Lâm Đồng: Nhiều sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Lâm Hà

(PLVN) - Với hàng loạt sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Lâm Hà được chỉ ra trong kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công an tỉnh này liên hệ Thanh tra tỉnh để tiếp nhận toàn bộ hồ sơ sai phạm, tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Rừng thông tại Tiểu khu 26B xã Nam Hà, huyện Lâm Hà bị triệt hạ trái phép để chiếm dụng đất
Rừng thông tại Tiểu khu 26B xã Nam Hà, huyện Lâm Hà bị triệt hạ trái phép để chiếm dụng đất

Hàng loạt sai phạm 

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành kết luận thanh tra số 2096/KLUBND về công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các dự án quản lý, bảo vệ rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lâm Hà. Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Lâm Hà.

Cụ thể, công tác quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện này thời gian qua hiệu quả chưa cao. Các đơn vị chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vi phạm để lập hồ sơ xử lý. Tỷ lệ vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm còn cao, tỷ lệ thu nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính chỉ đạt 30%.

Về giao khoán rừng, đất lâm nghiệp, có 43 hộ với 22 hợp đồng nhận khoán không đúng đối tượng. Các đối tượng nhận khoán chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên theo các nghị định của Chính phủ. Việc thực hiện trình tự, thủ tục giao khoán chưa đúng theo quy định của pháp luật.

Một quả đồi ở huyện Lâm Hà bị san ủi trái phép
Một quả đồi ở huyện Lâm Hà bị san ủi trái phép  

Mặc dù UBND huyện Lâm Hà có văn bản về việc tạm ngưng giao khoán theo Nghị định số 135/2005/ NĐ-CP, nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban (nay sáp nhập với Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh thành Ban Quản lý rừng phòng hộ  Lâm Hà) vẫn tiếp tục ký kết giao khoán đối với 6 hợp đồng với 55ha đất cho các cá nhân là viên chức của đơn vị để trồng rừng.

Việc ký kết giao khoán này là không chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Lâm Hà. Đặc biệt, có 2 đơn xin nhận khoán đất lâm nghiệp giả mạo chữ ký của lãnh đạo UBND xã và con dấu của UBND xã Phúc Thọ để nhận khoán. Thời điểm chưa sáp nhập, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban và Ban  Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh đồng ý cho chuyển nhượng thành quả đầu tư đối với 17 hợp đồng giao khoán trồng rừng với 819,27ha.

Các trường hợp này không thực hiện đúng phương án được phê duyệt và hợp đồng đã ký kết, để đất bị lấn chiếm, không trồng rừng theo hợp đồng đã ký kết. Khi thanh lý và cho phép chuyển nhượng, các ban quản lý rừng không xử lý đối với diện tích để bị lấn chiếm, không thực hiện đúng hợp đồng, mà cho phép chuyển nhượng sang 18 hợp đồng với 397,14ha.

Đáng chú ý, Ban Quản lý rừng phòng hộ  Lán Tranh đã lập hồ sơ tạm giao, cam kết trồng rừng, cho phép 69 hộ gia đình, cá nhân (trong đó có người nhà hoặc có quan hệ thân thiết với lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ  Lán Tranh) phát dọn thực bì 504,1ha để trồng rừng không đúng quy định. Hiện nay hầu hết diện tích đất này để các hộ dân trồng cà phê và chủ rừng không quản lý được. Các vi phạm nói trên có dấu hiệu của tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất tại các khu vực nhà trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh bị buông lỏng, để cho nhân viên của đơn vị chiếm, sử dụng làm nhà, trồng cà phê và một số cây trồng khác, nhưng ban quản lý rừng không tiến hành xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Ban Quản lý rừng phòng hộ  Lán Tranh lập hồ sơ trồng 138,23ha rừng, nhưng đơn vị không thực hiện đúng trình tự, thủ tục nghiệm thu, thanh/quyết toán, dẫn đến diện tích thiết kế không trùng khớp với diện tích nghiệm thu, thanh/ quyết toán, để mất rừng nhưng không có hồ sơ chứng minh. Diện tích theo thiết kế trồng rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ  Nam Ban giảm so với diện tích trồng và chăm sóc năm 1 (giảm 75,53ha), nhưng ban quản lý rừng không có hồ sơ chứng minh.

Ngoài ra, qua kiểm tra, có 8/8 doanh nghiệp không có phương án quản lý bảo vệ rừng; 1 doanh nghiệp không xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm; 4/8 dự án có vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, quản lý, sử dụng đất/111,52ha; 2 doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích cho thuê, phương án sử dụng đất được duyệt với 212,18ha. 

Đề nghị công an vào cuộc điều tra

Theo kết luận thanh tra, nguyên dân dẫn đến những sai phạm nêu trên là do công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của UBND huyện Lâm Hà chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, địa phương với chủ rừng trong công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chặt chẽ. Thiếu biện pháp quyết liệt để xử lý các trường hợp nhận khoán không thực hiện đúng phương án được phê duyệt và hợp đồng đã ký kết. Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã chưa thực hiện tốt chức năng tham mưu trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp và các dự án đầu tư liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Do đó, không kịp thời phát hiện các tồn tại, sai phạm để chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo quy định. Công tác kiểm tra, giám sát của các sở, ngành có liên quan về thủ tục, tiến độ đầu tư, quản lý bảo vệ rừng, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, giao khoán rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn còn hạn chế… Từ những sai phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẩn trương lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp; theo dõi, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện việc giải tỏa đối với diện tích đất bị lấn chiếm tại dự án.

Đồng thời, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn kiểm tra các trường hợp đã thanh lý hợp đồng giao khoán để xử lý, hoặc tham mưu UBND huyện xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm. Yêu cầu Ban Quản lsy rừng phòng hộ Lâm Hà trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong mùa mưa năm 2020.

Tổ chức kiểm điểm đối với lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn về những sai phạm qua kiểm tra; có hình thức xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đến các sai phạm; đề ra biện pháp cụ thể để khắc phục các tồn tại. Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà có văn bản đề nghị Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Lâm Hà kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong việc lấn, chiếm đất do các ban quản lý rừng quản lý để làm nhà ở, sản xuất nông nghiệp và các trường hợp nhận khoán rừng, đất lâm nghiệp, nhưng không thực hiện đúng phương án và hợp đồng đã ký kết với ban quản lý rừng để xử lý về Đảng theo quy định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo và công chức thuộc Chi cục Kiểm lâm (trong đó có lãnh đạo và công chức thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà qua các thời kỳ) đối với những sai phạm như kết luận thanh tra đã nêu trên.

Các trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm đến mức kỷ luật thì phải xử lý kỷ luật; đề ra biện pháp cụ thể nhằm khắc phục các tồn tại; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/5/2020. Giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, tập thể, cá nhân liên quan qua các thời kỳ (lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lâm Hà) do thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm/sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích phức tạp, kéo dài tại các đơn vị chủ rừng, dự án đầu tư; sai phạm trong giao khoán rừng và đất lâm nghiệp theo các Nghị định số 01-CP, số 135/2005/NĐ-CP trên địa bàn huyện Lâm Hà; báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý theo quy định. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Công an tỉnh này liên hệ Thanh tra tỉnh để tiếp nhận toàn bộ hồ sơ sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm