“Lướt sóng” rồi chìm nghỉm

(PLVN) -  Mặt tối của cơn đảo điên “sốt đất” vài năm qua, đã thể hiện rất rõ nét trong phiên xử Cty Địa ốc Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người mua đất, số ít mua để ở, số nhiều mua để đầu cơ, mà giới bất động sản thường dùng mỹ từ gọi họ là những “nhà đầu tư”.
Một số bị cáo trong phiên xử Công ty Địa ốc Alibaba.

Một trong những mấu chốt của vụ án này, là các đối tượng mua đất nông nghiệp rồi tách thửa ra bán cho các “nhà đầu tư”. Nếu chỉ có vậy thì chưa chắc đã có vụ án hình sự. Vấn đề nằm ở chỗ các đối tượng khoác cho những vụ phân lô đất nông nghiệp này cái tên là “dự án bất động sản”; trong khi dự án bất động sản phải được cơ quan chức năng cấp phép rất cẩn trọng, tỉ mỉ, phức tạp.

Vậy mà đối tượng cầm đầu khi đứng trước tòa vẫn một mực “kêu oan”, một mực cho rằng mình rành rọt quy định pháp luật, không sai luật.

Luật Đất đai là lĩnh vực phức tạp, rối rắm bậc nhất trong hệ thống pháp luật. Những người trong nghề hàng chục năm còn chưa dám tự nhận hiểu biết cặn kẽ. Thế nhưng trong vụ án này, về phía những đồng phạm của đối tượng cầm đầu, có người đang bán cà phê thì được anh gọi về làm… Tổng Giám đốc, có nhiều đối tượng chỉ học hết lớp 12 cũng được phong là Giám đốc, để hình thành nên một “tập đoàn địa ốc”.

Vậy mà chúng cũng lừa được hàng ngàn người cả tin, chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng.

Có một điểm dễ nhận thấy trong vụ án này, là không ít trong số các nạn nhân “phát sốt” với “cơn sốt” đất đai, nghe người người kháo truyền “đi buôn đất” nên đã dùng toàn bộ tiền gom góp, thậm chí phải đi vay mượn để mua đất của Địa ốc Alibaba.

Một nạn nhân sống ở miền Trung cho biết, do có ý định chuyển vào Nam sống cùng các con nên khi thấy Alibaba quảng cáo rầm rộ bán đất nền dự án đã rất quan tâm. Thấy giá rẻ, ông gom góp tiền tiết kiệm, vay thêm người thân và ngân hàng để mua đất với ý định xây nhà ở. Sau khi được nhân viên Cty tư vấn và dẫn đi xem đất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 10/9/2018, ông ký hợp đồng mua hai nền đất. Theo hợp đồng, một năm sau ông sẽ nhận được sổ đỏ đất thổ cư. Đến thời hạn ông liên hệ thì Alibaba nói chưa có sổ và tư vấn cho ông “tái đầu tư”, tiếp tục giới thiệu mua nền đất nông nghiệp sẽ được nhận sổ ngay lập tức. Tin tưởng, ông bỏ ra 20 triệu đồng đặt cọc mua thêm một nền.

Từ ngày bị vướng vào vụ án, ông tâm sự cả gia đình khủng hoảng cả vật chất lẫn tinh thần. Với số nợ ngân hàng, vợ chồng phải gom hết tiền lương hưu, thương binh, tiền con cho thêm một ít mới đủ để trả lãi. Còn tiền vay anh em, họ hàng thì không biết làm sao, bị trách móc cũng đành chịu.

Một nạn nhân khác đã đầu tư hơn một tỷ đồng mua 9 nền đất tại nhiều dự án của Alibaba. Từ ngày mua đất đến nay bà chưa nhận được sổ hay khoản tiền lời nào. Số tiền lãi đều được Alibaba tư vấn tái đầu tư mua thêm các nền khác. Số tiền tích lũy trong mấy chục năm đi buôn bán; vay bạn bè, cha mẹ và tiền của người em quá cố gửi nhờ nuôi con ăn học đều đã đổ vào Alibaba, nay bà phải ở thuê, đi bán hàng rong, có lúc đi lượm ve chai để có tiền nuôi cháu ăn học.

“Cơn sốt” đất những năm qua đã giúp một số người biết “chớp thời cơ” “đổi đời”. Nhưng mặt tối là nhiều hệ lụy khác, là tình trạng bất động sản “bong bóng” ảnh hưởng cả nền kinh tế, là các vụ án lừa đảo, là những người gánh chịu hậu quả vì rút ra không kịp. Còn một điều nữa cần nói, là rất đáng tiếc khi chính quyền một số địa phương đã không có động thái kịp thời ngăn chặn trước những dự án “ma” ồn ào để giúp giảm thiểu thiệt hại cho người dân và xã hội.

Đọc thêm