Luật sư nhận định mức án kẻ sát nhân hãm hại bé gái 5 tuổi phải đối mặt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 19/4, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt giữ nghi can Phạm Văn Dũng (46 tuổi, quê Hải Phòng) về hành vi hiếp dâm, giết người tại phường Long Tâm, TP Bà Rịa. Sự việc đau lòng và gây phẫn nộ bởi nạn nhân trong vụ án lại là một bé gái 5 tuổi.
Cơ quan chức năng đưa nghi phạm Dũng thực nghiệm hiện trường vụ việc.
Cơ quan chức năng đưa nghi phạm Dũng thực nghiệm hiện trường vụ việc.

Vụ án mạng khiến dư luận căm phẫn

 Nạn nhân là cháu P.N.Q.N (5 tuổi, trú tại phường Long Tâm, TP.Bà Rịa). Nghi can là hàng xóm, ở kế bên nhà và có quan hệ khá thân thiết với người nhà của nạn nhân.

Theo lời kể, khoảng 21h15 ngày 17/4, khi kêu cháu N vào ngủ, gia đình phát hiện cháu N không có ở trong nhà nên vội vàng đi tìm. Sau khi tìm hết tất cả nhà người thân nhưng không có, gia đình nghi có chuyện chẳng lành nên huy động mọi người tiếp tục tập trung tìm kiếm ở khu vực quanh nhà.

Đến khoảng 22h30 cùng ngày, khi đến khu vực bãi đất trống (cạnh sân bóng đá) cách nhà khoảng 300m, mẹ và cậu cháu N phát hiện cháu nằm bất động bên gò đất, trong tình trạng quần bị cởi và đắp lên người, miệng sùi bọt mép... Ngay sau đó, gia đình đưa cháu N vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong trước khi đến bệnh viện.

Theo kết quả khám nghiệm tử thi, cháu N bị xâm hại tình dục và bị bóp cổ dẫn đến tử vong. Hiện các phòng nghiệp vụ đang lấy lời khai của nghi can và sẽ sớm công bố thông tin.

Hung thủ đối diện mức án tử hình

Theo Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh (Phó Giám đốc công ty Luật TNHH Link & Partners) nhận định, mặc dù sự việc vẫn đang được điều tra làm rõ, nhưng đối với hành vi hiếp dâm và giết người, khả năng cao đối tượng sẽ phải chịu án phạt tử hình theo chế tài quy định tại Điều 123 và Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 cụ thể như sau:

Điều 123 quy định về tội “Giết người”: 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

b) Giết người dưới 16 tuổi;”

 Điều 142 quy định về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”:3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: c) Đối với người dưới 10 tuổi”

Ở đây, đối tượng đã thực hiện hành vi hết sức đáng sợ đó là xâm hại bé gái mới chỉ 5 tuổi sau đó bóp cổ nạn nhân tới chết và vứt ra bãi đất trống. Vụ án đã gây hoang mang, bức xúc trong người dân, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và tính mạng của trẻ em nên một bản án nghiêm minh, một hình phạt thích đáng cho kẻ thủ ác là điều mà mọi người đang chờ đợi. Do đó, nếu không có tình tiết gì làm thay đổi bản chất của vụ án thì khả năng cao hung thủ sẽ nhận hình phạt cao nhất là tử hình.

Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh (Phó Giám đốc công ty Luật TNHH Link & Partners).
Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh (Phó Giám đốc công ty Luật TNHH Link & Partners). 

Ngoài ra, đối tượng còn có thể phải bồi thường thiệt hại do hành vi mà mình gây ra theo BLDS 2015:

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Nghĩa vụ bồi thường là trách nhiệm dân sự của người phạm tội, không phụ thuộc hình phạt mà tòa án áp dụng đối với họ. Dù người phạm tội bị tuyên tử hình thì họ vẫn phải chấp hành nghĩa vụ bồi thường đối với những thiệt hại mà họ đã gây ra

Theo quy định tại Khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

Nếu hết thời hạn này, họ không tự nguyện thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Căn cứ  Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, cơ quan thi hành án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án sau:Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; Khai thác tài sản của người phải thi hành án; Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Vậy, nếu đối tượng có khả năng chi trả hoặc có tài sản, sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người nhà của nạn nhân. Nếu như người phạm tội không đủ khả năng chi trả, thì theo nguyên tắc tại Điều 586 BLDS 2015, người thân của họ không có nghĩa vụ trả số tiền này. 

Đọc thêm