“Cấm vận” phạt chồng
Trước tòa, người vợ trẻ tố chồng bồ bịch lăng nhăng, chị không thể chung sống với người chồng cứ nhậu say là đi với gái bia ôm, gái mát xa chán rồi lại quay về làm lành với vợ. Còn anh chồng thì cho rằng nguyên nhân khiến anh nhất thời sa ngã chính là do hành vi “cấm vận” của vợ đã đẩy anh vào cạm bẫy.
Thì vẫn biết rằng vợ chồng trẻ hương lửa đang nồng nhưng ngoài tổ ấm thì anh là đàn ông anh còn phải có anh em bạn bè, nay bia mai rượu. Mà đã nhậu là phải say, phải hết mình. Vợ nhắc nhở hoài không được nên mới nghĩ kế “cấm vận” để phạt chồng. Biết chồng rất yêu mình nhưng vợ vẫn để mặc cho chồng van xin năn nỉ, cửa phòng ngủ vẫn im lìm không mở.
Anh chồng tự ái, vợ cấm vận thì đây ra ngoài tìm vui nơi mấy cô tiếp viên ở quán bar - những người vốn yêu chiều, cưng nựng anh như người hùng. Cứ thế, mỗi lần say bị vợ phạt bằng cách “cấm vận” thì anh lại tìm vui bên người đàn bà khác để trả đũa, để rồi đến kết cục vợ chồng đưa nhau ra tòa vì nguyên nhân “cái sảy nảy cái ung”…
Nỗi ám ảnh mang tên “quá khứ”
Nhìn bề ngoài ai cũng bảo chị tốt số, lấy được chồng giàu sang, thành đạt, lại được chồng hết mực cưng chiều. Vậy mà chị nhất định xin ly hôn, bất chấp sự hòa giải của gia đình và sự níu kéo của chồng.
Tòa hỏi: Chồng chị có phải người lười nhác, lêu lổng, rượu chè trai gái không?
- Dạ không.
- Vậy anh ấy có vũ phu, côn đồ không? Có cậy quyền gia trưởng, dằn hắt vợ con không?
- Dạ, cũng không!
- Hay anh ấy có làm điều gì vi phạm đạo đức và pháp luật?
- Dạ, không có.
- Vậy tại sao chị nằng nặc đòi ly hôn?
- Dạ, do vợ chồng không hợp - cô vợ lí nhí đáp...
- Không hợp cụ thể về điểm gì, tòa giải quyết phải trên cơ sở các chứng cứ cụ thể, dựa trên căn cứ pháp luật. Theo luật định, nếu tình trạng hôn nhân trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt, đời sống chung không thể kéo dài… thì mới có căn cứ để ly hôn. Đằng này, theo những gì chị trình bày, có điều gì là không ổn đâu? Thậm chí cuộc hôn nhân của anh chị còn đáng để nhiều người phải mơ ước nữa kia…
Một phiên tòa ly hôn (ảnh minh họa) |
Người phụ nữ ôm mặt khóc. Có những nỗi đau không dễ nói ra lời. Số là thời sinh viên trẻ dại, chị đã trót đi quá giới hạn với chàng trai của mối tình đầu. Đến khi yêu và xác định sẽ làm vợ anh, chị đã thẳng thắn thú nhận việc mình không còn trong trắng, khi đó anh rất đau đớn nhưng vì quá yêu nên không thay đổi quyết định cầu hôn.
Anh bảo: “Tình yêu em dành cho anh, tình cảm của chúng ta mới là yếu tố quyết định, chứ giờ là thời nào rồi mà em còn nặng nề, day dứt về chuyện đó? Anh yêu em và chấp nhận tất cả những gì thuộc về em…”
Chị tin chồng, nào ngờ, lấy nhau rồi dù chị hết lòng hết sức vun vén gia đình, một lòng một dạ yêu thương chồng nhưng thằng đàn ông ghen tuông ích kỷ trong con người anh vẫn âm ỉ nỗi đau ám ảnh trước kia vợ mình đã dâng hiến cho người đàn ông khác.
Để rồi trong những lần vợ chồng nóng lạnh, trong những cơn say, anh lại đem chuyện đó ra đay nghiến chị. Thậm chí anh đem cả chuyện quá khứ ra để so sánh, dày vò vợ ngay trong những phút đắm say của vợ chồng: “Em thấy anh thua kém hắn ta ở điểm nào mà lại trao thân cho hắn?” Sự ghen tuông ích kỷ thôi thúc anh phải làm cho vợ ân hận, bẽ bàng anh mới thấy hả lòng hả dạ… Để rồi đến khi bị vợ cương quyết xin ly hôn, anh mới giật mình ân hận thì đã muộn rồi…
Bi kịch phải “đóng phim” một mình
Ra tòa, người đàn ông trình bày: sau hơn hai chục năm cống hiến cho gia đình vợ con nên giờ sức khỏe anh sa sút, “bản lĩnh đàn ông” của anh có vấn đề nên anh bị vợ ly hôn. Dù anh và gia đình, các con hết sức khuyên giải, can ngăn nhưng vợ anh không thay đổi. Anh chưa dứt lời thì người vợ đã phủ nhận, đúng là anh có trục trặc về chuyện ấy nhưng chị đâu phải là người ham hố chuyện ái ân. “Chỉ là…”- chị đỏ mặt lúng túng tìm lời giải thích…
Bà thẩm phán hạ giọng ân cần: Thôi thì hai người sống cùng nhau gần cả cuộc đời rồi, thời son trẻ hưởng thụ rồi, giờ tuổi xế chiều, mình chịu khó “nghỉ sớm” chút cho trong ấm ngoài êm, con cái đỡ phải bận tâm…
Người phụ nữ ấm ức nghẹn ngào: “Đâu phải tôi không nghĩ được như thế. Tôi cũng đã chấp nhận “nghỉ sớm” nhưng đằng này ổng đâu có cho tôi được yên thân? Ổng bị bệnh “chẳng làm ăn gì được” nên sinh ra ức chế, nghĩ ra đủ trò bệnh hoạn để tiêu khiển, hành hạ vợ; đến mức tôi nghĩ mình như là nô lệ trên giường của ổng… Tôi cự lại thì ổng cho rằng vợ có thú vui khác nên không chiều ổng. Tôi xấu hổ chẳng dám nói với ai, Xin tòa hiểu cho, tôi thà chịu tiếng bỏ chồng để được sống thoải mái, được tôn trọng…”
Đừng để “lệch pha”
Trình bày với tòa, anh cho rằng vợ mình “đổ đốn” giống như mấy quý bà quý cô tuổi hồi xuân mà mấy trang báo mạng hay phản ánh. Chị thì giải thích rất tội nghiệp: Suốt cả thời tuổi trẻ vợ chồng đã vất vả thiếu thốn, nhà chật con đông, vợ chồng yêu nhau cũng phải tranh thủ, dấm dúi, vội vàng như vụng trộm.
Nay các con lớn lên đều ra Hà Nội học đại học, vợ chồng bỗng dưng thành son rỗi trong khi kinh tế lại cũng khá giả hơn xưa rất nhiều. Chị mới ngoài bốn mươi tuổi, lại thanh nhàn dư dả nên trông chị cứ rờ rỡ xuân thì. Chị chăm chút bản thân hơn và cũng chú ý chăm sóc đến đời sống vợ chồng nhiều hơn. Chị có nhu cầu được tận hưởng hạnh phúc với chồng mình thì có gì là sai trái?
Nhưng trong mắt người chồng thì đó lại là biểu hiện "lạ", bất thường, hư hỏng. Mặc kệ vợ giải thích thế nào anh cũng không chịu tin. Anh nghi ngờ vợ mình đang có biểu hiện tha hóa. Tình cảm vợ chồng rơi vào nguy cơ bên bờ vực…
Chuyện trong một phiên tòa khác, anh chồng bức xúc trần tình rằng anh yêu thương vợ hết lòng mà vẫn bị vợ khước từ chuyện ấy! Lại có những phụ nữ cảm thấy ngại ngùng khi phải nói thật nguyên nhân xin ly hôn là do chồng hành xử thiếu tế nhị, không thèm đếm xỉa đến cảm xúc của bạn đời khiến vợ bị ức chế, bị tổn thương, tình cảm vợ chồng vì thế cứ xa cách, rạn nứt dần...
Theo một luật sư cũng là chuyên gia tâm lý, tình dục rất quan trọng trong đời sống hôn nhân, đó là lĩnh vực của trái tim, của xúc cảm nên đâu phải cứ thắp nến, kết hoa là sẽ có ngay một đêm tân hôn lãng mạn? Xung quanh lĩnh vực tế nhị này, đôi khi có những chuyện hết sức vặt vãnh, cỏn con cũng có thể là nguy cơ làm lung lay hạnh phúc vợ chồng…
"Chuyện ấy" phải được ứng xử tinh tế và nhân văn
Không thể phủ nhận “chuyện ấy” là một phần thiết yếu của đời sống hôn nhân. Xã hội càng phát triển thì đòi hỏi con người càng phải có cách ứng xử tinh tế, nhân văn đối với lĩnh vực quan hệ đặc biệt tế nhị này. Các nhà sinh vật học thì cho rằng, một trong những điều để phân biệt con người khác với các động vật cao cấp khác chính là cách ứng xử trong hành vi tình dục. Vậy nên, cả vợ và chồng cần có cách ứng xử khéo léo, tinh tế, biết lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của nhau đừng để tình trạng “lệch pha” dễ gây ra hậu quả khó lường…