Phố núi rúng động trước thông tin nữ cán bộ ngân hàng tuyên bố vỡ nợ gần 180 tỉ đồng

(PLVN) - Mặc dù chỉ là nhân viên hợp đồng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh tại Gia Lai nhưng bà Lê Thị Thương (SN 1988, ngụ đường Ama Quang, phường Hoa Lư, TP Pleiku) đã huy động và vay mượn số tiền lên tới gần 180 tỉ đồng. Đến khi không còn khả năng trả nợ, bà Thương đã đến công an trình báo và tuyên bố vỡ nợ. Sự việc gây rúng động dư luận phố núi và hiện cơ quan công an đã bước đầu vào cuộc điều tra.
Phố núi rúng động trước thông tin nữ cán bộ ngân hàng tuyên bố vỡ nợ gần 180 tỉ đồng

Nhân viên ngân hàng vỡ nợ gần 180 tỷ đồng

Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Gia Lai đang vào cuộc thụ lý điều tra vụ vỡ nợ gần 180 tỷ đồng xảy ra trên địa bàn TP Pleiku. Cơ quan công an cũng sẽ làm rõ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không.

Trước đó, ngày 29/6, bà Lê Thị Thương đến cơ quan công an trình báo việc mình tuyên bố vỡ nợ và đề nghị cơ quan công an can thiệp bảo vệ tài sản, tính mạng. Bà Thương cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng việc mình vay của 8 cá nhân với số tiền 178 tỷ đồng. Trong đó, người cho vay ít nhất là 1,8 tỷ đồng, người nhiều nhất lên đến hơn 130 tỷ đồng theo lãi suất hai bên thỏa thuận.

Theo cơ quan công an, bà Thương đã đi cùng một luật sư để tư vấn cho mình. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc và khai báo ban đầu, bà Thương luôn lấy cớ đau đầu và chỉ trình báo nhỏ giọt. Sau đó, cơ quan công an cũng đã mời, triệu tập bà Thương đến làm việc, nhưng bà này không đến. Khi biết thông tin bà Thương tuyên bố vỡ nợ gần 180 tỷ đồng, nhiều chủ nợ đã đi tìm.

Tuy nhiên, nhà bà Thương đã “cửa đóng then cài”. Nhiều người gọi điện thoại cho bà nhưng không liên lạc được. Theo tìm hiểu của phóng viên, người cho bà Thương vay nhiều tiền nhất là bà C.N.D.H. (ngụ phường Phù Đổng, TP Pleiku, nhân viên ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Gia Lai) với số tiền lên đến hơn 130 tỷ đồng. Số tiền này bà H. vay của nhiều người là đồng nghiệp, người thân và bạn bè.

Khi nghe thông tin bà Thương vỡ nợ, những người cho bà H. vay tiền đến đòi thì bà này bảo tất cả số tiền đã cho bà Thương vay lại. Do đó, một số người cho bà H. vay đã đến nhà bà Thương tìm hiểu, nhưng không được kết quả gì. Một người cho bà H. vay tiền cho biết, sở dĩ tin tưởng cho bà H. vay tiền là vì giữa 2 người đã nhiều lần vay mượn tiền nhau và thanh toán sòng phẳng.

 

Thêm vào đó, bà H. làm ở ngân hàng, chồng làm quân đội nên rất tin tưởng. Nhưng không ngờ, sau khi bà H. cho bà Thương vay lại thì bà Thương lại tuyên bố vỡ nợ. Ông Nguyễn Xuân Ngữ, phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Gia Lai cho biết, khi đơn vị hỏi để nắm tình hình thì bà H. thừa nhận có dùng số tiền của gia đình và vay mượn của nhiều người để cho bà Thương vay.

Tuy nhiên, bà H. không nói rõ số tiền bao nhiêu. Đồng thời ông Ngữ cũng cho biết, chị H là kế toán nội bộ của ngân hàng nên việc chị H cho vay hoàn toàn không liên quan đến hoạt động tín dụng của ngân hàng. Một người phụ nữ ngụ TP Pleiku cho biết, bà cho bà Thương vay ngắn hạn với số tiền gần 3 tỷ đồng, lãi suất do 2 bên tự thỏa thuận theo từng thời điểm. Số tiền này bà gom góp từ việc bán đất của gia đình và vay mượn thêm của một số anh em, họ hàng.

Khi vay mượn tiền, bà Thương nói dùng để đáo hạn ngân hàng và sẽ trả lại tiền trong thời gian ngắn. “Khi vay tiền, bà Thương còn thế chấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên người khác. Bà Thương bảo là vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng cho chủ sở hữu của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này. Tin tưởng cho vay nhưng bây giờ bà Thương tuyên bố vỡ nợ, tôi không biết phải làm như thế nào.

Nhiều ngày qua, căn nhà của vợ chồng Lê Thị Thương khóa trái cửa.
Nhiều ngày qua, căn nhà của vợ chồng Lê Thị Thương khóa trái cửa. 

Hiện tôi đang phải giấu gia đình, chưa dám nói ra”, người phụ nữ này cho biết. Theo hàng xóm của bà Thương thì trước đây, vợ chồng bà Thương đi làm suốt ngày và chỉ về nhà ngủ vào buổi tối. Hàng xóm chỉ gặp, tiếp xúc với gia đình bà Thương vào các ngày lễ. Trước thời điểm có thông tin bà Thương vỡ nợ, nhà bà có nhiều người ra vào, kể cả ô tô, xe máy. Tuy nhiên, thời điểm này lại đúng lúc bà Thương bị đau phải truyền dịch nên hàng xóm nghĩ họ đến thăm ốm đau.

Thế nhưng, từ tối 28/6, vợ chồng bà này đã đóng cửa căn nhà, rồi đi đâu không rõ, 2 đứa con nhỏ cũng đã được gửi về quê ở tỉnh Thanh Hóa trước đó. “Căn nhà bà Thương nằm cuối hẻm cụt, tài sản bên trong nhà chỉ có bộ bàn ghế gỗ là đáng giá nhất. Vợ chồng bà Thương cũng không buôn bán gì lớn, ngoài việc mở một quán ăn trên đường Phan Đình Giót.

Tuy nhiên, quán này cũng đã đóng cửa lâu nay. Thế nhưng, không hiểu sao nhiều người lại cho bà Thương vay với số tiền rất lớn”, một hàng xóm của bà Thương cho biết. 

Có hay không việc huy động vốn để lừa đảo?

Không chỉ tìm đến nhà, một số chủ nợ còn tìm đến BIDV Gia Lai nơi bà Thương làm việc để tìm bà nhưng không gặp. Trước sự việc này, BIDV Gia Lai đã ra thông cáo báo chí. Thông cáo cho biết, bà Thương là nhân viên thời vụ khoán gọn. Công việc chính của bà Thương là hỗ trợ hành chính, không liên quan đến hoạt động tín dụng, làm việc theo hợp đồng thời vụ.

Ngày 28/6, bà Thương đã trình báo cơ quan công an về việc vỡ nợ, cung cấp thông tin cho công an về việc mất khả năng chi trả số tiền lên tới khoảng 150 - 200 tỷ. Trong đó, người cho vay nhiều nhất lên đến số tiền hơn trăm tỷ. “Việc vay mượn của bà Thương là công việc làm ăn cá nhân. Đến nay, chi nhánh chưa phát hiện có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chi nhánh. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra và chưa có kết luận cuối cùng”, thông cáo nêu.

Ông Trần Văn Chương - Giám đốc BIDV Gia Lai, cho biết: “Bà Thương làm việc theo hợp đồng thời vụ và đã có thâm niên làm việc 10 năm tại ngân hàng, còn chồng của bà là nhân viên kỹ thuật tại chi nhánh. Hiện vợ chồng bà đã xin nghỉ phép. Ngân hàng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm rõ thông tin, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật”. Có một số thông tin cho rằng bà Thương đã đưa một số tiền rất lớn cho một người quen để buôn bán bất động sản. Người này sau đó đem tiền mua nhiều lô đất có diện tích lớn nhằm mục đích “phân lô bán nền”.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua việc các cá nhân tự ý “phân lô bán nền” phá vỡ quy hoạch của thành phố nên đã bị cơ quan chức năng xiết chặt quản lý khiến nhiều lô đất không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng nên không giao dịch được khiến những nhà đầu tư khó khăn về tài chính. Thế nhưng, đa số những nạn nhân cho bà Thương vay tiền cho biết: Khi mượn tiền, bà Thương đa số đều nói dùng tiền để đáo hạn ngân hàng chứ không nói là để mua bán đất.

Đại tá Rah Lan Lâm - Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, cho biết: “Sau khi nắm thông tin vụ việc, Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Công an TP Pleiku và các đơn vị nghiệp vụ xác minh, nắm rõ thông tin, danh sách bị hại. Đồng thời, chỉ đạo Công an TP Pleiku đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tránh để xảy ra những tình huống xấu. Vụ việc hiện vẫn đang được điều tra, làm rõ”. Được biết, ngày 30/6, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh sự việc trên. 

Đọc thêm