Chẳng ai biết có tự bao giờ, thế nhưng nạn “cầm đồ thuốc độc” vẫn tồn tại bao đời nay, giữa đời sống tâm linh của hàng vạn đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Hủ tục này đã gây ra nhiều vụ án thương tâm, khiến hàng chục nạn nhân vô tội bị đánh đập, giết hại, bỏ làng đi biệt xứ…
Giết người vì nghi “cầm đồ thuốc độc”
Ngày 28/9, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Phạm Văn Soi (SN 1998), Phạm Văn Nghề (SN 1985) và Phạm Văn Cua (SN 1996, cùng ngụ thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, khoảng 21h30 ngày 2/7/2020, sau khi uống rượu tại nhà ông Phạm Văn Nú - Trưởng thôn Làng Tốt, Soi, Cua, Nghề và ông Phạm Văn Lối (ngụ thôn Làng Tốt) tiếp tục đến nhà Cua để uống rượu.
Trong lúc uống rượu, bị Soi nói ông Lối “cầm đồ thuốc độc” làm cha của mình bị chết. Do đó, giữa Soi và ông Lối xảy ra cãi vã, xô xát với nhau. Lúc này, ông Lối dùng tay đánh vào mặt của Soi rồi bỏ về. Khi ông Lối bỏ đi, Cua nói với Soi sao ông Lối đánh mà không đánh lại. Do vậy, Soi nói với Cua và Nghề là sẽ đánh chết ông Lối. Nghe vậy, Cua và Nghề đồng ý cùng Soi đánh ông Lối.
Sau đó, Cua và Nghề đi theo ông Lối. Khi đi đến bờ sông Liên, Cua và Nghề chặn đánh ông Lối, khiến nạn nhân ngồi xuống đất. Lúc này, Soi vào nhà Cua lấy cây rựa chạy đến chỗ ông Lối, rồi dùng chân đá vào lưng và cầm cây rựa chém liên tiếp vào đầu, tay nạn nhân.
Khi thấy ông Lối bị chém nằm xuống đất, Cua và Nghề bỏ đi về, còn Soi tiếp tục cầm cây rựa chém nhiều nhát vào đầu, cổ, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
|
Khu vực nạn nhân bị sát hại, thả trôi sông. |
Sau khi gây án, Soi bỏ cây rựa gần chỗ ông Lối nằm rồi đi đến nhà của nghề Nghề. Tại đây, Nghề hỏi Soi ông Lối chết chưa thì Soi trả lời ông Lối đã chết. Lúc này, Nghềbảo Soi kéo ông Lối ra sông Liên bỏ. Nghe vậy, Soi đi lại chỗ ông Lối nằm, rồi kéo nạn nhân ra giữa dòng sông Liên. Chưa dừng lại ở đó, Soi tiếp tục dùng hòn đá nhặt được dưới sông đập liên tiếp vào đầu ông Lối, rồi thả nạn nhân trôi sông.
Đến sáng 4/7, anh Phạm Văn So (ngụ thôn Làng Tốt) trong lúc ra sông Liên thì phát hiện ông Lối nằm chết giữa sông, trên người có nhiều vết thương. Kết quả khám nghiệm của lực lượng chức năng cho thấy, trên người nạn nhân có 16 vết thương ở vùng đầu, cổ, tay.
Thời điểm sau khi bị bắt, Soi Khai: “Trước đây, cha tôi và ông Lối có mâu thuẫn, ông Lối nói cha tôi sẽ chết. Mặc dù bác sĩ nói cha tôi bị ung thư chết nhưng cha tôi bị ung thư chính là do ông Lối “cầm đồ thuốc độc” gây ra”.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Nú cho biết: “Khi có men rượu vào, ông Lối khoác lác cho rằng mình có “đồ độc” và sẽ trừng trị người khác. Vì thế, nhiều người dân nghi ông có “đồ độc” hại người. Có lần, ông bị người dân trong thôn bắt trói, đánh đập. Chính quyền xã và thôn phải tổ chức hòa giải để không xảy ra vụ việc phức tạp”.
Tại phiên tòa xét xử, sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án, tập trung làm rõ vai trò của từng bị cáo, lời khai của các bị cáo và người làm chứng, đồng thời xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Soi 20 năm tù, Phạm Văn Nghề 14 năm tù và Phạm Văn Cua 12 năm tù cùng về tội “Giết người”.
Bao giờ hết nạn “cầm đồ thuốc độc”?
Nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” là một hủ tục man rợ tồn tại từ rất lâu đời ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Hủ tục này đã gây ra nhiều vụ án thương tâm, khiến hàng chục nạn nhân vô tội bị đánh đập, giết hại. Thậm chí, khi bị dồn vào bước đường cùng, nhiều người còn phải chọn cách giải thoát cho mình bằng việc tự tìm đến cái chết, hoặc bỏ làng đi biệt xứ.
Vậy thực chất “cầm đồ thuốc độc” là gì mà lại có thể gieo rắc nỗi khiếp sợ kinh hoàng như vậy đối với bà con dân tộc miền núi nơi đây? Theo cách nghĩ người dân, “đồ độc” là một vật gồm các tạp vật. Muốn hại hoặc giết người khác thì dùng “đồ độc” đụng vào người hoặc đem chôn gần người bị hại và nguyền rủa.
Khi nói đến nạn nghi kỵ“cầm đồ thuốc độc”, đồng bào dân tộc các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đều lo sợ, vì hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Việc đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi đời sống đồng bào vùng cao đang là thách thức lớn của chính quyền các huyện miền núi.
Theo điều tra của các cơ quan chức năng, nghi kỵ“cầm đồ thuốc độc” ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là một hủ tục lạc hậu, không có thật, chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác, không có cơ sở khoa học chứng minh. Đây chính là nhân tố tiềm ẩn sự mất đoàn kết trong một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tựở địa phương.
Đối tượng bị nghi kỵ“cầm đồ thuốc độc” thường là người thân hoặc có quan hệ với người trước đó đã bị nghi “cầm đồ thuốc độc”. Những người này thường ít tham gia hoạt động xã hội, đi lại lén lút hoặc là người hay uống rượu nói năng lung tung, khoác lác, tự đề cao để tạo uy thế cho bản thân. Nhiều người có mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, song lại có lời nói, hành động hăm dọa người khác, tự cho mình có vật lạ như: rễ cây độc, đá lạ, pa găng, muối ma, ăn cơm ma, gạo ma, có tài cúng ém… để người khác sợ mình.
Người được coi bị“cầm đồ thuốc độc” là những người do có sự trùng hợp ngẫu nhiên là người thân hoặc gia súc, gia cầm của họ bị đau, ốm, dịch bệnh… Họ rước thầy cúng về “cúng ém”, “giải độc”, “giải bệnh”, “giải hạn” nhưng có trường hợp bị nặng dẫn đến chết nên nghi bị người này, người kia có “đồ độc” hại mình.
Bên cạnh đó, đa số thầy cúng là thành phần lười lao động, chuyên hành nghề mê tín dị đoan để kiếm sống nên khi cúng bái đã phát ngôn lung tung, nói bóng, nói gió có người hướng đông, hướng tây, gần xa hại nên mới bị đau ốm. Hệ quảlà những ai vốn có xích mích với họ liền được gán ghép là có “đồ độc”.
Nguyên nhân của nạn nghi kỵ“cầm đồ thuốc độc” luôn âm ỉ trong đồng bào vùng cao tỉnh Quảng Ngãi là do những hủ tục, mê tín dị đoan đáng sợ, mà sâu xa là sự thiếu hiểu biết của người dân. Hầu hết các vụ việc xảy ra đều có sự tích tụ, lặp đi lặp lại lâu ngày, song chính quyền địa phương chậm nắm bắt giải quyết, giải tỏa tư tưởng cho người dân. Từ đó, dẫn đến mê tín, mù quáng tin theo lời thầy cúng nên có những hành vi vi phạm pháp luật như: giết, đánh, hăm dọa, đuổi ra khỏi làng…
Nạn nghi kỵ“cầm đồ thuốc độc” xảy ra thì không chừa bất kỳ ai, kể cả người thân, anh em trong gia đình. Hệ lụy ở đây, nếu chính quyền và ngành chức năng không kịp thời ngăn chặn, giải quyết mâu thuẫn thì việc đoạt mạng, xâm hại sức khỏe, tài sản rất dễ xảy ra. Vì thế, thiết nghĩ chính quyền địa phương và ngành chức năng cần vào cuộc nắm chắc tình hình, xác minh nguyên nhân, làm rõ nguyên nhân vì sao? Có như thế mới giải quyết dứt điểm tệ nạn này.
Bao giờ hết nạn “cầm đồ thuốc độc”? Đó là điều mong đợi của đồng bào dân tộc các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi bây giờ.