Hậu “chính sách đặc thù”

(PLVN) - Với việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ; thì vấn đề cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho địa phương phát triển đã áp dụng với 8 tỉnh, thành gồm: TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ.
Do chính sách đặc thù, TP HCM có thẩm quyền rộng hơn trong công tác tổ chức, cán bộ so với một số địa phương khác.

Chính sách đặc thù là gì? Theo các Nghị quyết của Quốc hội, 8 tỉnh, thành nêu trên được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, chủ động và linh hoạt quyết định một số vấn đề liên quan về nguồn lực đất đai, tài chính, con người... để phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế - xã hội. Mục đích, các cơ chế này phải phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề để địa phương phát triển, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo tác động lan tỏa.

Có thể lấy ví dụ, tại TP HCM có thẩm quyền rộng hơn trong công tác tổ chức, cán bộ so với một số địa phương khác. Do đó, TP HCM đã sắp xếp các phòng ban hợp lý, phù hợp hơn với nhu cầu của TP, đồng thời có chính sách để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, nghĩa là có điều kiện hơn giữ chân hay thu hút người tài.

Còn với Cần Thơ, trong năm 5, kể từ 1/3/2022, sẽ được hưởng 6 cơ chế, chính sách đặc thù như HĐND TP được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng; UBND TP được Thủ tướng phân cấp phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị; sau khi ngân sách TP đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội, HĐND Cần Thơ được quyết định dùng nguồn còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức…

Đứng ở góc độ pháp lý, “chính sách đặc thù” là yếu tố khiến hệ thống quy định pháp luật thêm phức tạp, thậm chí ở góc độ nào đó xung đột với nguyên tắc pháp luật phải thống nhất. Thế nhưng thực tế cũng cho thấy Việt Nam có 63 tỉnh, thành, đặc điểm dân số tự nhiên kinh tế - xã hội khác nhau, như một phường của TP HCM có thể có số dân bằng vài huyện của tỉnh khác cộng lại; nếu quy định “cứng” mỗi phường chỉ có 1 cán bộ địa chính, thì không thể có “siêu nhân” nào làm hết từng đó công việc. Vì vậy, ở giai đoạn hiện nay, việc Quốc hội xem xét, cân nhắc, trao một số cơ chế, chính sách đặc thù cho các đô thị đặc biệt, hay các đô thị loại 1 là điều hợp lý.

Tuy nhiên, như một ĐBQH mới đây nhận xét: “Về lâu dài cơ chế đặc thù không phải để giải quyết vấn đề. Vì Việt Nam có 63 tỉnh, thành thì có từng ấy đặc điểm không giống nhau. Luật pháp không thể chạy theo các đặc điểm này mà phải xuất phát từ lợi ích tối ưu của toàn xã hội và định hướng cho tương lai. Hiện nay do thể chế chúng ta không theo kịp sự phát triển của cuộc sống, nên cần thí điểm cơ chế đặc thù cho một số địa phương, sau đó sẽ sơ kết, tổng kết để ban hành thành chính sách chung”. Vì vậy, “chính sách đặc thù” phải nhớ chỉ là dạng thí điểm, cần thực hiện nghiêm túc để có đánh giá khách quan, chính xác.

Đọc thêm