PV Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc (Hà Nội) về những khía cạnh pháp lý đặt ra xung quanh vấn đề này.
* Thưa LS Phạm Thanh Bình, xin ông cho biết chính sách pháp luật của Việt Nam trong việc xử lý đối với người mang hai quốc tịch phạm tội có gì khác biệt không? Khi có thêm quốc tịch, liệu những người này có được pháp luật “ưu ái”, “nương tay” hơn hay không?
- Hiện tượng người Việt Nam phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lại có thêm quốc tịch nước ngoài không phải là trường hợp cá biệt, và cơ chế xử lý đối với những người phạm tội như thế này trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định khá đầy đủ, rõ ràng.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình năm 2015 về Cơ sở của trách nhiệm hình sự: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.” Tại khoản 1 điều 3 Bộ luật này quy định về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội như sau: “a, Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
b) Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”.
|
Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình - Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc (Hà Nội) |
Bên cạnh đó, tại điều 5 Bộ luật Hình sự quy định về Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định như sau: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”
Cụ thể, đối với người Việt phạm tội có 2 quốc tịch thì nguyên tắc xử lý như sau: người phạm tội trước hết vẫn là công dân Việt Nam nên sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để xử lý hành vi phạm tội.
Trong trường hợp nước họ mang quốc tịch thứ hai mà quốc gia này áp dụng chế độ bảo hộ công dân và nước này có ý kiến can thiệp thì lúc đó sẽ giải quyết theo một trong hai trường hợp: nếu người đó thuộc đối tượng được miễn trừ ngoại giao thì sẽ được giải quyết theo tòa án quốc tế, áp dụng theo con đường miễn trừ ngoại giao; nếu không được miễn trừ thì vẫn được giải quyết bình thường, như một người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam thì do pháp luật Việt Nam xử lý.
Tóm lại, về nguyên tắc, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, người Việt phạm tội mang 2 quốc tịch hay người nước ngoài vi phạm pháp luật Hình sự Việt Nam cũng đều bị xử lý nghiêm minh.
* Trở lại trường hợp của bị cáo Phan Văn Anh Vũ trong đại án tham nhũng, giả sử nếu việc nhập thêm quốc tịch của bị cáo trót lọt, việc thu hồi tài sản tham nhũng đối với người mang 2 quốc tịch sẽ được thực thi như thế nào? Liệu có gặp phải những rào cản, vướng mắc gì không, thưa luật sư?
- Pháp luật hiện hành đã có những quy định khá đầy đủ về việc thi hành phần dân sự trong bản án hình sự trong các vụ án nói chung, trong đó có án tham nhũng.
Tuy nhiên, từ chế định pháp lý đến việc thực thi đã phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc; chưa kể việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có của người phạm tội mang hai quốc tịch là tình huống mới mới phát sinh trong thực thi pháp luật nên có thể khẳng định vướng mắc là khó tránh khỏi.
Khi những người Việt Nam có quốc tịch thứ hai phạm tội sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc xử lý hành vi phạm tội cũng như xử lý tài sản bất minh; trong đó việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước cũng được đặt ra.
|
(Ảnh minh họa) |
Nhiều vụ việc gần đây cho thấy, thực tế nhiều người phạm tội, đặc biệt là tội phạm liên quan đến tham nhũng kinh tế trước khi bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện thì họ đã mang một khối tài sản lớn ra nước ngoài để hợp thức hóa bằng hình thức như đầu tư kinh doanh, liên kết làm ăn…
Những đồng tiền do hành vi họ vi phạm pháp luật, do phạm pháp mà có đã được “rửa tiền”, hợp thức hóa dưới danh nghĩa đầu tư, hợp tác làm ăn, kinh doanh và thực tế nó đã phát sinh lợi nhuận.
Vậy khi bản án có hiệu lực pháp luật, việc thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng sẽ thực hiện như thế nào? Ở đây có rất nhiều rào cản cần phải tháo gỡ. Việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có đã được chuyển ra nước ngoài rất khó, chưa kể các những tài sản đó đã được các đối tượng “biến tấu” dưới hình thức liên kết làm ăn, đầu tư.
Để chứng minh đây là tài sản phạm pháp, cần phải có sự điều tra công phu giữa lực lượng chức năng giữa 2 nước. Về nguyên tắc trong trường hợp này phải dựa trên kết quả phối hợp hợp tác ngoại giao của 2 nước cũng như kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
Nói như vậy để thấy, việc thu hồi tài sản rất phức tạp, nó không chỉ đơn thuần là các biện pháp tư pháp mà còn thông qua con đường ngoại giao. Vì khi tiến hành thu hồi tài sản để bảo đảm thi hành án – tức là đã liên quan đến tài sản, đến quyền được bảo hộ về tài sản của công dân nước họ - nên còn đụng chạm đến các quy định pháp luật nước sở tại nữa.
* Như luật sư đã phân tích, việc thu hồi tài sản của người phạm tội tham nhũng mang 2 quốc tịch rất khó khăn phức tạp. Nhưng thiết nghĩ dù khó thì vẫn phải có cách giải quyết. Xin hỏi hiện chúng ta đã có phương án tháo gỡ những khó khăn đó như thế nào?
- Đây là vấn đề được rất nhiều người rất quan tâm trong bối cảnh hiện nay khi tội phạm tham nhũng trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, hiện tượng người phạm tội tham nhũng mang hai quốc tịch hiện nay chưa phổ biến nên thực tế pháp luật chưa dự liệu, chưa có hướng dẫn giải quyết cụ thể về vấn đề thu hồi tài sản của người phạm tội tham nhũng có hai quốc tịch.
Điều này cũng dễ hiểu vì chúng ta hội nhập kinh tế chưa lâu. Trước đây chúng ta cũng đã xử lý những vụ người Việt có quốc tịch nước thứ hai phạm tội nhưng hành vi của họ không phải liên quan đến tham nhũng, rửa tiền…
Chính vì hiện tượng người phạm tội tham nhũng mang hai quốc tịch hiện chưa phổ biến nên theo các chuyên gia pháp lý, về mặt lập pháp, cần phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự theo hướng quy định rõ hơn những trường hợp nào phải thu hồi tài sản bảo đảm thi hành án và nghĩa vụ bồi thường trong các vụ án hình sự do người mang hai quốc tịch gây ra tại lãnh thổ Việt Nam.
Song song với việc sửa luật thì cũng phải có văn bản hướng dẫn cụ thể. Giải pháp trước mắt, cần nghiên cứu đánh giá cụ thể làm cơ sở để đưa ra các quy phạm mang tính khái quát áp dụng chung với việc thu hồi tài sản người phạm tội mang hai quốc tịch, trong trường hợp có tài sản ở nước ngoài nhằm tránh thất thoát, tẩu tán tài sản.
* Dư luận cho rằng nếu như chúng ta kiểm soát được những công dân nào xin quốc tịch nước thứ hai mà có biểu hiện nghi vấn, từ đó có biện pháp ngăn chặn thì sẽ hạn chế được tình trạng người phạm tội tham nhũng bỏ trốn, tẩu tán tài sản, rửa tiền… sẽ bớt khó trong khâu thu hồi tài sản phạm pháp. Xin hỏi liệu pháp luật có biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn ngay từ lúc họ toan tính nhập thêm quốc tịch hay không?
- Thực tế hiện nay có không ít doanh nhân, chính khách đã đăng ký thêm quốc tịch thứ hai ngoài quốc tịch Việt Nam. Họ hoàn toàn có thể làm được điều này nếu đáp ứng đủ điều kiện, phù hợp với quy định của pháp luật nước sở tại mà họ xin nhập quốc tịch.
Điều này thậm chí khá dễ dàng, cởi mở trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nguồn thông tin về dịch vụ hỗ trợ làm thủ tục định cư với các điều kiện cụ thể, chi tiết; cơ chế bảo mật thông tin cá nhân khá đầy đủ, an toàn; rồi hướng dẫn cách mở tài khoản, chuyển tiền .v.v.
Pháp luật nước ta cũng cho phép người Việt Nam có thể có hai quốc tịch. Theo Luật Quốc tịch Việt Nam, việc hai quốc tịch chỉ áp dụng với một số ngoại lệ gồm: người được Chủ tịch nước cho phép, trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi. Nhưng quy định này được áp dụng đối với những trường hợp công dân đã có quốc tịch nước ngoài và đủ điều kiện để có thêm quốc tịch Việt Nam.
Vậy liệu cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm soát được những công dân Việt Nam nào có “biểu hiện nghi vấn” khi làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài để có biện pháp ngăn chặn hay không? Câu trả lời là có, nhưng chỉ trong trường hợp công dân đó xin nhập quốc tịch vào quốc gia mà pháp luật nước họ áp dụng chính sách một quốc tịch - nghĩa là để nhập quốc tịch nước ngoài, người đó buộc phải xin thôi quốc tịch – chỉ trường hợp này chúng ta mới kiểm soát được.
Còn nếu họ nhập quốc tịch vào những quốc gia chấp nhận chế độ đa quốc tịch thì chúng ta không thể kiểm soát. Mà những doanh nhân, chính khách Việt có nhu cầu nhập thêm quốc tịch nước ngoài thường là họ lựa chọn những quốc gia có chính sách đa quốc tịch nên đặt ra vấn đề kiểm soát để dự liệu rủi ro là không khả thi…
-Xin cảm ơn Luật sư!