Kế thừa thành tựu chung của đất nước, phát triển tư duy, tầm nhìn, kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng phát huy tiềm năng, thế mạnh tiếp tục lãnh đạo địa phương tiến nhanh và bền vững.
Xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ từ những quy hoạch chiến lược
Năm 2012 Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng quy hoạch chiến lược, cũng là địa phương hiếm hoi huy động được hàng trăm tỷ đồng vốn xã hội hóa để xây dựng quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh thời kỳ đó thể hiện sự táo bạo, đột phá một cách khoa học khi mời những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới đến Quảng Ninh nghiên cứu và lập quy hoạch. Đó là các hãng tư vấn tên tuổi như McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)…
Đến năm 2014, Quảng Ninh đã công bố công khai 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đây, tỉnh đã xác định rõ không gian phát triển theo hướng “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều” với 2 mũi đột phá là Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái. Tâm TP Hạ Long là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh, tuyến hành lang Đông - Tây được ví là “đôi cánh” để Quảng Ninh hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh, mạnh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của đất nước.
|
Sau gần một thập kỷ nhìn nhận và đánh giá, Quảng Ninh cho thấy đang đi đúng hướng theo các quy hoạch đã được lập, công bố và phát huy hiệu quả. Các quy hoạch không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển, là công cụ của công tác quản lý nhà nước, khung pháp lý cho việc đầu tư các lĩnh vực, là cơ sở để các cấp, ngành lập kế hoạch xây dựng những chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, giải phóng các tiềm năng, thế mạnh, mà còn là động lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh, khẳng định: “Công khai quy hoạch là một cách thể hiện quyết tâm phá bỏ tư duy nhiệm kỳ, chúng tôi công khai quy hoạch địa phương để người dân biết và giám sát. Quy hoạch đó sẽ được thực hiện từng bước, như một lời cam kết của chính quyền với người dân, dù ai làm lãnh đạo, dù một hay nhiều nhiệm kỳ cũng sẽ kiên trì thực hiện quy hoạch đó”.
Đáng chú ý, chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thể hiện tầm nhìn xa của tỉnh Quảng Ninh trong chiến lược phát triển bền vững.
“Triết lý” lấy con người là trọng tâm, xây dựng nền tảng vững chắc tạo đà phát triển
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của các cấp ủy tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ, tạo nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm kỳ.
Có thể khẳng định, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với nhiều mô hình mới, đột phá đã trở thành nhân tố cơ bản, là nguồn gốc của những thành tựu toàn diện của Quảng Ninh suốt nhiều năm qua, nhất là 5 năm gần đây.
|
Quảng Ninh lấy con người là trọng tâm, xây dựng nền tảng vững chắc tạo đà phát triển. Ảnh minh họa. |
Bước tiến bộ quan trọng của công tác xây dựng Đảng là cội nguồn dẫn dắt kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, với tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,7%/năm, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra, cao hơn so với bình quân chung cả nước; thu nội địa luôn trong nhóm tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới. Đẩy nhanh sự chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; Quảng Ninh là một trong năm tỉnh, thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước; làm tiền đề căn bản và động lực quan trọng để trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ phát triển hiện đại trong tầm nhìn năm 2030.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam từng chia sẻ: Ông đã đến Quảng Ninh rất nhiều lần trong những năm qua, mỗi lần ông đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt bộ mặt của tỉnh theo hướng tích cực. Ông đánh giá để đi đúng hướng thì cần có quy hoạch bài bản, nhưng để hiện thực hóa được quy hoạch thì Quảng Ninh cần một bộ máy làm việc xứng tầm. Đến nay lãnh đạo tỉnh đã rất thành công khi tạo ra một bộ máy làm việc năng động, hiệu quả, tinh gọn và xứng tầm công việc.
Trong mỗi bước đi, Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; gắn các mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội bảo đảm toàn diện và phù hợp. Quảng Ninh đi những bước khá toàn diện và vững chắc.
Tỉnh là một trong những địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” phát triển không ngừng, được Chính phủ chỉ đạo nhân rộng trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2020 ước đạt hơn 6.700 USD, gấp hơn hai lần mức bình quân chung cả nước.
Nhà lãnh đạo cần có ý tưởng, có tầm nhìn nhưng cũng phải biết cách tạo ra một bộ máy thực thi hiệu quả. Nếu lãnh đạo tỉnh có quyết tâm, tầm nhìn xa đến mấy mà bộ máy bên dưới ì ạch, thiếu năng lực thì cũng không thể hiện thực hóa được tầm nhìn, quyết tâm của lãnh đạo. Quảng Ninh đã thể hiện được điều này trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua.
Điều đáng ghi nhận của Quảng Ninh, đó chính là công tác quản lý nhà nước tiến bộ, hiệu lực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quản lý kinh tế, xã hội. Chính trị - xã hội ổn định.
Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
|
Sân bay quốc tế Vân Đồn. |
Minh chứng hùng hồn cho những thành tựu đáng ghi nhận đó là trong nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn là “Điểm sáng tiên phong đổi mới” trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính hướng tới “nền hành chính phục vụ”. Đúng như lời Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chia sẻ: “Quảng Ninh là cái nôi của mô hình cải cách hành chính hiệu quả của cả nước”
Nhìn tổng thể, có thể khẳng định, Quảng Ninh phát triển nhanh, nhiều mặt bền vững, tiếp tục là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn và lan tỏa quan trọng của miền bắc một cách toàn diện và vững chắc.
Một Việt Nam thu nhỏ, hội tụ nhiều kỳ quan thiên nhiên hiếm có
Bên cạnh những giá trị về con người và văn hóa, Quảng Ninh được ví như một Việt Nam thu nhỏ - Nơi có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới, tài nguyên khoáng sản, hội tụ đầy đủ tinh hoa về cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, đặc sắc, hiếm có.
Khi nhắc đến Quảng Ninh không ai là không nghĩ tới Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Với diện tích 1.553km2, Vịnh Hạ Long là nơi hội tụ của gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên mặt nước tạo ra một cảnh quan tuyệt đẹp, đường nét kỳ vỹ, đẹp mắt, mê hoặc, đắm say lòng người, đã được du khách trong nước và quốc tế hết lời ca tụng.
Với kiến tạo địa chất đặc biệt hình thành từ hàng nghìn năm trước, Vịnh Hạ Long chứa trong mình nhiều đảo đá có hình dáng đẹp lạ kỳ, như: Hòn Gà Chọi, Đỉnh Hương, Con Cóc…, cùng với đó là hàng trăm hang động có cảnh sắc vô cùng đặc biệt, huyền ảo mà thiên nhiên kiến tạo nên như: Hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, Bồ Nâu, động Mê Cung, hang Luồn…
Sự kết hợp giữa môi trường, khí hậu, địa chất đã đưa Vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng, biển, ven bờ với nhiều loài động, thực vật đặc hữu mà không nơi nào có được.
Với những giá trị vô giá đó, từ năm 1962, Vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia. Ngày 12/8/2009, Vịnh Hạ Long được Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 1 năm 2009). Ngày 8/7/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao tặng danh hiệu Khu du lịch hàng đầu Việt Nam 2017 cho Vịnh Hạ Long.
Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Lần thứ nhất vào ngày 17/12/1994, UNESCO đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ theo tiêu chí của Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới. Ngày 2/12/2000, UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ 2 theo tiêu chí về giá trị địa chất - địa mạo. Đặc biệt, ngày 27/4/2012, Tổ chức New Open World đã trao tặng danh hiệu Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới mới cho Vịnh Hạ Long.
Cùng với những giá trị nội tại đã được bồi đắp từ nhiều nhiệm kỳ qua, kết hợp với tầm nhìn chiến lược dài hạn, sự quyết liệt, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành của các thế hệ lãnh đạo Quảng Ninh và những lợi thế so sánh mà thiên nhiên ban tặng, Quảng Ninh đã và đang hội tụ đầy đủ “Thế” và “Lực” để “cất cánh” mạnh mẽ, phát triển trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một đô thị văn minh hiện đại xứng tầm khu vực và quốc tế trong thời gian không xa.