Mắc bẫy giám đốc “lừa”, đi nước ngoài chưa thấy đã tan cửa, nát nhà

(PLVN) - Dù trung tâm do Lê Duy Anh làm giám đốc không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới XKLĐ nhưng vị giám đốc này đã lừa đảo hàng trăm người. Dính bẫy siêu lừa khiến các lao động ở nhiều tỉnh thành rơi vào cảnh nợ nần, có người mất bạc tỷ, còng lưng trả nợ, tan cửa nát nhà, gia đình lục đục.
Bị cáo Lê Duy Anh.

Thủ đoạn lừa đảo của giám đốc điển trai

TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Duy Anh (SN 1979, trú xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và các đồng phạm về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

Lê Duy Anh là giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn du học Chấn Hưng (gọi tắt là Trung tâm Chấn Hưng) từ năm 2015. Dù trung tâm không có chức năng, nhiệm vụ môi giới, tuyển dụng, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng lợi dụng việc từng làm trong lĩnh vực môi giới, đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại thị trường Malaysia nên Anh quen biết nhiều đối tác ở trong nước và Malaysia.

Vị giám đốc này thuê Hoàng Văn Toản (SN 1959, tỉnh Hải Dương) làm bảo vệ trung tâm. Anh nói với Toản có thể làm được thủ tục đưa người Việt Nam đi lao động tại Australia (hay còn gọi là Úc) và rủ cùng tham gia tìm kiếm lao động có nhu cầu đi sang đây làm việc. Trong thời gian này, Lê Duy Anh đã ký kết thỏa thuận tư vấn tuyển dụng và làm thủ tục đưa lao động sang Úc làm việc với 3 đối tác của Malaysia.

Thông qua các mối quan hệ trước đây, từ tháng 8/2015 - 12/2018, Lê Duy Anh cùng Toản đã nhiều lần trực tiếp vào Nghệ An để gặp một số “chân rết” giới thiệu đơn hàng. Tại các buổi gặp gỡ này, Duy Anh nhận là giám đốc một trung tâm đào tạo, tư vấn du học, XKLĐ nước ngoài thuộc một cơ quan Trung ương; Hoàng Văn Toản là giám đốc trung tâm đào tạo, tư vấn XKLĐ của một công ty có tiếng trong lĩnh vực XKLĐ tại Hà Nội.

Hai người đàn ông này giới thiệu đang có đơn hàng đưa người sang Úc làm việc cho một nông trại. Công việc chính là thu hoạch, đóng gói trái cây, mức lương từ khoảng 60 triệu đồng/tháng, thời hạn làm việc 2 năm và sẽ được gia hạn thêm. Chi phí xuất cảnh từ 23.000-33.000 USD (tùy theo thời điểm), người lao động nộp tiền “cọc” 1.000 USD và hồ sơ. Phần còn lại Anh và Toản sẽ lo hết cho đến khi đặt chân đến.

Cũng trong quá trình tư vấn, giới thiệu đơn hàng này Lê Duy Anh có nói rõ cho các “chân rết” biết: Hiện tại giữa chính phủ Việt Nam và Úc chưa ký kết hợp tác xuất khẩu lao động. Đơn hàng này là do Lê Duy Anh tự liên hệ với đối tác Malaysia để thực hiện. Biết rõ vậy nhưng các “chân rết” đã tự tìm kiếm người có nhu cầu đi Úc làm việc để tư vấn, nhận hồ sơ, thu tiền. Các “chân rết” sau đó đã tăng chi phí xuất cảnh lên từ 2.500-4.000 USD/hồ sơ nhằm hưởng phần chênh lệch.

Tin lời Lê Duy Anh và đồng bọn, 415 lao động các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình đã đóng tiền, nộp hồ sơ để đi XKLĐ sang Úc. Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến tháng 4/2018, Lê Duy Anh và Hoàng Văn Toản đã 18 lần tổ chức cho 145 lao động sang Malaysia để làm thủ tục xuất cảnh đi Úc. Nhiều người sau đó không đồng ý đi đã lấy lại hồ sơ và tiền. 

Cơ quan chức năng xác định, thông qua các môi giới, Lê Duy Anh đã thu của các lao động 910.900 USD và gần 1,3 tỷ đồng. Đối tượng Anh đã chuyển cho các đối tác ở Malaysia tổng số tiền hơn 18,6 tỷ đồng. Về phần các lao động sau thời gian dài chờ đợi nhưng vẫn không thể bay qua Úc được, họ đòi lại tiền đã nộp. Tuy nhiên, số tiền mà họ lấy lại được so với khoản đã nộp là vô cùng ít ỏi. Bức xúc, các lao động đã làm đơn trình báo công an. 

Nợ nần, tan cửa nát nhà

Tại phiên tòa, bị cáo Anh thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Lê Duy Anh thừa nhận bản thân biết giữa Việt Nam và Úc chưa ký kết thỏa thuận hợp tác lao động. Bản thân trung tâm do Lê Duy Anh làm giám đốc cũng không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới XKLĐ nhưng vẫn tuyển người đi để trục lợi.

Lý giải về việc cam kết đưa đi Úc nhưng lại đưa lao động sang Malaysia, bị cáo Lê Duy Anh cho biết: Các lao động trình độ ngoại ngữ hạn chế, không thể vào đại sứ quán Úc để phỏng vấn xin visa được. Phía đối tác bên Malaysia hướng dẫn đưa lao động sang, họ sẽ có trách nhiệm tổ chức cho lao động đến đại sứ quán Úc ở bên đó để phỏng vấn xin visa, như thế thì nhanh và dễ hơn.

Những người bị hại đến tòa đề nghị các bị cáo hoàn trả số tiền đã nhận của họ. 

Các lao động đến tham dự phiên tòa bức xúc khi ngay từ đầu Lê Duy Anh đã lừa họ. Một lao động trình bày, vì cuộc sống nông dân khó khăn, vợ chồng tôi đánh liều cho con đi XKLĐ sang Úc. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết đến các “chân rết” trong đường dây của Anh. Lúc mới gặp, họ báo giá 42.000 USD, chúng tôi nói nhiều tiền quá không xoay được thì họ bớt 1.000 USD. Sau đó, chúng tôi vay mượn tiền khắp nơi, sổ đỏ của gia đình cũng đem đi cầm cố trong ngân hàng.

Nhưng chờ đợi mãi vẫn không đi được trong khi tiền lãi ngày càng nhiều. Bực nhất là trong nhiều tháng liền, chúng tôi phải bỏ tiền túi để ăn nhờ, ở đậu ở Malaysia để chờ chực sang Úc. Đến khi biết mình bị lừa, chúng tôi đòi lại tiền nhưng không được. Hiện, cuộc sống của gia đình tôi rất khốn khổ, có nguy cơ bị ngân hàng siết nhà. Gia đình tôi đề nghị các bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà chúng tôi đã nộp.

Cũng có gia đình đã cùng lúc làm thủ tục cho 2 con trai sang Úc. Mẹ của 2 lao động trên trình bày: Tính đến khi đường dây đưa người đi nước ngoài này bị bại lộ, gia đình tôi đã nạp cho họ hơn 50.000 USD, ước chừng hơn 1 tỷ đồng. Quá trình làm thủ tục cho con, chúng tôi nghe Duy Anh nói phải sang Malaysia làm Visa nên có chút nghi ngờ và hỏi lại. Lúc này, phía công ty vẫn khẳng định là đi theo đường chính thống nên chúng tôi mới chấp nhận đóng tiền. Không ngờ chúng tôi cảnh giác cao độ như vậy nhưng vẫn bị lừa. Giờ đây, chúng tôi yêu cầu phía công ty phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận.

Một lao động khác đã rưng rưng nước mắt khi nhắc đến khoản nợ lớn vẫn còn đó vì tin lời giám đốc lừa đảo. Người này trình bày: “Gia đình tôi đã tan cửa, nát nhà vì mắc bẫy của Anh và đồng bọn. Tiền nợ nhiều quá không có khả năng trả nên nhà đang ở cũng có nguy cơ bị ngân hàng siết. Cũng vì nợ nần mà gia đình lục đục, vợ chồng khúc mắc....”.

Sau 3 ngày diễn ra phiên tòa, HĐXX nhận định, trong vụ án này bị cáo Lê Duy Anh có vai trò chính là người chủ mưu, cầm đầu nên tuyên phạt mức án 11 năm tù; 4 đồng phạm lĩnh mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù cùng về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

Đọc thêm