Nội dung vụ án
Theo nội dung vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản của TAND TX Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên), nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Sông Công (Thái Nguyên) trình bày: Ngày 20/12/2013 Ngân hàng có ký kết Hợp đồng tín dụng với Công ty CP Xuất nhập khẩu thương mại Ngô Hoàng do ông Ngô Minh Hợp làm giám đốc (có địa chỉ ở TX Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).
Theo đó, phía Ngân hàng cho Công ty Ngô Hoàng mà đại diện là ông Ngô Minh Hợp vay số tiền trên 4,7 tỷ đồng mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ kinh doanh. Đáng nói, để làm thủ tục vay, ông Ngô Minh Hợp còn sử dụng sổ đỏ của một số người họ hàng để làm tài sản thế chấp cho ngân hàng. Do Công ty Ngô Hoàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết.
Trong quá trình khởi kiện, ngân hàng đã đôn đốc bên vay trả thêm được trên 1,8 tỷ đồng tiền gốc và được ngân hàng giải chấp các khoản vay đó. Tính đến phiên tòa, Công ty Ngô Hoàng còn nợ gốc trên 2,6 tỷ đồng và khoản lãi phát sinh gần 3,1 tỷ đồng.
|
Đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt sổ đỏ, giả mạo chữ ký vay nợ của ông Hoàng Quốc Tuấn |
Trong số tài sản bảo đảm cho dư nợ nêu trên, có hai sổ đỏ của vợ chồng Hoàng Quốc Tuấn và bà Bùi Thị Tình ở phường Bắc Sơn (Thị xã Phổ Yên) được ông Ngô Minh Hợp (giám đốc Công ty Ngô Hoàng, là cháu gọi ông Tuấn là cậu ruột) dùng để thế chấp để vay 1,79 tỷ đồng (gốc); đến nay số tiền lãi phát sinh lên tới gần 1,6 tỷ đồng. Đáng nói, vợ chồng ông Tuấn bà Tình có đơn gửi các cơ quan pháp luật tố cáo ông Hợp đã tự ý lấy sổ đỏ của ông và giả chữ ký của vợ chồng ông đem đi thế chấp vay tiền chứ vợ chồng ông không hề biết và cũng không đồng ý.
Ông Tuấn trình bày: Năm 2011 ông có đưa sổ đỏ của gia đình đứng tên vợ chồng ông cho cán bộ địa chính phường Bắc Sơn tên là Nguyễn Tấn Bình (trú tại phường Bắc Sơn, Thị xã Phổ Yên) để nhờ ông Bình làm thủ tục sửa tên trong sổ đỏ từ Hoàng Văn Tuấn thành Hoàng Quốc Tuấn cho đúng với tên trong chứng minh nhân dân. Sau đó gia đình ông Tuấn mắc vào một vụ án oan, rồi hành trình giải oan, đòi bồi thường oan sai nên cũng quên bẵng đi.
Đến khoảng năm 2014 ông mới biết việc anh Hợp dùng sổ đỏ của gia đình ông thế chấp vay nợ ngân hàng và không có khả năng thanh toán, đến nay ông bất đắc dĩ trở thành người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản do ngân hàng khởi kiện anh Hợp. Ông Tuấn khẳng định hồ sơ vay tín dụng, thế chấp là do anh Hợp thông đồng với một số người giả mạo chữ ký của vợ chồng ông; ông không đồng ý để ngân hàng phát mại tài sản.
Kết luận giám định khẳng định chữ ký ông Tuấn trong hợp đồng không đúng
Phiên tòa sơ thẩm của vụ án sau nhiều lần tạm dừng và nghị án kéo dài do có nhiều tiết chưa được làm rõ. Quá trình tố tụng vụ án, vợ chồng ông Hoàng Quốc Tuấn (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) khẳng định họ không hề ký vào các giấy tờ làm thủ tục để ngân hàng cho anh Hợp vay tiền. Ông Tuấn đề nghị giám định chữ ký và chữ viết trên các Hợp đồng tại hai tổ chức giám định là Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên và Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an.
Bản Kết luận giám định số 322 ngày 29/9/2016 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an tại trang 4 mục 5.3 xác định: “Không đủ cơ sở kết luận chữ ký thứ 3 tính từ trái sang phía phải dưới trang 1, chữ ký đứng tên Hoàng Quốc Tuấn dưới mục “Bên B” trên tài liệu ký hiệu A5; chữ ký thứ 2 tính từ trái sang phía dưới trang 1, chữ ký thứ 4 tính từ trái sang phía dưới trang 3, chữ ký thứ 4 tính từ trái sang phía dưới trang 4 và chữ ký đứng tên Hoàng Quốc Tuấn dưới mục “Bên ủy quyền” trên tài liệu A6; chữ ký đứng tên Hoàng Quốc Tuấn dưới mục Bên B trên tài liệu ký hiệu A7; chữ các tài liệu mũ so sánh có phải do một người ký, một người viết ra không”.
Không đủ cơ sở kết luận chữ ký, chữ viết đứng tên Hoàng Quốc Tuấn cần giám định trên các tài liệu so với chữ ký, chữ viết của Hoàng Quốc Tuấn trên các tài liệu mẫu so sánh có phải do một người viết ra hay không.
Không đủ cơ sở kết luận chữ ký Tình và các chữ Bùi Thị Tình cần giám định trên các tài liệu mẫu so sánh có phải do một người viết ra hay không”.
|
Tại trang 4 mục 5.3 bản Kết luận giám định số 322 ngày 29/9/2016 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an tại xác định không đủ cơ sở kết luận chữ ký trong các hợp đồng thế chấp là của ông Tuấn |
Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm công khai, Luật sư Lê Quang Nam (VPLS An Toàn, ĐLS tỉnh Thái Nguyên) người bảo vệ quyền lợi cho ông Tuấn bà Tình khẳng định Kết luận giám định khẳng định không đủ cở sở kết luận chữ ký do cùng một người ký ra thì Hợp đồng không có giá trị pháp lý. Hơn nữa, Hợp đồng thế chấp lập ngày 17/11/2011 nhưng các lời chứng của công chứng viên kèm phiếu ghi yêu cầu công chứng lại ghi ngày 18/11/2011 là vi phạm nguyên tắc công chứng trực tiếp, không bảo đảm giá trị, công chứng sau khi lập hợp đồng là không có sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên.
Mặc dù diễn biến phiên tòa có nhiều điểm khuất tất cho thấy có sơ sở khẳng định việc ông Tuấn bà Tình phản ánh bị tự ý lấy sổ đỏ rồi giả mạo chữ ký làm hồ sơ thế chấp vay tiền, dù bản kết luận giám định đã khẳng định không đủ cơ sở kết luận chữ ký chữ viết là do ông Hoàng Quốc Tuấn ký, cũng như nhưng bản án sơ thẩm ngày 23/9/2019 vẫn đưa ra những căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng Công thương chi nhánh Sông Công đói với Công ty Ngô Hoàng do ông Ngô Minh Hợp làm giám đốc. Với phán quyết này, tài sản nhà đất của vợ chồng ông Tuấn bà Tình sẽ được ngân hàng xử lý tài sản thế chấp, đem phát mại để dùng vào việc trở nợ khoản vay của Công ty Ngô Hoàng.
Không đồng ý với phán quyết trên, vợ chồng ông Hoàng Quốc Tuấn đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số 02 ngày 23/9/2019 của TAND TX Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) yêu cầu Tòa tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu vì giả mạo chữ ký của người có tài sản thế chấp.
Ở một diễn biến khác, hiện ông Hoàng Quốc Tuấn cũng làm đơn tố cáo gửi các cơ quan pháp luật về việc gia đình ông bị ông Ngô Minh Hợp chiếm đoạt sổ đỏ đem đi thế chấp vay nợ và giả mạo chữ ký của vợ chồng ông. Trong đơn này, ông Tuấn đề nghị làm rõ có hay không việc tiếp tay của những cán bộ liên quan như cán bộ địa chính, ngân hàng, công chứng trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.