Những băng đảng một thời khét tiếng Hà Thành - Kỳ 7: Đám du đãng mạo danh thương binh để “rạch mặt kiếm cơm”

(PLVN) - Bài viết này sẽ nói về một băng nhóm “quái dị” đất Hà Thành. Chúng khác biệt với các băng du đãng khác, ở chỗ lợi dụng bề ngoài tàn tật, chuyên “rạch mặt ăn vạ” để chèn ép người lương thiện.
(Hình minh họa).

Cái đầu nóng lạnh bất thường

Nhắc đến du đãng đòi nợ thuê, những năm 1980-1990, không thể không nhắc băng nhóm do Vương “què” (tức Trần Đình Vương, SN 1964, ngụ Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng) cầm đầu. “Thế giới ngầm” Hà thành vẫn quen gọi họ là “băng thương binh”. Bởi thủ lĩnh Vương cùng một số, trong hơn 30 thành viên của băng nhóm, vốn là cựu binh.

Cần phân tích sâu ở điểm này để tránh những hiểu nhầm cho độc giả. Vương và vài người khác từng tham gia quân ngũ, bị thương rồi được phục viên trở về nhà. Lĩnh vực nào trong xã hội cũng vậy, cũng có “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Có thể vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, có thể vì định hướng lệch lạc, họ dần biến chất. Như Vương và những người từng có cống hiến, họ dùng cái mác thương binh để làm những việc của “thế giới ngầm”.

Đây là sự lạc đường đáng tiếc và rồi họ đều phải trả giá đắt, nhưng không thể phủ nhận, họ là thế lực khiến giới giang hồ phải e dè. Cũng cần khẳng định, theo nhiều nhân chứng, có đến 2/3 thành viên băng này không phải là thương binh. Một số bị cụt chân, cụt tay thật nhưng là do tai nạn. Tuy nhiên có Vương bảo trợ, đám này dùng luôn khiếm khuyết bản thân để đóng giả thương binh.

Riêng với thủ lĩnh băng nhóm, giang hồ nhận xét Vương là kẻ không đơn giản. Từng tham gia chiến trận, Vương bị thương mất cẳng tay trái cùng một mảnh đạn vẫn nằm trong đầu. Đối diện “hòn tên mũi đạn”, lách qua cửa tử thần, giờ trở về đời thường, Vương dường như không còn biết ngán ngại điều gì. Thêm nữa, mỗi khi trái gió trở trời, mảnh đạn trong đầu ảnh hưởng khiến Vương “nóng lạnh” cực kì thất thường.

Những lúc ấy, đừng nói người lương thiện, đến đám du đãng rắn mặt cũng phải chạy dạt khi trông thấy gã. Vụ việc xảy ra khoảng những năm 1986 minh chứng độ “khùng” của Vương “què”. Bấy giờ do mâu thuẫn nơi chợ búa, một đàn em của Vương bị đánh rách tai. Kẻ ra tay là Đạo “lùn”, du đãng có tiếng ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng).

Nghe tin, nhìn đàn em máu me đầm đìa, Vương nổi điên. Không cho băng bó, cứ để đàn em nguyên trạng cái tai rách, Vương tụ tập gần 20 “mạng” đầy đủ dao kiếm, tức tốc lao xuống nhà Đạo. Biết trót dây phải thứ dữ, Đạo không dám chống cự, chạy trốn vào trụ sở công an. Không hề ngán ngại, Vương kéo đàn em xông cả vào trụ sở “đòi người”.

Đối diện băng thương binh, người cụt tay, kẻ chống nạng, ngay cả chính quyền cũng phải tìm biện pháp mềm mỏng để giải quyết. Cùng lúc ấy, đàn anh của Đạo “lùn” biết tin, cũng kéo gần chục người đến, nói chuyện hòa giải. Vương “què” vẫn không lùi bước.

Bấy giờ, người hiếu kì đã xúm đông xúm đỏ. Vương bèn kéo đàn em bị thương ra chỉ cho mọi người xem, rồi dùng bài kể công trạng: “Anh em bọn tôi từng xông pha chiến trường để đám du côn nhãi nhép như thằng Đạo được sống yên bình. Thế mà giờ chúng nó đánh bạn tôi như thế này. Hôm nay không giải quyết đến nơi đến chốn, bọn tôi không đi đâu cả”.

Nghe hiệu lệnh, "băng thương binh" lập tức dùng chiêu Chí Phèo “rạch mặt ăn vạ”. Gần chục người nằm lăn ra đường, giãy giụa như trúng gió. Xe cộ không dám đi qua, giao thông ùn tắc. Vụ hỗn loạn kéo dài cả giờ đồng hồ. Chỉ đến khi vợ Đạo xuất hiện, sau đó hai vợ chồng lạy lục van xin, chấp nhận đền một khoản tiền không nhỏ, Vương “què” mới chịu rút quân. Đám du đãng sở tại đã được hiểu thế nào là “vua phải thua thằng liều”. 

Du đãng ăn vạ thành thần

“Rạch mặt ăn vạ” là thương hiệu của băng Vương “què”. Đó cũng là điểm khiến họ không giống bất kỳ băng du đãng nào. Nhưng sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng chiêu trò đó kém hiệu quả. Đầu những năm 1990, Vương cùng đàn em làm không hết hợp đồng đòi nợ, tỉ lệ thành công rất lớn. Phần nào đó, “võ ăn vạ” còn ghê gớm hơn cả dùng dao kiếm?

Có thể nhắc lại vụ đòi nợ của Vương vào năm 1992 để thấy độ nguy hiểm của phương pháp “độc” này. Con nợ thuộc kiểu “thiếu gia”, con trai duy nhất trong gia đình rất giàu có. Nhà anh ta sở hữu chuỗi 5-6 cửa hàng, thời điểm ấy được xếp vào những nhà bán lẻ lớn nhất Hà Nội. Ngoài 20 tuổi, anh ta ăn chơi khét tiếng, cờ bạc “thành thần”.

Gia đình đã vài lần phải trả cho anh ta những món nợ hàng trăm triệu đồng. Lần này anh ta không vay trực tiếp dân anh chị mà là vay từ vài đối tác làm ăn của gia đình, số tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng. Quá chán nản vì con, bố mẹ anh ta quyết định không trả nợ nữa. Vài băng du đãng đã nhận “hợp đồng” đòi nợ nhưng gia đình con nợ có vẻ rất “rắn”.

Cuối cùng, vụ khó nhằn này chuyển đến băng thương binh. Với Vương “què”, càng khó thì gã càng thích. Sau vài buổi nói chuyện, dọa dẫm không ăn thua, gã bắt đầu ra chiêu. Từ sáng sớm, cửa hàng nhà con nợ đã xuất hiện cả chục người tàn tật. Họ đều mặc quần áo “ga” xanh lét, y phục đặc trưng của du đãng, và tất nhiên, mặt mũi đều bặm trợn. Mặc kệ họ, gia đình con nợ vẫn mở cửa hàng. Nhưng vấn đề là không khách nào vào mua hàng được, bởi đám “thương binh” gây khó dễ hoặc trợn mắt đuổi đi.

Việc này xảy ra ở tất cả chuỗi cửa hàng của gia đình con nợ. Đến ngày thứ 3 thì bố con nợ nổi nóng, đôi co rồi đẩy ngã một gã trong băng thương binh. Vậy là mắc mưu. Tay du đãng, lăn lộn kêu la, “diễn” thật đến mức sùi cả bọt mép, co giật như sắp chết đến nơi. Vương “què” xuất hiện và chủ động... báo công an. Động vào cựu binh đâu phải chuyện vừa.

Dù biết có uẩn khúc, chính quyền vẫn phải mời hai bên mâu thuẫn lên làm việc. 24 giờ hòa giải ở phường sở tại, cũng là ngần ấy thời gian nhà con nợ bị “khủng bố”. Vương “què” thẳng thừng dọa người thân con nợ: “Giờ không chỉ là chuyện đòi nợ nữa. Bạn tao còn mảnh đạn trong đầu, nó mà bị làm sao, hội thương binh sẽ làm cỏ nhà chúng mày”.

Hôm sau, bố con nợ trở về, cửa hàng vẫn bị quây kín bởi đám cô hồn. Không chỉ thế, kẻ hôm qua bị đẩy ngã giờ được đặt ngồi xe lăn, ôm đầu ăn vạ, chửi bới cả ngày. Băng nhóm Vương “què” như những âm hồn bất tán, quấy nhiễu khiến nhà con nợ không làm ăn gì được. Tình trạng ấy kéo dài khoảng 2 tuần thì gia đình con nợ chấp nhận đàm phán. Hợp đồng đòi nợ được thanh lý nhanh chóng. 

Trả giá

Làm được vụ lớn, Vương “què” nổi như cồn. Thời gian sau đó, băng nhóm có lúc lên đến cả 50 thành viên. Đám gia nhập mới là những du đãng thực sự và... không hề tàn tật. Người đông thế mạnh, Vương “què” vươn ra hoạt động trong nhiều lĩnh vực phi pháp. Ghê gớm nhất phải kể đến chuyện gã thường giúp các “trùm” giấu mặt của “thế giới ngầm” chiếm đất trái phép.

Cuối những năm 1990, một số nơi ở các khu vực ngoại thành có hiện tượng đất canh tác bỏ hoang. Đám “trùm” sừng sỏ ngửi thấy mùi lợi ích rất nhanh. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, sự nhẹ dạ của người dân, chúng tìm đến thuê lại với giá rất rẻ. Dù mục đích thuê không rõ ràng nhưng đất hoang nên cũng chẳng ai quan tâm.

Lúc ban đầu, thửa đất cũng chỉ được rào sơ sài. Một thời gian sau khi người địa phương đã quen với sự có mặt của chúng, con bài “tẩy” mới được lật. Ngày đẹp trời nào đó, với tốc độ cực nhanh, thửa đất bỗng được xây cất đàng hoàng, tường bao, mái che, cửa kiên cố. Việc xây dựng là việc của thợ, còn mấu chốt, đảm bảo làm sao để xây được là chuyện của băng Vương “què”.

Tất nhiên, thấy người thuê bỗng giở trò, dân địa phương không để yên. Nhưng khi tìm đến phản đối, họ sẽ giáp mặt đám du đãng. Băng thương binh đã bảo kê thành công nhiều vụ xây trộm như thế. Vương thường chỉ đạo toàn bộ đàn em xuất trận. Vòng ngoài là đám đóng giả thương binh. Phía trong là dân anh chị, dao kiếm lăm lăm, đầy sát khí. Chúng sẵn sàng vừa ăn vạ vừa hành hung bất kỳ ai ngăn cản.

Phải đến năm 1998, Vương “què” mới trả giá. Trước sự lộng hành của băng nhóm giả thương binh, chính quyền ra tay trấn áp quyết liệt. Hầu hết đám du côn bị tóm cổ, Vương “què” với vai trò cầm đầu, lĩnh 10 năm tù vì nhiều tội danh. Sau quãng thời gian bóc lịch, Vương không còn chỗ đứng trong thế giới ngầm. Sự liều lĩnh vẫn còn song thể trạng suy nhược, gã không còn sức để tự tung tự tác nữa.

(Còn tiếp) 

Đọc thêm