Vượt biên bán con, thai phụ tử vong
Một ngày giữa năm 2018, chị Moong Thị Th. (SN 1987), trú xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được người phụ nữ cùng bản là Moong Thị Ba (SN 1967) đến tỉ tê việc qua Trung Quốc bán con sẽ có 60 triệu đồng. Lúc đầu, chị Th. từ chối vì không nỡ bán đi đứa con mình đứt ruột sinh ra.
Tuy nhiên, sau nhiều lần được Ba thuyết phục bán con để lấy tiền thoát nghèo, lại thấy gia cảnh khó khăn nên Th. đồng ý. Sau đó, chị Th. được Ba dẫn đường bắt xe đi Móng Cái (Quảng Ninh). Đến địa điểm đã hẹn trước qua điện thoại, chị Th. được người phụ nữ cùng bản là Moong Thị Oanh (SN 1987, trú xã Hữu Lập, là con gái Ba) lấy chồng Trung Quốc đón đưa sang xứ người.
Thời điểm này, chị Th. đang mang bầu hơn 7 tháng. Tại xứ người, chị Th. ở nhà Oanh chừng 2 tháng thì sinh con trai. Khi đứa trẻ được 20 ngày thì vợ chồng Oanh đem bán với giá 4,5 vạn nhân dân tệ (tương đương 48 triệu đồng). 10 ngày sau, chị Th. được Oanh đưa cho 4 triệu đồng tiền bán con để về Việt Nam, Ba nhận 1 triệu đồng tiền đưa người đi bán. Với số tiền bán con, chị Th. dùng để mua sắm đồ trong gia đình.
Người mẹ này cũng xem chuyện bán con là không quá nghiêm trọng với suy nghĩ trong khi điều kiện kinh tế gia đình mình khó khăn thì cách làm đó sẽ giúp con được sống sung sướng hơn ở nơi nào đó bên kia biên giới. Cũng đồng ý bán con, nhưng trường hợp của chị Moong Thị L. (SN 1989, trú xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) lại đặc biệt hơn khi được chồng đồng ý.
Chồng L đã chấp thuận cho vợ đang mang bầu những tháng cuối thai kỳ sang bên kia biên giới để chờ sinh rồi bán con. Được sự giúp đỡ của Xeo Thị Tiến (SN 1982, trú xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn), quá trình vượt biên sang Trung Quốc của thai phụ này diễn ra khá dễ dàng. Tháng 8/2018, sau khi liên lạc với Oanh, Tiến đưa chị L. vượt biên để bán con với giá 2.5 vạn nhân dân tệ.
Vượt biên thành công, Tiến và chị L. đến ở nhà Oanh một thời gian ngắn rồi sinh con. Đứa trẻ đó đã được Oanh bán cho người bản địa. Biết chuyện chị Moong Thị Th. có tiền từ việc sang Trung Quốc bán con nên Moong Thị Lý (SN 1983), trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cũng lần mò tìm hiểu. Sau đó, Lý đã đến gia đình Oanh để xin số điện thoại của người đàn bà này hiện đang ở Trung Quốc.
Quá trình trao đổi qua điện thoại Oanh cho biết nếu có trẻ con bán sang Trung Quốc sẽ được trả 2,5 vạn nhân dân tệ. Biết chị Moong Thị M. (SN 1994), trú xã Hữu Kiệm đang mang thai nên Lý rủ ra nước ngoài sinh rồi bán con. Nghèo đói, lại nghe đến khoản tiền lớn, chị M. đã đồng ý làm theo gợi ý của Lý. Sau đó, Lý và chị M. được Oanh hướng dẫn sang Trung Quốc.
Ngày 20/9/2018, vợ chồng Oanh đưa chị M. và L. đi khám thai, trên chuyến xe hôm đó còn có Lý và Tiến. Điều không may đã xảy ra khi chiếc xe ô tô gặp nạn tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Hậu quả, thai phụ Moong Thị L. bị chết tại chỗ. 4 người khác gồm Oanh, Lý, Tiến và chị M. bị thương được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Quá trình điều trị tại bệnh viện, chị M. vượt cạn thành công. Đến ngày 1/1/2019, Oanh, Lý, Tiến và mẹ con chị M. bị lực lượng chức năng trục xuất về Việt Nam do nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc. Sau khi trở về Việt Nam ba đối tượng Moong Thị Ba, Xeo Thị Tiến và Moong Thị Lý bị cơ quan công an truy tố về tội Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài. Riêng đối với Moong Thị Oanh do đối tượng này bỏ trốn khỏi địa phương nên cơ quan chức năng ra quyết định truy nã.
Kết cục đau lòng cho bị cáo lẫn nạn nhân
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa ba bị cáo Moong Thị Ba, Xeo Thị Tiến và Moong Thị Lý ra xét xử sơ thẩm về tội Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài. Do đang nuôi con nhỏ nên Moong Thị Lý được tại ngoại. Đến tham dự phiên tòa, Lý địu theo đứa con mới 7 tháng tuổi. Chồng không đi nên bị cáo phải gửi con cho một người phụ nữ cùng bản để lên hầu tòa. Xa mẹ, đứa trẻ liên tục khóc gắt ngoài hành lang tòa.
Trước bục khai báo, bị cáo Moong Thị Lý cho biết vẫn chưa hết bần thần sau lần thoát chết sau vụ tai nạn. Bị cáo thừa nhận vì hám lợi trước những đồng tiền từ việc đưa thai phụ sang Trung Quốc chờ sinh con rồi bán nên đã tham gia vào việc phạm pháp này. Bị cáo xin được giảm nhẹ hình phạt để về chăm sóc đoàn con ở quê nhà.
Trong khi đó, bị cáo Tiến cho rằng mình không đưa người sang bên kia biên giới để bán mà do chị Moong Thị L. nhờ tìm mối bán con nên đã giúp đỡ. Bị cáo cũng cho biết chưa nhận được khoản tiền công nào từ việc làm trên. Tuy nhiên, trong lời nói sau cùng, bị cáo Lý đã nhận ra lỗi lầm của mình nên xin tòa giảm nhẹ hình phạt để về lo cho chồng con vì “cuộc sống gia đình khổ lắm”. Còn với những bị hại, sau quyết định bán con khiến họ cảm thấy hối hận. Tiền bán có được nhờ bán con người thì sửa lại nhà, người thì mua sắm đồ trong gia đình. Hết tiền, cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo.
Nhưng điều khiến những người mẹ hối hận hơn cả là việc rất nhớ đứa con bị bán mà đành bất lực. Sau cái chết của thai phụ Moong Thị L. tại Trung Quốc, nhiều người đã bắt đầu thấy sợ. Cùng với đó, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân không được bán con nên thực trạng này bước đầu được kiểm soát tại miền núi Nghệ An.
Nhiều địa phương như xã Hữu Kiệm cán bộ phải trông chừng những người phụ nữ mang thai để ngăn chặn việc sang Trung Quốc bán con. Với tội Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài, HĐXX đã tuyên phạt Moong Thị Ba, Xeo Thị Tiến mỗi bị cáo 18 tháng tù; Moong Thị Lý 12 tháng tù. Do Oanh đã bỏ trốn cơ quan chức năng ra quyết định truy nã nên tách thành vụ án khác khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Quy định của Luật còn vướng mắc
Tuy thời gian qua, công an một số địa phương phát hiện một số vụ việc khi các đối tượng đang trên đường đưa người phụ nữ mang thai đi Trung Quốc để sinh rồi bán con cho người Trung Quốc, nhưng giai đoạn này, người mẹ chưa sinh, nên nếu truy tố về tội “mua bán người” hoặc “mua bán người dưới 16 tuổi” theo điều 150, 151, Bộ luật Hình sự thì không phù hợp và chưa có văn bản nào hướng dẫn truy tố về hành vi này. Hiện nay chưa có quy định pháp luật điều chỉnh đối với hành vi mua bán bào thai. Từ khó khăn, vướng mắc như nêu trên, thiết nghĩ, cần nhanh chóng bổ sung các quy định xử lý tội phạm mua bán bào thai để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi nguy hiểm này. Về công tác phòng ngừa, các cơ quan chức năng cũng cần có sự phối hợp, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, để cảnh báo hiện tượng này đến quần chúng nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi có trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.