Mẹ tâm thần đổ bệnh nặng khi biết con vướng lao lý khi đi làm thuê

(PLVN) - Chồng mất, nên một mình bà H. tần tảo chămsóc 3 đứa con. Việc bà H. đổ bệnh tâm thần khiến cuộc sống gia đình đã vất vả càng khó khăn hơn. Khi tâm tính chưa hoàn toàn hồi phục thì đứa con mà bà một mực yêu thương lại dính lao lý khiến bệnh tình của bà lại càng trở nên nặng hơn.
Người mẹ bất hạnh khóc suốt phiên xét xử con trai.
Người mẹ bất hạnh khóc suốt phiên xét xử con trai.

Vướng lao lý khi đi làm thuê

Vừa thấy con trai áp giải tới tòa, đôi mắt bà Nguyễn Thị H. (65 tuổi), trú xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) đã ngấn lệ. Từ lần đứa con út này nói với mẹ “con đi chuyến này nữa để mẹ con có tiền tiêu Tết” đến nay cũng tròn 10 tháng. Đây cũng là lần đầu tiên, bà H. được gặp con sau chuyến đi làm thuê cuối cùng. Mẹ con gặp nhau trong tình cảnh éo le khiến bà H. cứ khóc mặc cho hàng xóm động viên, an ủi.

Bà H. vốn bị bệnh về thần kinh nên từ ngày biết con trai phạm tội buôn bán hàng cấm, bệnh tình càng nặng hơn. Thương gia cảnh neo người, bà con lối xóm thường qua thăm hỏi, động viên. Một người hàng xóm buồn rầu chia sẻ: chồng mất nên một mình chị ấy chăm sóc, nuôi 3 đứa con.

Khi 2 người con lớn đã ra riêng thì bà H. chỉ biết nương nhờ vào đứa con út Nguyễn Tấn Thịnh (24 tuổi). “Dù ít tuổi nhưng thằng Thịnh nó sống tình cảm, không làm mất lòng ai. Hiểu rõ nỗi vất vả của mẹ nên nó chăm chỉ làm việc để phụ giúp gia đình. Kiếm được bao nhiêu tiền nó đưa về cho mẹ lo thuốc thang, sinh hoạt trong gia đình”, hàng xóm tiếp tục kể chuyện.

Đi làm thuê 3 thanh niên vướng lao lý, còn ông chủ trốn nã.
Đi làm thuê 3 thanh niên vướng lao lý, còn ông chủ trốn nã.  

Nguyễn Tấn Thịnh từng có thời gian sang Thái Lan làm thuê. Đi làm xa giúp Thịnh kiếm được nhiều tiền hơn để lo cho mẹ nhưng lại phải đánh đổi việc xa người thân. Do đó, Thịnh quyết định về nước để có thời gian gần mẹ. Về nước, Thịnh làm thuê nhiều nghề cho đến khi có người giới thiệu sang Lào bốc hàng thuê cho ông chủ tên Nguyễn Cảnh Phượng (46 tuổi, trú xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu).  Ngày 4/1/2020 (tức ngày 10/12 âm lịch) Thịnh cùng một số người theo ông chủ sang Lào bốc hàng. “Nó bảo với bà H. rằng gần đến Tết rồi nên muốn đi thêm chuyến nửa để kiếm tiền mẹ con tiêu Tết. Vậy mà…”, người hàng xóm lắc đầu. 

Sau khi làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu, 16h ngày 5/1, xe khách do Thắng điều kiến chạy đến một kho hàng của người Lào cách mốc địa giới giáp ranh giữa tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Luông Pha Băng khoảng 3km.

Tại đây, dưới sự chỉ đạo của ông chủ Thành, Thịnh và Thắng bốc hàng trên xe khách xuống nền kho. Sau đó, cả ba lại bốc gỗ, pháo lên hầm tự chế ở đuôi và hầm bụng xe khách. Dù Phượng không nói rõ về nguồn gốc hàng, mục đích vận chuyển về Việt Nam nhưng quá trình bốc, xếp Thắng, Thành, Thịnh phát hiện hàng đựng trong các thùng là pháo.

18h cùng ngày, các đối tượng lên xe khách làm thủ tục xuất bến về Việt Nam. Khi xe về địa phận xã Khánh Thành, huyện Yên Thành thì bị công an kiểm tra và phát hiện trên xe có 468 hộp pháo khối lượng 555kg; 700 thanh gỗ đinh hương có khối lượng 2,38956 m3; 4 chân của con gấu ngựa; 1 bộ xương của gấu ngựa; 2 cá thể báo lửa; 3 viên ma túy có khối lượng 0,255 gam trong túi quần của Thắng.

Giọt nước mắt của người mẹ bất hạnh

Những người hàng xóm đến dự tòa chia sẻ, cách đây khoảng 3 năm mẹ của Thịnh phát bệnh về thần kinh. Thương mẹ, Thịnh xin nghỉ việc đưa đến nhiều bệnh viện để chữa trị. Những lần mẹ lên cơn bệnh không kiểm soát được hành vi của mình là Thịnh lại ở bên túc trực. Cũng vì lo sợ bà H. phát điên nên mọi người quyết định giấu thông tin Thịnh bị công an bắt. Do đó, khi sát ngày Tết 2020 bà H. vẫn không biết chuyện liên quan đến con trai mình.

Nóng ruột, bà H. không ít lần dò hỏi hàng xóm và người thân thì đều bị giấu chuyện. Ai cũng nói dối bà H. việc xe của Thịnh bị hư bên Lào nên Tết này không về được. “Mỗi lần nói dối chúng tôi cảm thấy ái ngại lắm. Nhưng biết sao được khi bệnh tình chị ấy ngày càng nặng. Do bệnh tình lại không biết sử dụng điện thoại nên chị ấy cũng không biết liên lạc với con. Tất cả thông qua người họ hàng”, người hàng xóm chia sẻ. 

Bà H. chỉ biết chuyện con mình bị bắt cách đây khoảng 2 tháng. Thời điểm nay, người thân xác định không thể giấu kín mãi, nhất là gần đến ngày tòa đưa ra xét xử. Do đó, họ đã quyết định kể toàn bộ sự việc. “Nghe tin con bị bắt, chị ấy đau đớn tột cùng, cứ nằm khóc chẳng buồn ăn uống. Chúng tôi phải đưa chị ấy đến bệnh viện đề phòng trường hợp bất trắc”, một người hàng xóm nói. Cũng từ lần đó, bệnh tình bà H. càng trở nặng vì đau buồn, thương nhớ con. Bà con lối xóm thường đến động viên, chia sẻ. 

Bị cáo Thịnh (áo trắng)tỏ ra hối hận lúc tòa nghị án.
Bị cáo Thịnh (áo trắng)tỏ ra hối hận lúc tòa nghị án. 

Hôm diễn ra phiên tòa xét xử Thịnh, bà con lối xóm đã quyên góp tiền để cùng người thân của bà H. thuê chiếc xe khách đến tòa. Mặc cho hôm đó trời xứ Nghệ mưa to do ảnh hưởng của bão số 9, nhưng đông đảo người dân trong xóm và bạn bè của Thịnh đã đội mưa đến tòa. Với những người không đến tòa được đã gửi chút quà để động viên tinh thần bà H. Suốt quá trình ngồi tham dự phiên tòa xét xử con, bà H. khóc ướt đẫm chiếc khẩu trang bịt mặt. Sợ bà bị kích động tinh thân nên hàng xóm thay phiên nhau ở bên để động viên và canh chừng. 

Trước bục khai báo, bị cáo Thịnh và các đồng phạm thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Thịnh khai mới đi làm thuê cho ông chủ một thời gian. Mỗi lần như vậy, bị cáo được trả tiền công đủ để chi tiêu cho gia đình. Bị cáo Thịnh thừa nhận biết pháo là hàng nhà nước cấm nhưng vẫn giúp sức cho ông chủ trong việc vận chuyển đưa hàng về Việt Nam. Bị cáo trình bày hoàn cảnh khó khăn, bố mất, mẹ bị bệnh, nhà neo người để xin giảm nhẹ hình phạt. 

HĐXX nhận định, về tội buôn bán hàng cấm,dù các bị cáo khai việc bốc xếp pháo vì làm thuê cho Phượng, tuy nhiên, về mặt nhận thức các bị cáo biết rõ pháo là mặt hàng bị nhà nước cấm lưu thông trên thị trường nhưng vẫn tiếp tay, giúp sức cho Phượng trong việc vận chuyển đưa về Việt Nam. Các bị cáo không thực hiện việc khai báo cho cơ quan chức năng. Hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, đã xâm phạm về chính sách độc quyền về quản lý hàng cấm của nhà nước. Hành vi này nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ tiềm tàng những hệ quả khôn lường gây mất trật tự an ninh trên địa bàn. 

Trong vụ án này bị cáo Thắng đóng vai trò giúp sức tích cực cho Phượng. Nguyễn Tấn Thịnh là người đã tham gia cùng bốc, xếp pháo lên xe khách, sau đó cùng với Thắng vận chuyển về Việt Nam. Mặc dù quá trình di chuyển đến cửa khẩu thì Thịnh ngủ nhưng xét vai trò của Thịnh trong vụ án này cũng giúp sức tích cực cho Nguyễn Cảnh Phượng trong việc bốc xếp toàn bộ xe khách, đồng thời trực tiếp chui vào hầm xe để xếp pháo. 

Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Tấn Thịnh 2 năm tù về tội Buôn bán hàng cấm. Với vai trò giúp sức tích cực cho ông chủ, bị cáo Võ Đức Thắng bị tòa tuyên phạt 30 tháng tù về tội Buôn bán hàng cấm, 9 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy; Tổng hình phạt chung buộc bị cáo Thắng phải nhận mức án 3 năm 3 tháng tù. Bị cáo Thái Hữu Thành bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội Buôn bán hàng cấm. Trong vụ án này còn có Nguyễn Cảnh Phượng, cơ quan điều tra công an huyện Yên Thành đã khởi tố Phượng về tội Buôn bán hàng cấm và ra quyết định truy nã đối với Phượng, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Con trai rời tòa về trại tạm giam, bà H. được những người hàng xóm động viên dìu ra chiếc xe đang đợi sẵn. Chồng mất, nay con trai vướng lao lý, niềm an ủi lớn với bà giờ đây là tình làng, nghĩa xóm. 

Đọc thêm