Nhiều doanh nghiệp muốn tự chủ chống dịch, tự chủ sản xuất

(PLVN) - Thay vì đối tượng bị kiểm soát dịch bệnh, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được cùng nhà nước tham gia chống dịch ngay chính tại doanh nghiệp của mình, được tự chủ sản xuất, chủ động đăng ký và chịu trách nhiệm với hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa của mình…
Một khu nhà xưởng mới được doanh nghiệp cải tạo để sản xuất 3 tại chỗ.

Khổ vì “1 ổ 4 chìa”…

Tại Tọa đàm trực tuyến “Duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) đã ví von vấn đề vận tải đối với doanh nghiệp hiện nay đã trở thành "một ổ khóa có 4 chìa khóa".

Trong đó, ngành y tế yêu cầu tài xế phải có xét nghiệm Covid-19, ngành giao thông vận tải quản lý mã QR code và quy định luồng xanh, ngành công thương quản lý hàng thiết yếu và chốt phòng dịch của địa phương cũng có quy định phòng dịch riêng. "Với 4 yếu tố ràng buộc này, doanh nghiệp vận tải khó khăn gấp bội phần!" - ông Minh ngao ngán.

Bà Lý Thị Kim - Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, theo quy định của UBND TP Hồ Chí Minh, sau 18 giờ chiều tới 6 giờ sáng hôm sau có một số nhóm đối tượng được ra đường.

Người lao động khử khuẩn và mang thiết bị bảo hộ tại Công ty TNHH Xay lúa mì Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A – Bà Rịa Vũng Tàu).

Thế nhưng, trong các nhóm này không có lãnh đạo, quản đốc doanh nghiệp thực phẩm. “Chỉ vì quy định cứng nhắc đó, không ít lãnh đạo phải đi “chui”. Có trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp thực phẩm đàm phán vay vốn với các ngân hàng thông qua online không được, nên phải năn nỉ các chốt kiểm dịch để được đi qua…”- Bà Kim phản ánh.

Cũng vì quyết định này, thương lái phải nghỉ, nguyên liệu phục vụ cho ngành lương thực, thực phẩm bị đứt gãy do hành tiêu tỏi ớt không về được các nhà máy, ngành sản xuất mỳ gói không thể vận hành được.

“Trong các gói mỳ luôn có hành, nhưng nguyên liệu không về được, chúng tôi không thể sản xuất. Liệu không đủ nguyên liệu, chúng tôi có được bán ra thị trường hay không, hoặc ban ngành nào cho phép chúng tôi sản xuất khi không đủ thành phẩm trên bao bì?”- bà Kim phân vân.

Cũng theo Chủ tịch FFA, các lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại, phân luồng xanh còn cứng nhắc đã làm độn thêm chi phí phát sinh, khiến nhiều doanh nghiệp “khổ vô cùng”. “Có trường hợp vì chi phí đội thêm, khi bán thành phẩm bị lỗ, nhưng vẫn phải kinh doanh lỗ…”- Chủ tịch FFA chia sẻ…

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ông Vũ Đức Giang liệt kê 3 nỗi khổ lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay: Thứ nhất, giãn cách xã hội đang tạo áp lực cực kỳ lớn lên cộng đồng doanh nghiệp, thậm chí làm tê liệt một số doanh nghiệp sản xuất của 19 tỉnh phía Nam; Thứ hai, nhiều địa phương áp dụng quá chặt chẽ, máy móc khi áp dụng giãn cách khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa dù không có người lao động bị Covid-19; Thứ ba, việc kiểm soát việc đi lại của các doanh nghiệp.

Theo ông Giang, việc vận chuyển qua các địa phương dọc tuyến Quốc lộ 1 gặp nhiều khó khăn khi chuyển hàng từ Nam ra Bắc, có địa phương chấp nhận kết quả test PCR của tài xế 3 ngày, có nơi lại 5 ngày nên không có sự thống nhất. Nguyên liệu sản xuất từ phía Bắc vào miền Nam cũng không thực hiện được, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Cùng với đó, nhiều địa phương, cán bộ đang hiểu máy móc“hàng thiết yếu” ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp đặc biệt là vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu...

(ảnh minh họa).

Hãy tin ở doanh nghiệp!

Bà Đỗ Thị Thùy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho rằng không ai hiểu doanh nghiệp bằng chính doanh nghiệp đó. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, hơn ai hết, chính bản thân doanh nghiệp sẽ phải biết cách tạo ra vùng an toàn để hoạt động.

Đại diện VEIA đề nghị không nên xem doanh nghiệp là đối tượng bị kiểm soát mà phải xem họ là lực lượng tham gia phòng chống dịch. Từ đó, cần bỏ bớt các giải pháp quản lý quá cứng nhắc. "Nên để doanh nghiệp tự chủ sản xuất, chủ động đăng ký và chịu trách nhiệm với hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa của mình. Ngoài các cơ sở được phép tiêm chủng hiện nay, hãy để phòng khám tư nhân tham gia tiêm chủng, các doanh nghiệp sẵn sàng trả phí. Như thế giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế nhà nước và cũng giảm bớt áp lực tài chính cho nhà nước”- bà Hương đề nghị.

Kiến nghị quy tắc vận tải an toàn bằng việc bắt buộc tài xế ngồi trong xe và không được tiếp xúc với bất kỳ ai để thay thế cho việc phải tới điểm xét nghiệm vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Tổng Thư ký VLA, ông Nguyễn Duy Minh đề nghị cho phép doanh nghiệp tự mua thiết bị xét nghiệm Covid-19 và tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động, nếu làm sai, các doanh nghiệp sẵn sàng chịu trách nhiệm và bị truy tố…

"Hơn ai hết, chúng tôi là những người lo lắng nhất cho doanh nghiệp của mình, rất sợ mất người lao động. Do vậy, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phòng dịch cho doanh nghiệp, người lao động của mình và rất mong sớm có cơ chế tự chủ" - ông Minh bày tỏ.

Theo Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc, chúng ta nhắc đến việc không đánh đổi sức khỏe nhân dân để đổi lấy sức tăng trưởng, nhưng quan trọng nhất, kinh tế là sinh kế của nhân dân, bảo vệ được sinh kế của người dân cũng rất quan trọng…

“Do đó cần kết hợp cả 2 mục tiêu này, chứ không chỉ vì mục tiêu chống dịch mà bỏ lơi chức năng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cứu các doanh nghiệp. Trong trường hợp đấy sẽ đẩy người lao động, người dân vào tình trạng không có việc làm, thiếu thu nhập. Dịch bệnh, nạn đói và thiếu việc làm đều là các vấn đề rất quan trọng hiện nay. Do vậy ưu tiên phòng dịch bệnh nhưng cũng phải cố gắng hết sức để duy trì sản xuất kinh doanh” – Chủ tịch VCCI đề nghị.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM: “Doanh nghiệp cần nhất bây giờ là được hoạt động bình thường trên cơ sở an toàn phòng. chống dịch…”

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM), rất khó hiểu là hiện nay, việc Chủ tịch UBND phường, xã được phép quyết định đóng cửa chợ, và can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. “Can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp phải là Ban chỉ đạo, chứ không phải là ông Chủ tịch phường, xã..”- chuyên gia này quả quyết.

Chuyên gia này lưu ý, bối cảnh hiện nay khác trước rất nhiều, đòi hỏi cần linh hoạt, sáng tạo, nhưng không phải mỗi nơi làm một kiểu. “Chúng ta cứ nói gói hỗ trợ này, gói hỗ trợ kia, nhưng doanh nghiệp cần nhất bây giờ là được hoạt động bình thường trên cơ sở an toàn phòng, chống dịch. Hãy để doanh nghiệp tự chủ nhiều hơn. Tự doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc và chiụ trách nhiệm với hoạt động của mình bởi điều kiện của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, mỗi địa phương là khác nhau…”- TS Cung đề nghị,

Chuyên gia này cũng thẳng thắn khi cho rằng, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, bộ máy lãnh đạo cần phải linh hoạt, sáng tạo. “Trong khi nhiều quốc gia nới lỏng các quyết định, thì Việt Nam lại thắt chặt và đặt ra chính sách không thể sai sót. Trong bối cảnh bình thường, chính sách không sai sót còn rất khó, huống chi trong giai đoạn dịch bệnh”,- ông Nguyễn Đình Cung nói.

TS Nguyễn Đình Cung.

Ông Phan Đức Hiếu, Thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: "Sống chung với dịch bệnh là một vấn đề cần tính toán kỹ càng…”

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, theo ông Phan Đức Hiếu, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần tập trung vào ba giải pháp:

Thứ nhất, đề nghị các địa phương nên phát huy các sáng kiến của doanh nghiệp nếu như họ đảm bảo được an toàn về dịch bệnh. Cùng với đó là tăng tính tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp. Nên có sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền. Vì nếu trong DN có F0 mà không có sự hợp tác của chính quyền đôi khi sẽ gây ra sự rối loạn trong doanh nghiệp. Cần có một quy trình để doanh nghiệp có thể xử lý khi gặp trường hợp này, vừa trấn an tâm lý, vừa giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

Thứ hai, về vấn đề lưu thông hàng hóa và nguyên vật liệu hiện nay. Nên thay đổi “hàng hóa thiết yếu” mà thay vào đó là nguyên tắc hàng hóa không liên quan đến dịch bệnh thì được phép lưu thông, như vậy cần đặt mục tiêu lưu thông hàng hóa lên trước với điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Như vậy sẽ không còn khái niệm thiết yếu, bởi trong thời gian qua khái niệm nay còn đang được hiểu bằng cảm quan.

Thứ ba, liên quan tâm lý người lao động và vai trò của chính phủ trong việc bảo đảm người lao động thực sự yên tâm lao động.

“Rủi ro về kinh tế là rất lớn, không thể gọi là tạm đứt gãy chuỗi cung ứng, khi gãy rất khó để khôi phục vì vậy việc sống chung với dịch bệnh là một vấn đề cần tính toán kỹ càng…”- Chuyên gia này bày tỏ quan điểm.

TS Phan Chí Hiếu.

Đọc thêm