Hy hữu Hội đồng xét xử kiến nghị hủy bản án chính mình tuyên

(PLVN) - Chuyện xảy ra trong phiên tòa hình sự sơ thẩm của TAND huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk). Sau 9 ngày xét xử và nghị án, ngày 23/7, HĐXX sau khi tuyên án đối với nguyên Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt thì đã kiến nghị TAND tỉnh Đắk Lắk hủy bản án sơ thẩm do chính mình tuyên.
HĐXX TAND huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk).
HĐXX TAND huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk).

Ra tòa, nguyên chủ tịch xã vẫn tố cáo kiểm sát viên 

Ngày 15/7, TAND huyện Ea Súp đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Quảng (SN 1970, nguyên Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Quá trình xét xử, nghị án đến tuyên án vụ án kéo dài 9 ngày.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Ea Súp, năm 2012, khi giữ chức Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt, ông Nguyễn Hữu Quảng đã duyệt ký chi số tiền hơn 141 triệu đồng, nhưng không có nội dung chi, chi trùng, chi sai quy định... Đến năm 2014, ông Quảng chỉ đạo kế toán lập chứng từ khống, quyết toán chi số tiền hơn 57 triệu đồng...

Năm 2014, ông Quảng đã chỉ đạo lập khống chứng từ để thanh toán số tiền 35 triệu đồng vào kinh phí chi tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng năm 2015. Năm 2014, UBND xã Ya Tờ Mốt không tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, nhưng ông Quảng chỉ đạo kế toán lập khống chứng từ chi kinh phí với số tiền hơn 25 triệu đồng...

Ông Quảng còn ký duyệt, lập khống các chứng từ, đề nghị thanh toán tiền chế độ làm thêm ngoài giờ năm 2014 với số tiền hơn 21 đồng, năm 2015 với số tiền hơn 40 triệu đồng đồng. Chưa hết, ông Quảng còn chỉ đạo lập khống chứng từ chi cho việc tổ chức “Đêm hội trăng rằm” năm 2015 với số tiền 10 triệu đồng. Như vậy, trong các năm 2012, 2014 và 2015, ông Nguyễn Hữu Quảng đã lập khống, duyệt, ký chi thanh toán các chứng từ không đúng quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 333 triệu đồng.

Được biết, kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Súp xác định ông Quảng cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, với số tiền hơn 192 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chuyển kết quả điều tra qua VKSND huyện Ea Súp truy tố, cơ quan này đã đưa thêm số tiền hơn 141 triệu đồng chi trong năm 2012 (hồ sơ bị mối mọt ăn) vào.

Bị cáo Nguyễn Hữu Quảng.
Bị cáo Nguyễn Hữu Quảng. 

Việc VKSND huyện Ea Súp đưa thêm khoản tiền hơn 141 triệu đồng vào truy tố, khiến tổng số tiền gây thiệt hại được nâng lên hơn 333 triệu đồng. Hành vi được cho là làm sai của ông Quảng đã tăng nặng từ Khoản 1 lên Khoản 2 Điều 165 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Nguyễn Hữu Quảng đề nghị thay đổi điều tra viên và kiểm sát viên với lý do cố ý buộc tội bị cáo và bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, HĐXX TAND huyện Ea Súp không chấp thuận đề nghị này.

Bởi Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Súp, VKSND huyện Ea Súp có công văn trả lời không có căn cứ cho rằng điều tra viên, kiểm sát viên không vô tư trong vụ việc. Ngoài ra, bị cáo Quảng cũng đề nghị HĐXX triệu tập 2 giám định viên liên quan đến vụ việc là ông Nguyễn Tấn Thành và bà Huỳnh Thị Hà (thuộc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk) vì cho rằng những người này không đủ tư cách giám định vụ việc của ông.

Tại tòa, luật sư của bị cáo Quảng cho biết, bà Hà là người ký các quyết định giám định tài chính với một số trường hợp liên quan đến vụ việc trong năm 2018, kết luận ông Quảng gây ra thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ngày 11/4/2019, bà Hà mới được UBND tỉnh Đắk Lắk bổ nhiệm giám định viên.

Như vậy, tư cách giám định của bà Hà là không đủ, nhưng cáo trạng vẫn căn cứ vào kết luận do ông Thành và bà Hà ký để truy tố bị cáo là không phù hợp. Theo đại diện HĐXX, tòa đã có triệu tập đối với 2 giám định nói trên. Tuy nhiên, họ không có mặt tại phiên tòa. Nếu trường hợp khi có văn bản, hoặc giám định lại hay giám định bổ sung sẽ được cung cấp cho luật sư.

Đối với việc bị cáo Quảng và luật sư của mình cho rằng bà Hà được bổ nhiệm làm giám định viên năm 2019, nhưng lại thực hiện ký kết luận giám định năm 2017, 2018 là không đúng thẩm quyền, không có giá trị pháp lý, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cung cấp cho HĐXX một công văn và một quyết định về việc thành lập Tổ giám định tài chính có tên bà Hà là thành viên. 

HĐXX kiến nghị hủy bản án chính mình tuyên

Tại phiên tòa, bị cáo Quảng cho rằng, việc mình ký chi những khoản có trong cáo trạng là ký đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng sự việc, đúng đối tượng. Việc chi đã được Kho bạc Nhà nước huyện Ea Súp kiểm soát và đồng ý chi. Do đó, bị cáo cho rằng một số cán bộ tiến hành tố tụng không căn cứ vào chứng cứ mà chỉ căn cứ vào lời khai của người khác để buộc tội mình là không khách quan, không thuyết phục, trái pháp luật.

Luật sự bào chữa cho bị cáo Quảng cho rằng, bị cáo là chủ tài khoản, nhưng các chứng từ là do kế toán xã Ya Tờ Mốt lập, còn việc bị cáo ký chi là đúng thẩm quyền, đúng đối tượng.

Tại tòa, bà Lại Thị Mây (kế toán UBND xã Ya Tờ Mốt thời điểm xảy ra vụ việc) khai, ông Quảng đã chỉ đạo bà chi quà cáp, phong bì cho các cá nhân thuộc Kho bạc Nhà nước huyện Ea Súp, gồm: Nguyễn Thị Hồng (giám đốc), Lê Thị Hòa (thủ quỹ), Nguyễn Văn Trung (kế toán viên). Tuy nhiên, tại phiên tòa, các ông, bà trên đã phủ nhận lời khai và khẳng định mình không nhận bất kỳ quà cáp hay phong bì từ bà Mây cũng như UBND xã Ya Tờ Mốt.

Điều đáng nói, suốt 3 năm qua, nhiều lần tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng VKSND huyện Ea Súp luôn giữ quan điểm truy tố ông Quảng số tiền hơn 141 triệu đồng chi trong năm 2012. Tuy nhiên, trong phiên tòa lần này, vào chiều 16/7, VKSND huyện Ea Súp bất ngờ rút phần truy tố đối với số tiền hơn 141 triệu đồng này. Do đó, VKSND huyện Ea Súp truy tố bị cáo Quảng từ Khoản 2 xuống Khoản 1 Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Quảng với mức án từ 2 - 2,5 năm tù. Sau 9 ngày xét xử và nghị án, ngày 23/7, TAND huyện Ea Súp đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Quảng 18 tháng tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Quảng sau đó cho biết sẽ có kháng cáo gửi đến TAND tỉnh Đắk Lắk kêu oan. Đặc biệt, HĐXX nhận thấy chứng từ bị cáo Quảng chỉ đạo lập khống là sai quy định, nhưng bà Lại Thị Mây và bà Nguyễn Thị Quế (thủ quỹ UBND xã Ya Tờ Mốt thời điểm xảy ra vụ việc) vẫn thực hiện, không có văn bản báo cáo người có thẩm quyền. Hành vi của bà Mây và bà Quế có dấu hiệu đồng phạm trong vụ án.

TAND huyện Ea Súp đã từng trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ hành vi đồng phạm của 2 người này. Tuy nhiên, cả 2 lần trả hồ sơ, VKSND huyện Ea Súp không thực hiện theo yêu cầu. Do vậy, HĐXX không đủ chứng cứ để xem xét hành vi đồng phạm của bà Mây và bà Quế trong vụ án.

Từ lập luận trên, HĐXX TAND huyện Ea Súp kiến nghị tòa phúc thẩm TAND tỉnh Đắk Lắk hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, làm rõ hành vi của bà Mây và bà Quế để truy tố, xét xử theo quy định. Được biết, trong 2 kết luận giám định do bà Huỳnh Thị Hà ký đều xác định, trong vụ việc này, để xảy ra sai phạm có trách nhiệm của kế toán và Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt.

Cụ thể, Kết luận giám định ngày 12/7/2018 nêu: “Như vậy, trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm trên thuộc về kế toán xã và Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt”; kết luận giám định ngày 15/8/2018 nêu: “Như vậy, trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm trên thuộc về kế toán, những người có liên quan và Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt”.

Dù kết luận giám định nêu rõ như vậy, nhưng đến nay chỉ một mình nguyên Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt Nguyễn Hữu Quảng bị khởi tố, xét xử và tuyên án. Bởi vậy, dư luận đặt câu hỏi: Trong vụ án này, liệu có sự bao che, bỏ lọt tội phạm?

Đọc thêm