Lĩnh án vì cả gan giả danh cục trưởng tình báo Công an

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù làm nghề kinh doanh nhưng Đào Thanh Tâm lại giả danh cán bộ cấp cao của Bộ Công an để tiếp cận và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Đối tượng này còn giả danh Quyền Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Công an tiếp cận Chủ tịch UBND huyện Lắk nhưng khi “nổ” với Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk thì bị lật tẩy.
Bị cáo Đào Thanh Tâm tại phiên tòa xét xử.
Bị cáo Đào Thanh Tâm tại phiên tòa xét xử.

Bị lật tẩy vì gặp… giám đốc công an

Ngày 20/4, tại TAND tỉnh Đắk Lắk, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Đào Thanh Tâm (tên thường gọi là Hà Phương Tường Vân, SN 1976, ngụ xã Minh Đạo, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, ngày 20/1, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Tâm 13 năm 6 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, Tâm làm đơn kháng cáo xin chuyển tội danh và giảm nhẹ hình phạt.

Theo nội dung cáo trạng, từ năm 2018 - 2019, Đào Thanh Tâm thường đi làm ăn và cư trú tại địa chỉ số 31 Trần Bình Trọng (phường 1, quận 5, TP HCM).

Mặc dù không phải là người công tác trong ngành công an nhưng trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với người khác, Tâm thường sử dụng tên Hà Phương Tường Vân và tự giới thiệu bản thân là công an mang cấp hàm Đại tá, hưởng lương Thiếu tướng, giữ chức vụ Cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc, Quyền Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Công an và có mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo trong và ngoài ngành công an nên có thể giúp được người khác vào biên chế Nhà nước, giải quyết các công việc liên quan đến pháp luật.

Do tin tưởng Tâm có mối quan hệ với nhiều lãnh đạo trong và ngoài ngành công an nên nhiều người đã đưa tiền để nhờ Tâm giúp xin vào biên chế, giải quyết các công việc liên quan đến pháp luật.

Với thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ năm 2018 - 2019, Đào Thanh Tâm đã thực hiện hai vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền 533 triệu đồng của một người dân tại tỉnh Đắk Lắk và một người tại Hà Nội. 

Vụ việc lừa đảo của Đào Thanh Tâm bắt đầu lộ sáng ngày 2/2/2020. Hôm đó, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk khi ấy là Đại tá Lê Văn Tuyến (nay là Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương) cùng đoàn công tác đến làm việc tại Công an huyện Lắk, tình cờ có một người phụ nữ đi cùng Chủ tịch UBND huyện Lắk đến chào hỏi. Người phụ nữ này tự giới thiệu mình là Đại tá Hà Phương Tường Vân - Quyền Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Công an. 

Hình ảnh mà Đào Thanh Tâm đưa ra để giới thiệu mình là Quyền Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Công an.
Hình ảnh mà Đào Thanh Tâm đưa ra để giới thiệu mình là Quyền Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Công an. 

Tuy nhiên, qua vài câu truy vấn, ông Tuyến nhận thấy người phụ nữ này có dấu hiệu giả mạo cấp bậc, chức vụ nên đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an huyện Lắk vào cuộc xác minh. 

Kết quả điều tra cho thấy, người phụ nữ này là Đào Thanh Tâm, nghề nghiệp kinh doanh tự do. Qua các mối quan hệ giới thiệu, ngày 2/2, Tâm tìm đến gặp Chủ tịch UBND huyện Lắk tự giới thiệu mình là Đại tá Hà Phương Tường Vân - Quyền Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Công an để xin được làm dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Lắk. 

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã nhận đơn của nhiều người tố cáo Đào Thanh Tâm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ đây, cơ quan công an đã điều tra, làm rõ việc Tâm chiếm đoạt tài sản của hai người nói trên. Ngoài ra, Công an tỉnh Đắk Lắk còn nhận được đơn của 3 người khác tố cáo Tâm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không có căn cứ để xử lý. 

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi xem xét các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ của vụ án, HĐXX TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã bác đơn kháng cáo và tuyên phạt bị cáo Đào Thanh Tâm y án cấp sơ thẩm là 13 năm 6 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Được biết, cũng với tội danh trên, tháng 12/2002, Tâm từng bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 16 tháng tù giam.

Vì sao nhiều đối tượng giả danh công an để phạm pháp?

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, việc ở chỗ này hay chỗ khác lại xảy ra vụ án hoặc vụ việc mà đối tượng mặc sắc phục, giả danh, giả mạo lực lượng công an để làm bậy. Đó có thể là giả danh công an bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản của người tham gia giao thông, lừa “chạy” án… Thậm chí, đối tượng vừa giả danh công an vừa làm giả quyết định khởi tố vụ án, bị can tống tiền người vi phạm pháp luật...

Có thể khẳng định, các đối tượng giả danh, giả mạo công an để phạm pháp đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật. Và tùy từng hành vi cụ thể cũng như tính chất, mức độ phạm tội gây ra, các đối tượng này sẽ bị xử lý về các tội như: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức”...

Nhưng vì sao ngày càng nhiều đối tượng giả danh công an để hoạt động phạm pháp? Đơn giản là vì đối với tuyệt đại đa số người dân trong xã hội, lực lượng công an luôn giữ một vị trí rất quan trọng. Đặc biệt là trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân. Thực tế chỉ ra rằng, mỗi khi có chuyện xảy ra, dù rằng đôi khi chẳng liên quan nhiều đến an ninh trật tự hay an toàn xã hội nhưng cơ quan đầu tiên người dân tìm đến luôn là lực lượng công an.

Nắm bắt được tâm lý đó của phần lớn người dân, thế nên không ít kẻ xấu luôn tính chuyện giả danh, mạo nhận công an để làm bậy. Vì rằng nếu không có được tấm “bình phong” này thì những mưu toan, việc làm xấu xa kia sẽ khó lòng đạt được. Đây là một lý do rất căn bản khiến các loại tội phạm với thủ đoạn giả danh, giả mạo công an ngày càng táo tợn và gia tăng.

Theo tìm hiểu, một trong những đặc điểm quan trọng của lực lượng công an là giấy tờ, thẻ ngành công an. Dù đi tuần tra mặc quân phục hoặc có thể không mặc quân phục (cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ mật phục) nhưng đều phải có thẻ ngành và giấy tờ để chứng minh mình là ai. Trường hợp công an mật phục, trước khi bắt người hay yêu cầu dừng xe kiểm tra đều xuất trình những giấy tờ này.

Trường hợp công an mặc trang phục ngành, nếu người dân nghi ngờ yêu cầu kiểm tra thì phải xuất trình được giấy tờ để chứng minh chứ không được nói miệng. Không thể chỉ xưng danh công an, trinh sát hình sự đang mặc trang phục ngành mà lại không xuất trình được thẻ ngành hay giấy tờ chứng minh mình là ai.

Một yếu tố quan trọng khác là tác phong của người chiến sĩ công an. Tác phong ấy là cả quá trình học tập, rèn luyện. Chỉ cần người dân bình tĩnh chú ý, đối phó thì những kẻ lừa đảo, giả danh công an sẽ lộ diện. Trường hợp phát hiện nghi vấn, người dân hãy thông tin đến cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật có thể do kẻ giả danh công an gây nên.

Như vậy, để nhận biết đối tượng giả danh Công an, tránh bị các đối tượng này lừa đảo, người dân cần phải tìm hiểu những thủ đoạn phổ biến của loại đối tượng này, nâng cao cảnh giác, không vội tin đối tượng, vận dụng đồng bộ một số cách nhận biết, kiểm tra, đánh giá để xác định và có cách xử lý hiệu quả nhất.

Đọc thêm