Nếu cuộc đời là một cuốn phim thì ai trong mỗi chúng ta sẽ vào một vai diễn được sắp đặt sẵn trong đó. Và dù có muốn hay không thì chúng ta vẫn phải hoàn thành hết vai diễn của mình mà chẳng thể trốn tránh, thoái thác. Trong cuốn phim cuộc đời, mỗi vai diễn đều phải bộc lộ, trần trụi trước những sóng gió, thác ghềnh qua mỗi phân đoạn mà số phận chính là đạo diễn sắp đặt, dàn dựng.
Những con người đi qua màn đêm, có thể coi là vào vai phản diện trong đó thường bị coi là bản lỗi của tạo hóa từ nhân cách đến hình hài. Theo định luật sinh tồn trong xã hội là đào thải, giống như một tờ giấy nháp xong, bị vo lại ném vào sọt rác. Dù vậy, họ vẫn có quyền mơ ước và khát khao. Nơi nào đó trên đất mẹ, họ đang cúi đầu bước đi trên con đường cải hóa nhân cách với những mơ ước nhỏ nhoi...
Bình yên giữa chốn hoang tàn
Quãng thời gian niên thiếu của mỗi con người đều chứa đựng những khoảnh khắc đẹp nhất trong tâm hồn,nhưng ở đó cũng có thứ làm mất đi sự ngây thơ của tuổi trẻ để giữ con người trưởng thành,có cả thứ tác động lên hành vi khiến con người trượt ngã.
Người đời bảo, môi trường sống xung quanh thường tác động lên hành vi của mỗi con người về sau. Chẳng thế mà, người ta thường chọn nơi trường học, nhà văn hóa làm nhà. Còn nơi chợ búa thì dành cho dân buôn bán, phi thương bất phú, mải mê kiếm tiền hơn giáo dục con cái. Bố mẹ nó lại chọn nơi xây nhà, cất cửa sát đường tàu hỏa.
Chẳng biết phải do bố mẹ nó chọn hay số phận chọn cho gia đình nó. Nhà nó vỏn vẹn chỉ 30 mét vuông, Mở cửa bước thẳng năm bước chân là chạm ngay vào ray đường sắt. Ngày hai lần tàu qua lại, khối sắt dài xù xì bởi mưa nắng, thời gian cứ mỗi lần ngang qua nhà nó lại làm rung lắc mọi vật dụng trong đó. Tiếng động bùng nhùng nó đẩy vào không gian khiến màng nhĩ như muốn rách ra.
Người mới đến thì sẽ có cảm nhận vậy chứ, như hàng ngàn nhân khẩu sống ở đây thì đã quá quen thuộc. Tới mức nếu hôm nào nó qua muộn giờ thì lại ngẫm nghĩ, đồn đoán và chờ đợi. Họ coi nó như một phần của sự sống.
Cũng phải thôi, ở cái thành phố cảng đất chật người đông này thì có chỗ mà chui ra chui vào cũng là mơ ước của biết bao người dân quê lao động. Còn khu đường tàu này có thể ví như khu ổ chuột, rách nát nhất thành phố hoa phượng này. Nơi đây tập trung đủ loại thành phần dân lao động, từ nhặt rác, đạp xích lô cho tới buôn bán đủ cả. Vạn kiếp nghèo khó, khốn khổ như được quy tụ lại, để chung vào đoạn đường này. Đời bảo “Phú quý sinh lễ nghĩa”, còn đám nghèo hèn nơi đây thì sinh đạo tặc, sinh đủ trò lưu manh, trộm cắp. Cũng chẳng sai nếu ai đã từng sống trên đoạn đường này hẳn sẽ cảm nhận được.
Dù nghèo khó, bần hàn, nhưng bản chất người nơi đây không giống dân quê là đùm bọc, là chia sẻ. Hầu hết nhà nào biết nhà đấy, họ coi trốn này là bước đệm, mảnh đất mưu sinh chung để tìm cơ hội ra đi, vứt lại những thứ rách nát đúng nghĩa của nó. Cũng bởi có một thứ vô hình vừa thôi thúc, vừa chi phối họ,thứ mà cả xã hội đặt cho cái tên thể hiện rõ tất cả là tệ nạn.
Trong ký ức của Hương vẫn còn hình ảnh nhà ga và những chuyến tàu tấp nập như chuyến tàu của cuộc đời không biết đâu là ga cuối. |
Bố mẹ nó cũng chỉ bởi mưu sinh mà phiêu bạt tới đất này. Bố quê Nam Định, ở sát biển và thời thơ ấu của ông cũng gắn liền với biển, bám biển mưu sinh. Mẹ sinh ra ở Thủy Nguyên, một vùng quê nghèo vùng ven thành phố này. Nhà đông anh chị em, mẹ nó phải đi làm thuê, làm mướn tại khô cảnh để phụ giúp gia đình.
Mẹ nó kể, cái dải hàng quán quanh khu cảng biển ngày xưa là chỗ cho mẹ miếng ăn, áo mặc. Hết rửa bát thuê, chạy bàn, tới cả bốc vác, cửu vạn mẹ nó đều làm tất, cứ ai thuê mướn là làm. Cái bụng không chỉ của riêng mình, mà còn cả đám em thơ ở nhà đang réo lên ùng ục vì đói chẳng cho chân tay mẹ nó nghỉ ngơi. Đàn ông vác thế nào, bê bao nhiêu, bốc kiểu gì thì mẹ nó làm như thế. Minh chứng theo thời gian vẫn nguyên dấu vết trên đôi bàn tay, bàn chân của mẹ, to, chai và thô kệch.
Bố mẹ gặp nhau cũng bắt đầu từ bến cảng đó. Bố theo tàu chủ hàng ở quê đi làm thuê, hàng hóa đổ về cảng này. Họ quen nhau trong một lần mẹ làm cửu vạn, rồi sau đó chỉ biết rằng, khi nó gần chào đời thì bố mới bỏ quê ra đất này ở hẳn để nó có một gia đình hoàn chỉnh. Ngày bé, gia đình nó ở những đâu hầu như chẳng lưu lại vết tích trong ký ức. Nhưng nó nhớ rằng, bắt đầu vào học lớp 1, gia đình nó chuyển về bên khu đường tàu ở hẳn. Và mọi ký ức có thể lưu lại bắt đầu từ đây.
Căn nhà cấp bốn, mái ngói đã đổi màu rêu mốc, với những tia nắng có thể xuyên qua là tuổi thơ của nó. Nhỏ bé nhưng chứa đựng đủ thứ linh kính chồng chất lên nhau chẳng theo hàng lối. Một chiếc giường dành cho cả ba người trong đó vừa ăn cơm, vừa ngủ nghỉ. Không gian còn lại để chứa đủ thứ đồng nát, hỏng hóc mà cuối một ngày mẹ nó đèo về phân loại ra. Người bạn duy nhất ngày đó của nó là chiếc tivi đen trắng mà bố mang ở đâu về, và ông cũng là người duy nhất “bảo” được nó lên hình. Căn nhà đó không treo bất cứ một tấm ảnh nào trong ký ức của nó. Cũng bởi giữa họ không có một đám cưới nào diễn ra, dù chỉ là một mâm cỗ nhỏ.
Tại nghèo đói ngày đó luôn đeo bám họ. Cần cù, chăm chỉ dùng sức lao động để đổi lấy cân gạo, mớ rau. Ngày qua ngày, mồ hôi đấm lưng áo mà cũng chẳng no đủ. Mâm cơm đặt ra, miếng nào ngon đều từ đôi đũa của bố, của mẹ phủ hết lên bát cơm của nó. Vô tư ăn như lẽ tự nhiên của lứa tuổi, vô tư lớn lên trong sự yêu thương vô điều kiện đó chẳng phải lo nghĩ. Mảnh kí ức đó lưu lại trong ngăn yêu thương của tâm hồn nó như một liều thuốc bình tâm.
Những ngã rẽ cuộc đời
Tuổi thơ nó sống trong cái mớ hỗn độn, bần cùng của cuộc đời, vậy nhưng đó lại là những ký ức đẹp nhất trong tâm trí. Ngôi trường nó học cũng đi men theo ta luy đường sắt là tới. Đó là một mái trường dành cho những đứa trẻ cũng hoàn cảnh tương tự như nó. Ngày qua ngày, mẹ dắt nó tới trường rồi mới bắt đầu cuộc mưu sinh. Hai thanh ta luy sắt đó làm nổi bật một con đường giữa trùng trùng những căn nhà tạm bợ đủ màu sắc do bạt phủ tạo nên. Nhìn nó chạy dài trên nền đá xanh, chẳng có điểm cuối,
Nhưng trên đó chỉ cần rẽ sang bất cứ bên nào, cũng là một điểm có thể dừng chân. Cũng giống như lựa chọn của con người trên cuộc đời vậy, có thể biết nơi đến nhưng chẳng thể biết ở đó có những gì đang chờ đợi họ. Nó thích tới trường thay vì ở nhà một mình với mớ đồng nát bốc mùi. Ở đó nó có những người bạn đồng trang lứa, có thể nô đùa, chạy nhảy và làm những điều mình thích. Nhưng điều đó chỉ có thể cảm nhận từ những tâm hồn ngây thơ, vô tư của trẻ thơ. Bởi sau này, nhiều lúc nó từng ước ao trở lại sống trong những ngày tháng đó.
Nó giống bố nên ngay từ nhỏ đã mang trên khuôn mặt những nét lai, đẹp lạ. Sống mũi cao, đôi mắt to tròn với hàng mi dài cong vút, nếu bộ quần áo cũ sơn luôn mang trên mình mình được thay bằng váy công chúa thì hẳn ai cũng bảo đó là một tiểu thư con nhà đài các. Cái gen nó được hưởng tới giờ không tìm ra tung tích ban đầu. Như một câu chuyện bố kể với mẹ trong một đêm, nó nghe được thì bắt nguồn từ thời cụ nội.
Đó là những năm tháng chiến tranh khói lửa của đất nước. Ngày đó, đám người Tây có mặt khắp mọi nơi đầu làng ngõ xóm đàn áp dân nghèo bản địa. Và trong một cuộc đàn áp, cụ nội khi đó chỉ mới 17 tuổi, bất hạnh là một trong số những nạn nhân của chúng. Sau cái đêm nhơ nhuốc đến cùng cực ấy, thì bà nội đã có mặt mặt trên đời mà chẳng biết bố mình là ai trong đám bọn chúng.
Vì cái gen lai ấy mang trên mình mà cả tuổi thơ bà phải sống trong sự ruồng rẫy, ghẻ lạnh của người đời khi đó. Một việc chẳng ai mong muốn, tạo ra một đứa trẻ ngây thơ bất hạnh từ nhỏ, mà nào có ai thương, ai hiểu cho nó. Cũng bởi dân trí kém và lòng căm hận với quân thù đã gây ra trên mảnh đất này, mà những nét lạ trên mặt đứa trẻ ấy vô tình trở thành nơi trút giận vô cớ của người đời.
Bố kể, cụ sinh ra bà nội, tóc màu hung, mắt màu xanh vậy nên đời cũ sống trong cô đơn tới tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Bà nội thì ngày nhỏ đi tới đâu cũng bị người ta mắng chửi, đám trẻ cùng trang lứa xa lánh, đánh đập. Cuối cùng phải bán căn nhà trên phố về ngôi làng sát cửa biển này sống để bớt người dòm ngó, đánh chửi. Bỏ lại chốn phồn hoa sau lưng về làm bạn với nắng và gió biển, cuối cùng thì bà cũng có người bầu bạn.
Dù thôn quê, dù thô kệch nhưng ở đó đong đầy tình nghĩa. Bố giống bà, mang một nét lai giống chàng lãng tử phương Tây,nhưng cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền không cho ông cái quyền được lựa chọn như mong muốn. Giữa cái đám tơ rối mưu sinh, ông lại chọn cho mình một người đàn bà thô kệch là mẹ nó. Nhưng cái đậm chất thôn dã ấy lại đựng cả trữ tình và hẳn đó là mảnh ghép ông cần cho cuộc đời mình. Quyết định chung sống với mẹ hẳn quá khứ đã trải qua của ông cũng quá khổ cực và cô đơn. Bởi có như thế mà họ mới có thể nảy sinh ra sự đồng cảm, để rồi cùng nhau san chia nhánh đời. Cái sợi gen truyền đời ấy, nó lại là người thừa kế mà chẳng biết vận mệnh có phải gánh những nỗi đau tiền kiếp.
Có nhiều giấc mơ đến rồi đi trong tuổi thơ nó. Có cái đơn giản được hiện thực hóa bởi mồ hôi của cha, nhọc nhằn của mẹ. Có cái thì mơ chỉ là mơ bởi ngoài tầm tay bố mẹ có thể ban phát hay lấy về cho nó. Nhưng tuổi trẻ mà, khi những vết lằn ký ức chưa thể định hình trong não thì qua thời gian nhanh chóng sẽ bị phai mờ. Nó càng lớn càng xinh, ngay cả sự nghèo nàn, quê mùa trong cách ăn mặc của nó cũng chẳng thể che giấu những nét đẹp ngày càng phát triển trên khuôn mặt và con người nó.
Người dân nơi xóm nghèo này, ai nhìn thấy nó cũng khen, cũng thích, mang đến cho nó sự xấu hổ, e thẹn của một thiếu nữ trước tuổi. Nét đẹp tuổi thanh xuân mơn mởn, căng tràn đầy nhựa sống của nó trong mắt họ như muốn báo hiệu một tương lai sang giàu phía trước. Có lẽ bởi cuộc sống ngâm lâu trong sự nghèo nàn, nên chỉ một từ “giàu” là có thể đủ diễn đạt những khát khao mong muốn của họ. Và đó cũng là từ cửa miệng để họ diễn đàn bất cứ suy nghĩ tốt đẹp nào trong đầu. Dân lao động khổ cực là vậy đấy, mọi thứ đều thô nhưng lại rất thật với cuộc đời.
Và cũng chính từ lúc nó biết xấu hổ, là lúc nó có những nhận thức rõ rệt về những xô bồ diễn ra hàng ngày xung quanh mình. Nó sống giữa sự khắc nghiệt của xã hội, nơi tụ tập đầy đủ người thập phương, tứ xứ bần cùng. Khu đường tàu, chợ Sắt Hải Phòng vốn luôn là điểm nóng nhức nhối về tệ nạn xã hội không chỉ riêng thành phố mà cả nước. Đủ người, đủ loại mạnh khóe và nghề nghiệp. Một trục đường ấy, góc này đĩ điếm, góc kia nghiện ngập, kẻ mua, người bán tấp nập cả ngày lẫn đêm khiến nó xô bồ, náo nhiệt trong sự lưu manh, lừa lọc.
Sát cạnh nhà nó ngày trước là hàng tạp hóa nhỏ của ông bà hàng xóm. Theo thời gian, con trai đủ lớn tiếp quản và biến nó thành một quán cà phê đèn mờ. Trước thỉnh thoảng nó vẫn chạy sang mua mắm muối cho mẹ, nhưng từ khi tấm biển “Cà phê” treo lên thì bố mẹ cấm tiệt. Ban đầu nó cũng thắc mắc chẳng hiểu vì sao nhưng vài lần chứng kiến cảnh đám đàn ông cả già lẫn trẻ bước tới cửa buông những lời tục tĩu với mấy ả đàn bà trong đó thì nó biết là xấu, dù chẳng thể rõ ngọn ngành, chi tiết. Cứ chiều chiều, nhìn mấy người đàn bà lớn tuổi hơn mình lả lơi trong váy áo thiếu vải, lòe loẹt bởi son phấn đứng cửa trêu ghẹo đám thanh niên qua đường là nó cảm thấy xấu hổ, sợ sệt mà chẳng biết vì sao.
Nơi nhà nó ở, chiều dài theo đường tàu bao nhiêu thì chẳng rõ, vậy nhưng chiều rộng chỉ cách nhau vài mét ngắn ấy thôi nhưng lúc nào cũng có vài đám thanh niên tụ tập nơi đó. Lúc vào thì mang vẻ mặt nhợt nhạt, đói khát, vậy nhưng sau lúc cùng nhau chúi đầu lại thì ánh mắt mơ màng, ngây ngây dại dại như kẻ mất hồn. Và phải mãi sau này nó mới hiểu, đám người đó nghiện ma túy. Cái thứ mà rất nhiều người dân nơi đây như dựa vào nó mà như sinh tồn.
Có người thì đạt được thứ mình mong muốn, đó là giàu sang và biến mất khỏi đây không chút dấu vết. Còn hầu hết còn lại bán cả cuộc đời cho nó mà chẳng thể kiếm nổi một đồng. Nó còn nhớ rất rõvào khoảng những năm 94, nơi đường sắt này đông đúc một cách nhanh chóng. Bất kể ngày đêm, hôm nào cũng vậy, đám người nghiện ngập đổ về đây sau khi đã kiếm được tiền để đổi lấy thuốc phiện hút chích. Đám người cả trai lẫn gái, ngồi dọc theo cái ray tàu sắt ấy mà hít, mà dùng bơm tiêm. Rồi nằm, ngồi ngổn ngang, la liệt tại đó mà phê pha. Nhìn cái cảnh hoang tàn người vật ấy là một đứa trẻ như nó sống ở đây cũng cảm thấy sợ hãi...
(Còn nữa)