tuổi thực qua xương, bản kết luận giám định pháp y đã khẳng định tại thời điểm Nguyễn H. cùng đồng bọn gây án, Nguyễn Thị M. mới 14 tuổi. Như vậy, việc xác định H. và đồng bọn đã phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” là chính xác. Bản giám định đã trở thành cơ sở khách quan, quan trọng, giúp cơ quan tố tụng tỉnh K. sớm kết thúc vụ án đúng người, đúng tội. 

Khoa học pháp y giúp phá án

Bình thường việc xác định độ tuổi thực của một con người không có gì khó khăn, bởi sau khi sinh, cha mẹ thường lấy giấy chứng sinh tại cơ sở y tế và sau đó làm giấy khai sinh, vào sộ hộ tịch tại địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình điều tra, xử lý nhiều vụ án hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng hay gặp phải những vướng mắc do nguyên nhân khách quan, chủ quanvề việc xác định độ tuổi thực đối với nhiều trường hợp, nhất là các trường hợp đang trong độ tuổi chưa thành niên, thiếu niên như: cha mẹ không quan tâm đến việc làm giấy khai sinh; mất giấy tờ do thiên tai, hỏa hoạn, chuyển nhà; cố tình giấu giếm giấy tờ để gây khó khăn cho cơ quan điều tra; giấy tờ bị tẩy xóa không đảm bảo tính pháp lý; hồ sơ gốc địa phương bị thất lạc; trẻ lang thang bụi đời không biết về bố mẹ và nơi sinh của mình…

Với những trường hợp trên, nếu trẻ phạm tội hoặc bị phạm tội, nhất là trẻ em gái bị dâm ô, hiếp dâm thì việc không xác định được độ tuổi chính xác gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan tố tụng khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, áp dụng theo đúng khung hình phạt căn cứ vào độ tuổi của bị hại mà pháp luật quy định. Nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào hồ sơ không chuẩn đã áp dụng sai khung hình phạt đối với các bị cáo. 

Trên thế giới, việc xác định tuổi thực qua xương đã được tiến hành từ những năm đầu của thế kỷ 20 và chủ yếu được phục vụ cho việc tuyển chọn và đào tạo vận động viên đỉnh cao của ngành thể dục thể thao. Cơ sở khoa học để áp dụng phương pháp giám định tuổi thực qua xương là trong quá trình sinh trưởng và phát triển của con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, tồn tại hai loại tuổi khác nhau: tuổi khai sinh (tuổi tính theo năm sinh); tuổi sinh học (biểu thị bằng mức độ phát triển thể chất và mức độ phát dục của cơ thể theo thời gian).

Trong nhiều trường hợp, dưới tác động của các yếu tố di truyền, điều kiện sinh hoạt, lao động, dinh dưỡng… làm cho tuổi khai sinh và tuổi sinh học không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau. 

Năm 1921, nhà khoa học người Mỹ có tên là Todd đã nghiên cứu tuổi xương để đánh giá tuổi sinh học. Theo ông ở mỗi độ tuổi khác nhau có thể phân biệt được nhờ vào sự nghiên cứu các trung tâm cốt hóa của bộ xương. Những năm sau đó, phương pháp khoa học này tiếp tục được các nhà khoa học khác hoàn thiện và đến những năm 70 của thế kỷ 20 nhiều quốc gia đã áp dụng phương pháp đánh giá tuổi sinh học thông qua tuổi xương này. 

Ở Việt Nam, trong lĩnh vực thể thao, phương pháp này được áp dụng để tuyển chọn vận động viên và xác định các trường hợp gian dối về độ tuổi trong thị đấu thể thao, nhất là đối với vận động viên trẻ. Còn trong điều tra phá án, nhiều bản kết luận giám định tuổi thực qua xương của cơ quan pháp y đã là chứng cứ khoa học, khách quan, quan trọng giúp kết thúc nhiều vụ án.

Tuy nhiên, trong quá trình giám định, ngoài phương pháp khoa học nên trên, các giám định viên còn căn cứ vào tình hình phát triển thể chất của trẻ em Việt Nam, nghiên cứu sự biến đổi theo tuổi của một số xương và đầu xương người Việt ứng dụng vào phương pháp giám đinhh. Bên cạnh đó, các giám định viên còn phải tiến hành khám thực thể đối tượng giám định, xác định sự phát triển về thể chất, chiều cao, cân nặng, các số đo cơ thể, sự phát triển của râu, lông, tóc, cơ quan sinh dục…

Đọc thêm