Góc nhìn luật sư về vụ lộ clip “nóng”: Không được tùy tiện thu giữ, khám xét điện thoại

(PLVN) - Không bàn đến hành vi của người tung clip nhạy cảm của nữ diễn viên V.T.A.T lên mạng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Bộ luật Hình sự hiện hành, thì về tính pháp lý trong vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm rõ việc cán bộ công an thu giữ, khám xét điện thoại của nữ diễn viên có đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hay không.
(ảnh minh họa).

Lộ clip “nóng” vì đâu?

Ngày 27/5 vừa qua, trên mạng lan truyền một đoạn clip dài khoảng 8 phút, ghi lại cảnh ân ái giữa một cặp đôi và thu hút rất nhiều lượt chia sẻ, bình luận. Sau đó, từ những hình ảnh trong đoạn clip, nhân vật nữ được cư dân mạng cho rằng là diễn viên V.T.A.T (23 tuổi), từng tham gia một vai nhỏ trong bộ phim truyền hình đình đám “Về nhà đi con” và đăng ký thi Hoa hậu Việt Nam năm 2020.

Sau đó, A.T xác nhận người trong đoạn clip bị phát tán chính là cô. Theo lời kể của A.T, vào tối 26/5, cô cùng nhóm bạn có tập trung ăn uống tại nhà riêng. Trong quá trình ăn uống, cô cùng bạn bè có bật nhạc lớn và bị hàng xóm phản ánh, sau đó Công an phường sở tại có mặt. A.T cùng nhóm bạn được yêu cầu về trụ sở Công an phường để làm việc. Tại đây, cô và nhóm bạn của mình được yêu cầu giao nộp điện thoại di động, mật khẩu nhằm phục vụ điều tra xác minh.

Sau khi làm việc xong, cô và nhóm bạn được trả lại điện thoại và được cho về. Cô vẫn không biết gì cho đến khi nhận được tin nhắn hỏi thăm của bạn bè vào sáng hôm sau, khi clip bị phát tán. A.T cho biết, cô đã gọi điện cho cán bộ công an đã làm việc trực tiếp với mình trao đổi về vụ việc bị lộ đoạn clip thì nhận được trả lời rằng sẽ tiến hành xác minh nguyên nhân.

Hiện tại, A.T vô cùng suy sụp, nghĩ quẩn khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mong muốn lớn nhất của cô bây giờ là tìm ra danh tính người đã phát tán clip của cô và động cơ của họ để bản thân có thể yên tâm sống tiếp.

Bạn trai của A.T - anh T cũng cho biết, anh và bạn gái anh là chị V.T.A.T. là 2 nhân vật trong clip riêng tư. Theo anh T, tối hôm nhóm của bạn gái tụ tập thì anh không có ở đó. Anh T thừa nhận mình và bạn gái A.T có thực hiện quay đoạn video ngắn về chuyện riêng tư của 2 người bằng điện thoại của A.T.

Clip nóng lan truyền trên mạng được lưu giữ trong điện thoại cá nhân có đặt mã khóa.

Không thể tùy tiện thu giữ, khám xét điện thoại

Trong vụ việc này, một vấn đề mà không ít người quan tâm là trường hợp nào công an được thu giữ điện thoại; việc cán bộ công an thu giữ, khám xét điện thoại của nữ diễn viên có đúng trình tự, thủ tục hay không. Các chuyên gia pháp lý đã trao đổi với báo chí xung quanh tình tiết này của vụ việc.

Theo đó, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu đúng như lời chia sẻ trên thì trong trường hợp chị A.T cùng nhóm bạn gây ra tiếng ồn, tập trung đông người khi có dịch, sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, đời sống bí mật cá nhân, thư tín, điện tín, điện thoại vẫn được pháp luật bảo vệ trên cơ sở các quy định về bảo vệ bí mật đời tư cá nhân.

Do đó, căn cứ vào quy định của pháp luật, trong vụ việc này cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không việc cán bộ công an khám điện thoại của nữ diễn viên A.T; việc thu giữ, khám xét này có đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hay không; mục đích của việc khám xét là gì?

Trong trường hợp nữ diễn viên nghi ngờ cán bộ công an khám xét không đúng quy định thì có quyền khiếu nại hoặc tố cáo, khởi kiện cán bộ công an theo quy định pháp luật. Trong trường hợp lời khai của nữ diễn viên là đúng, đã có hành vi thu giữ điện thoại không có căn cứ, trái quy định của pháp luật thì cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính, trường hợp nếu vi phạm nghiêm trọng thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo Luật sư Cường, nếu có việc xử lý vi phạm hành chính không đúng quy định, làm lộ thông tin cá nhân, thậm chí là hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thì cán bộ, chiến sĩ vi phạm sẽ bị kỷ luật, bị phạt hành chính và còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn theo Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TGS – (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc thu giữ điện thoại cá nhân trong trường hợp nữ diễn viên và nhóm bạn bị bắt quả tang gây mất an ninh trật tự trong mùa dịch là chưa đủ cơ sở và không cần thiết.

Công dân có quyền từ chối yêu cầu giải thích hoặc khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo theo quy định của pháp luật nếu cán bộ, cơ quan chức năng yêu cầu thu giữ những tài liệu đồ vật không liên quan đến vụ việc.

Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TGS – (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Trong trường hợp lực lượng chức năng thu giữ điện thoại của người vi phạm hành chính hoặc thậm chí vi phạm pháp luật hình sự thì phải có căn cứ chứng minh điện thoại đó là công cụ, phương tiện phạm tội hoặc là đồ vật vi phạm hành chính.

Khoản 2 Điều 21 Hiến pháp có quy định “Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể trong tố tụng hình sự, việc bóc mở, thu giữ thư, điện tín, dữ liệu điện tử của người khác vẫn được tiến hành nhằm mục đích phục vụ trong quá trình tố tụng hình sự.

Việc kiểm tra, thu giữ, bóc mở, bảo quản dữ liệu điện tử của người khác cũng phải được thực hiện theo quy trình cụ thể. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Cơ quan có thẩm quyền có thể khám xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án.

Trong trường hợp công an đang điều tra mà nghi ngờ người này có dấu hiệu vi phạm thì họ cũng không có quyền tự ý kiểm tra điện thoại của người đó, mà phải có lệnh của cấp trên quy định tại khoản 1 Điều 113 và khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự thì công an đang điều tra có mới quyền kiểm tra điện thoại của đối tượng.

Như vậy, những người có quyền ra lệnh khám xét, thu giữ điện thoại, thư tín của người khác theo Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bao gồm: “a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử”.

Tóm lại, cơ quan chức năng được khám xét điện thoại thông minh trong trường hợp có căn cứ để nhận định trong dữ liệu của điện thoạicó công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án. Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến.

Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến. Người ra lệnh, người thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Căn cứ Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu có căn cứ nhận định trong người, chỗ ở, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hình sự thì cơ quan có thẩm quyền có quyền khám xét. Vì vậy, trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, cơ quan công an có quyền yêu cầu cá nhân cung cấp mật khẩu để phục vụ cho quá trình điều tra.

Tuy nhiên, khi thực hiện tạm giữ, phải lập biên bản và niêm phong tang vật. Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật. Khi tiến hành khám đồ vật phải lập biên bản, có mặt chủ đồ vật, trong trường hợp chủ đồ vật vắng mặt thì phải có 2 người chứng kiến. Như vậy, cơ quan công an chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với các dữ liệu không liên quan thì thuộc bí mật cá nhân, phải tôn trọng và bảo vệ an toàn bí mật.

Đọc thêm