Gian nan vụ án đòi lại thửa đất cho mượn cất nhà từ nửa thế kỷ trước

(PLVN) - Sự thật của vụ án đã được làm rõ qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm với quá trình thu thập và đánh giá chứng cứ thấu đáo, trên cơ sở xác minh kỹ lưỡng và có ý kiến xác nhận, đề nghị của chính quyền địa phương. Vậy nên việc Tòa Cấp cao xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy cả hai bản án khiến nguyên đơn không phục và cho rằng thiếu căn cứ pháp lý thuyết phục.
Đương sự Nguyễn Thị Nuôi (tức Lộc) và hình chụp phần đất tranh chấp có nguồn gốc là của cha mẹ mình
Đương sự Nguyễn Thị Nuôi (tức Lộc) và hình chụp phần đất tranh chấp có nguồn gốc là của cha mẹ mình

Vụ kiện đòi lại đất của cha ông 

Theo nội dung vụ án được thể hiện tại bản án sơ thẩm số 06 ngày 17/6/2016 TAND TP Phan Thiết và bản án phúc thẩm số 05 ngày 20/1/2017 của TAND tỉnh Bình Thuận, nguồn gốc thửa đất tranh chấp tọa lạc tại khu phố 2 phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận nguyên là tài sản của vợ chồng cụ Nguyễn Nghĩa và cụ Trần Thị Tâm mua lại từ cụ Châu Thị Mẽo. 

Ngày 23/6/1955, cụ Nghĩa và cụ Tâm lập Tờ phân cấn tài sản có chứng nhận của chính quyền xã với nội dung: Vợ chồng cụ Nghĩa nhận tuyệt mãi của cụ Châu Thị Mẽo 4 sào đất và chia phần đất này cho con gái Nguyễn Thị Nuôi (tức Lộc). Sau đó, vợ chồng cụ Nghĩa mua thêm phần đất còn lại của bà Châu Thị Mẹo.

Sau khi cụ Nghĩa mất, cụ Tâm đã yêu cầu xã trưởng lập biên bản xác nhận ngày 9/8/1969 do ông Trương Văn Sáu lập, đóng dấu ghi rõ: “Theo đơn thỉnh cầu của bà Nguyễn Thị Tâm, chúng tôi xã trưởng trực tiếp đến thị sở vườn đừa do vợ chồng bà tạo mãi để đo đạc và minh định vị trí cùng diện tích của sở vườn dừa cho 2 người con: Phần thực của bà Nguyễn Thị Nuôi diện tích 4900m2”.

Hình chụp phần diện tích đất tranh chấp
Hình chụp phần diện tích đất tranh chấp 

Vào năm 1964, cụ Tâm có cho bà Nguyễn Thị Mai cất nhà ở nhờ trên đất của mình. Năm 1967 bà Mai chuyển đi nơi khác sống nên bán lại căn nhà cho bà Huỳnh Thị Chút, bà Chút sinh sống từ đó đến lúc mất (năm 2015). 

Bà Nuôi đã đứng tên trong sổ bộ địa chính và là chủ sở hữu thửa đất trên dưới thời chế độ cũ. Đến năm 1995, ông Thành (chồng bà Nuôi) làm hồ sơ đề nghị và được cấp sổ đỏ bao gồm cả phần diện tích nhà mà gia đình bà Chút sử dụng. Đến năm 2004 vợ chồng ông Thành lập hợp đồng tặng cho diện tích đất còn lại cho 7 người con của mình, trong đó có ông Trần Thăng Toàn; hiện ông Toàn cũng đã được cấp sổ đỏ. Từ năm 2005 ông Toàn đã yêu cầu bà Chút dỡ nhà, trả đất nhưng bà Chút không đồng ý nên ông Toàn phải khởi kiện ra tòa đòi lại đất của cha ông. 

Hai cấp tòa xác định yêu cầu đòi đất của nguyên đơn có căn cứ pháp luật

Tại phiên tòa sơ thẩm, trước yêu cầu đòi đất của phía nguyên đơn, đại diện các bị đơn trình bày: Năm 1967, bà Chút mua nhà đất của bà Mai và sinh sống ổn định từ đó đến nay, đã thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đất từ năm 1992 đến nay. Vậy nên việc UBND TP Phan Thiết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Thành bao chiếm toàn bộ diện tích nhà của bà Chút mà không có quyết định thu hồi là vi phạm pháp luật đất đai.

Cũng theo phía bị đơn, việc ông Thành chia đất cho ông Toàn và ông Toàn được cấp sổ đỏ cũng sai quy định của Luật Đất đai. Tại văn bản số 156 ngày 26/1/2007 và văn bản số 1078, UBND TP Phan Thiết cũng thừa nhận việc cấp sổ đỏ cho ông Thành, ông Toàn là sai quy định, cần phải thu hồi lại các sổ đỏ đó. 

Tại bản án sơ thẩm số 06 ngày 17/6/2016 của TAND TP Phan Thiết chấp nhận đơn khởi kiện của ông Trần Thăng Toàn và yêu cầu độc lập của ông Thành và bà Lộc, tuyên xử buộc các bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải di dời và giao trả diện tích đất. Tòa cũng tuyên buộc phía ông Toàn phải thanh toán cho phía bị đơn và những người liên quan tiền giá trị tài sản và công sức tạo lập tài sản. Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên một số nội dung khác.   

Phía các bị đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm yêu cầu bác đơn khởi kiện của ông Toàn, bác yêu cầu độc lập của ông Thành, bà Lộc; hủy một phần số đỏ đã cấp có diện tích nhà đất các bị đơn đang ở; hoặc hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Tuy nhiên, bản án phúc thẩm số 05 ngày 20/1/2017 của TAND tỉnh Bình Thuận bác kháng cáo, giữ nguyên quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên xử buộc các bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải di dời và giao trả diện tích đất cho phía nguyên đơn.

Bản án phúc thẩm phân tích: “Căn cứ tất cả các lời khai đương sự và các tài liệu, chứng cứ, cùng xác nhận của cơ quan có thẩm quyền có đủ cơ sở để xác định nguồn gốc đất tranh chấp nguyên là của vợ chồng cụ Nguyễn Nghĩa, Trần Thị Tâm tạo lập (mua của bà Châu Thị Mẹo) và chia cho con gái là bà Nguyễn Thị Nuôi (tức bà Lộc) 4000m2 vào năm 1955. Sau khi lập tờ phân cấn, vợ chồng cụ Nghĩa mua thêm phần đất còn lại của bà Châu Thị Mẹo. Sau khi cụ Nghĩa chết, cụ Tân đã yêu cầu xã trưởng lập biên bản xác định vị trí đất mà bà Nuôi được cha mẹ tặng cho, đang quản lý sử dụng và đứng tên trong sổ địa chính là 4900m2. 

Lập luận của bản án phúc thẩm
Lập luận của bản án phúc thẩm  

Theo nhận định của bản án phúc thẩm, Tờ phân cấn năm 1955 hoàn toàn không đề cập việc vợ chồng cụ Nghĩa tặng cho đất cho bà Mai. Lời khai của bà Chút tại Biên bản hòa giải ngày 22/4/2004 (BL04) thể hiện “Nhà bà mua lại của bà Mai bằng giấy tay, nay đã thất lạc…” Phần đất này bà (bà Chút) xin má của bà Lộc cho đồng ý cho mua nhà để ở, khi nào nhà nước làm đường hoặc quy hoạch thì bà dỡ đi. Nếu chưa thì bà tiếp tục ở, không đi đâu cả…”

Lời khai trên của bà Chút phù hợp với lời khai của các con bà Mai về việc bà Mai chỉ bán xác nhà (BL140, 141), phù hợp lời khai của gia đình ông Thành, ông Trương Văn Sáu (BL122) thể hiện bà Mai chỉ bán xác nhà cho bà Chút và bà Chút ở nhờ trên đất của gia đình ông Thành. Do ở nhờ trên đất bà Chút phải xin ý kiến của cụ Tân là má bà Lộc “Đồng ý cho mua nhà để ở như lời khai tại biên bản hòa giải ngày 22/4/2004. Tại buổi hòa giải này bà Chút cũng không phản bác lại khi bà Lộc xác định đất thuộc quyền sở hữu của bà Lộc. Căn cứ vào những nội dung này, UBND phường Hàm Tiến cũng đề nghị bà Chút di dời nhà để trả đất. 

Theo án phúc thẩm, ngoài lời khai trong quá trình tham gia tố tụng, phía bị đơn không cung cấp được giấy tờ chứng cứ nào chứng minh nhà đất là của gia đình bị đơn và của bà Mai. Trong quá trình sử dụng đất qua 2 chế độ nhưng gia đình bà Chút không đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất, không có tên trong sổ địa chính, chỉ đóng thuế sử dụng đất của quý 4 năm 1992 và năm 1993; còn lại gia đình ông Thành đóng thuế từ năm 1980 đến nay và đã được cấp sổ đỏ.

Mặc dù phía bị đơn sinh sống ở địa phương nhưng không có ý kiến gì khi UBND thông báo công khai việc đăng ký và xin cấp sổ đỏ của ông Thành, khi Nhà nước giải tỏa làm đường đối với diện tích đất mặt tiền nhà bà Chút đã bồi thường cho ông Thành nhưng bà Chút không phản đối. 

Quyết định Giám đốc thẩm tuyên hủy án dựa trên căn cứ nào?

Không đồng tình, phía bị đơn khiếu nại bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm. Ngày 21/3/2018 Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên, đề nghị xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm vụ án, giao hồ sơ cho TAND TP Phan Thiết xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật. 

Quyết định giám đốc thẩm số 196 ngày 29/5/2018 của TAND Cấp cao tại TP HCM  nhận định: Xét thấy thực tế gia đình bà Chút ở trên đất từ năm 1967 đến nay, trên cơ sở bà Mai giao đất cho bà Chút để ở. Khi các đương sự có tranh chấp thì bà Mai cũng trình bày bà đã chuyển nhượng đất cho bà Chút tại Giấy chuyển nhượng ngày 22/7/2003. 

Một phần nội dung Quyết định giám đốc thẩm số 196 ngày 29/5/2018 của TAND Cấp cao tại TP HCM
Một phần nội dung Quyết định giám đốc thẩm số 196 ngày 29/5/2018 của TAND Cấp cao tại TP HCM

Quyết định giám đốc thẩm căn cứ vào Báo cáo số 10 ngày 12/1/2007 của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phan Thiết cho rằng, nguồn gốc đất tranh chấp là của cụ Nghĩa và cụ Tâm. Năm 1964 cụ Nghĩa đã cho bà Nguyễn Thị Mai thửa đất này làm nhà để ở, năm 1967 bà Chút mua lại nhà đất này của bà Mai và sinh sống ổn định từ đó đến nay.

Tờ phân cấn tài sản ngày 23/6/1955, cụ Nghĩa cụ Tâm phân chia cho bà Nuôi diện tích đất 4 sào (4000m2); vậy mà ngày 9/8/1969, sau khi cụ Nghĩa chết, cụ Tâm đã làm đơn đề nghị đo lại đất cho 2 người con gái và xã Thiện Khánh đã lập biên bản xác nhận cho bà Nuôi có diện tích 4900m2 là không phù hợp. Bên cạnh đó, văn bản số 1078 của UBND TP Phan Thiết cũng khẳng định về trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ cho ông Thành, ông Toàn là không đúng trình tự, cần phải thu hồi. 

Quyết định giám đốc thẩm còn cho rằng, về phía bà Chút, tuy không có giấy tờ mua bán thửa đất nhưng trên thực tế gia đình bà Chút đã ở đây từ năm 1967 đến nay, đã nộp thuế đất từ quý 2 năm 1992. Ngày 22/7/2003 bà Mai cũng làm đơn xác nhận việc bán nhà cho bà Chút vào năm 1967 đồng thời nêu rõ nguồn gốc đất trên. 

Từ những phân tích trên, có đủ căn cứ khẳng định việc cấp sổ đỏ cho ông Trần Thăng Toàn bao gồm cả diện tích mà bị đơn đang sử dụng nhưng không có ý kiến của những người này là không đúng trình tự, thủ tục luật định. Trên diện tích đất tranh chấp, gia đình bà Chút đã xây nhà sinh sống ổn định từ năm 1967 đến nay đã trên 50 năm nên được xem là sử dụng ổn định, lâu dài. Mặc dù quá trình sử dụng bà Chút không đăng ký kê khai, tuy nhiên việc đăng ký kê khai của ông Thành, ông Toàn cũng không phải là căn cứ duy nhất để xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp, mà cần phải xem xét đến yếu tố lịch sử, quá trình và thực tế sử dụng đất để giải quyết mới bảo đảm tính toàn diện, triệt để và bảo vệ được quyền lợi của các đương sự.”

Bởi các lẽ trên, Hội đồng Giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án, tuyên trả hồ sơ về TAND TP Phan Thiết để xét xử sơ thẩm lại từ đầu. 

Sự thật vụ án chỉ có một  

Quyết định giám đốc thẩm khiến gia đình bà Nguyễn Thị Lộc bất ngờ và bức xúc. Theo bà Lộc, thứ nhất, việc Báo cáo số 10 của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phan Thiết cho rằng năm 1964 cụ Nghĩa đã cho bà Nguyễn Thị Mai thửa đất tranh chấp để làm nhà ở, sau đó bà Mai bán lại cho bà Chút (…) là không đúng vì hoàn toàn không có một chứng cứ, bút lục nào trong hồ sơ vụ án thể hiện nội dung bà Mai được các cụ cho đất.

Việc quyết định giám đốc thẩm chỉ căn cứ vào đơn xác nhận việc bán nhà năm 1967 bà Mai viết ngày 22/7/2003 xác nhận bán nhà cho bà Chút cũng không thuyết phục, vì ngay cả bản thân các con bà Mai cũng khai rằng bà Mai chỉ bán xác nhà chứ không có đất. Ngược lại, có rất nhiều chứng cứ, lời khai nhân chứng khẳng định bà Mai chỉ được cho mượn đất làm nhà để ở. Việc bà Chút có lời khai về việc khi đến ở đã xin cụ Tâm được ở trên đất của cụ Tâm cũng thể hiện nội dung này. 

Thứ hai, việc Quyết định giám đốc thẩm cho rằng gia đình bà Chút đã nộp thuế đất từ quý 2 năm 1992 đến nay là không đúng, vì các tài liệu trong hồ sơ vụ án chỉ thể hiện gia đình họ chỉ nộp thuế sử dụng đất của quý 4 năm 1992 và năm 1993. Rất tiếc, cấp giám đốc thẩm lại coi đây là những căn cứ xác đáng để tuyên hủy án. 

“Sự thật vụ án đã được làm rõ qua các bản án sơ thẩm và phúc thẩm với quá trình thu thập và đánh giá chứng cứ thấu đáo, trên cơ sở xác minh kỹ lưỡng và có ý kiến xác nhận, đề nghị của các nhân chứng, chính quyền địa phương, nhờ đó mà gia đình chúng tôi đã được tuyên đòi được đất của cha ông. Không ngờ các phán quyết công tâm đó bị Tòa Cấp cao tuyên hủy. Đất là của cha mẹ tôi để lại và cha mẹ tôi chỉ cho mượn đất cất nhà chứ không cho đất; sự thật chỉ có một nên chúng tôi vẫn tin tưởng rằng bản chất vụ án cũng như sự công tâm đó tiếp tục không thay đổi trong phiên tòa sơ thẩm được mở lại tới đây”- đơn của bà Lộc bày tỏ. 

Đọc thêm