“Quý tử” lừa đảo đẩy cha mẹ già vào cảnh tán gia bại sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày con trai nhận quyết định chính thức trở thành nhân viên của một ngân hàng lớn, vợ chồng ông S. vô cùng vui mừng. Không ngờ 7 năm sau, vợ chồng ông bàng hoảng khi biết con mình là kẻ lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng. Đến lúc này, vợ chồng ông cũng mới biết đứa con độc nhất không phải là nhân viên ngân hàng. Để cứu con, hai vợ chồng già đành phải bán nhà để trả nợ cho con.
Bị cáo Bùi Hữu Thắng.
Bị cáo Bùi Hữu Thắng.

Chiêu lừa đảo tinh vi

TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Hữu Thắng (35 tuổi, trú phường Trung Đô, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) với 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Bùi Hữu Thắng là đứa con độc nhất của vợ chồng ông Bùi Văn S. Vợ chồng ông là bộ đội về hưu nên sau khi con trai tốt nghiệp đại học, họ đều mong muốn  Thắng tìm được công việc phù hợp. Về phần Thắng, sau khi cầm tấm bằng cử nhân Công nghệ thông tin, thanh niên này lại chuyển hướng muốn làm việc tại ngân hàng. 

Theo trình bày của Thắng, thông qua bạn bè, Thắng quen biết Nguyễn Khắc Tùng, người này tự xưng là nhân viên ngân hàng Vietcombank Việt Nam có trụ sở ở Hà Nội. Thắng đã đưa cho Tùng 300 triệu đồng để xin vào làm nhân viên của ngân hàng trên. Sau đó, Thắng được Tùng đưa quyết định trở thành nhân viên chính thức của ngân hàng. Nhưng không lâu sau, Thắng phát hiện đó là quyết định giả. Dù vậy, khi nghe Tùng nói số tiền 300 triệu trước đó sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm với lãi suất cao nên Thắng không ý kiến gì. 

Dù không xin được việc, nhưng Thắng đã lừa dối bố mẹ việc mình trở thành nhân viên chính thức của ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nghệ An. Thắng đưa quyết định giả về cho bố mẹ xem. Nghĩ con trai tìm được công việc ưng ý, vợ chồng ông S. vô cùng vui mừng. 

Về phần thắng, dù không có công việc, không phải là cán bộ ngân hàng Vietcombank nhưng thanh niên này đã lừa đảo nhiều người để lấy tiền tiêu xài. “Con mồi” mà Thắng nhắm đến là những người giàu có. Thắng không trừ bất cứ ai  kể cả người thân, họ hàng của mình.

Người cha của bị cáo cho biết gia đình đã phải bán nhà để trả nợ cho con.
Người cha của bị cáo cho biết gia đình đã phải bán nhà để trả nợ cho con. 

Khi tiếp xúc Thắng đưa ra thông tin ngân hàng đang có chương trình huy động vốn dành riêng cho nhân viên của ngân hàng gửi tiền tiết kiệm với lãi suất cao hoặc xin được việc làm vào cơ quan nhà nước. Để lấy lòng tin của bị hại, Thắng làm giả các giấy tờ, thủ tục liên quan đến việc tiếp nhận số tiền, hình thức góp vốn như: Biên bản huy động vốn; thông báo về việc kéo dài hạn định cho hợp đồng; giấy hẹn tất toán…của ngân hàng để đưa cho bị hại. 

Thậm chí, khi bị hại yêu cầu rút tiền về để lo việc cá nhân, Thắng yêu cầu nộp nhiều khoản phí để làm thủ tục mới rút ra được. Do đó, các bị hại đã tiếp tục đưa thêm tiền cho Thắng với hy vọng lấy tiền mình đã gửi về. Ngoài ra, để củng cố thêm lòng tin với các bị hại, quá trình bị các nạn nhân yêu cầu trả lại tiền, Thắng đã viết nhiều giấy cam đoan là sẽ trả lại số tiền trên cho họ.

Bằng thủ đoạn gian dối trên, trong vòng 7 năm từ 2011 - 2018, Bùi Hữu Thắng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 9 người với số tiền gần 11 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị L. (trú TP. Vinh) bị Thắng lừa đảo số tiền nhiều nhất. Nạn nhân này đã đưa cho Thắng tổng cộng 3,8 tỷ đồng với mục đích gửi ngân hàng lấy lãi suất cao.

Để không bị nghi ngờ, Thắng sử dụng 6 tài liệu giả của ngân hàng đưa cho bà L. xem như: Biên bản huy động vốn; thông báo về việc kéo dài hạn định cho hợp đồng; giấy hẹn tất toán… Đến khi bà L. có việc muốn rút tiền ra thì Thắng yêu cầu phải đóng phí rút tiền. Do đó, bà L. đã nhiều lần đưa cho Thắng gần 1,4 tỷ đồng tiền phí. Như vậy, tổng số tiền mà Bùi Hữu Thắng lừa đảo, chiếm đoạt của bà L. là gần 5,2 tỷ đồng.

Cha bán nhà, mẹ bạo bệnh không có nơi tá túc

Hầu tòa, bị cáo Thắng thừa nhận hành vi nhận tiền của các bị hại. Tuy nhiên, về số tiền gần 11 tỷ đã nhận của các bị hại, Bùi Hữu Thắng khai đã đưa hết cho người đàn ông tên Nguyễn Khắc Tùng. Tuy nhiên, khi bị HĐXX và các bị hại chất vấn hiện Tùng đang làm gì, ở đâu, địa chỉ cư trú chỗ nào thì bị cáo trả lời “không biết”.

Một bị hại trình bày, sau nhiều lần truy hỏi Thắng về số tiền đã nhận, bà đã cùng Thắng ra Hà Nội tìm nhân vật “bí ẩn” này. Nhiều ngày đứng đợi ở trụ sở Vietcombank Việt Nam, Bùi Hữu Thắng gọi điện cho người đó nhưng nhân vật trên không xuất hiện. “Chờ đợi chán, tôi chỉ biết ngậm ngùi ra về. Chúng tôi không biết nhân vật tên Tùng có thật hay không nhưng đề nghị Thắng phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt”, một bị hại yêu cầu. 

Trước yêu cầu của các bị hại, Thắng khai hiện không có khả năng trả nợ. “Bị cáo và vợ đã ly hôn, hiện không có tài sản gì. Số tiền gần 11 tỷ liên quan đến vụ án, bị cáo đã đưa hết cho anh Tùng rồi, bị cáo chỉ được anh ấy trích 2% hoa hồng thôi”, Thắng khai trước tòa. 

Tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bố của bị cáo trình bày: từ ngày phát hiện con trai lừa đảo, vợ chồng ông rất sốc. “Suốt thời gian dài, chúng tôi cứ nghĩ con mình là nhân viên ngân hàng cho đến khi công an đến nhà điều tra vụ lừa đảo. Bởi hàng ngày, thấy Thắng đi làm rồi về nhà theo giờ hành chính nên gia đình không biết chuyện”, ông nói. 

Cũng theo ông S. có thời gian ông đứng ra viết giấy nhận tiền của các bị hại rồi đưa cho con. Những lần đó vì Thắng vắng nhà, số tiền ấy khoảng 800 triệu đồng. Sau khi công an vào cuộc điều tra, dù không hưởng lợi đồng tiền nào từ khoản ấy nhưng ông S. đã trả lại tiền cho các bị hại. “Để có khoản tiền lớn ấy vợ chồng tôi quyết định bán nhà.

Hiện, vợ chồng tôi đang thuê phòng trọ để ở tạm. Hàng loạt chuyện buồn ập đến khiến vợ tôi đang bị bệnh hiểm nghèo càng nặng hơn. Mấy hôm nay, bà ấy đang cấp cứu tại bệnh viện, tôi phải nhờ người canh chừng để đến tòa. Hiện giờ, vợ chồng tôi không có tài sản gì để trả giúp cho con cả. Ngay cả sổ lương hưu của vợ chồng tôi cũng đều đã cầm cố để lấy tiền chữa bệnh cho vợ”, bố của bị cáo nói. 

Bùi Hữu Thắng nói đã biết việc bố mẹ bán nhà. Tại tòa, bị cáo đã gửi lời xin lỗi bố mẹ, người thân, đồng thời quay xuống xin lỗi các bị hại. 

HĐXX nhận định, hành vi lừa đảo của bị cáo là nghiêm trọng nên cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, trong vụ án này các bị hại cũng có một phần lỗi khi đã thực hiện các giao dịch mà không đến trụ sở ngân hàng. Xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ HĐXX tuyên phạt Bùi Hữu Thắng tù chung thân. Buộc bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã lừa đảo của các bị hại.

Về người đàn ông tên Nguyễn Khắc Tùng mà Thắng khai đã nhận tiền của bị cáo, Cơ quan điều tra công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành xác minh tại Ngân hàng Vietcombank Việt Nam cho kết quả, từ trước đến nay ngân hàng này không có nhân viên nào tên là Nguyễn Khắc Tùng như lời Thắng khai.

Đọc thêm