Bán con lấy tiền
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An vừa phối hợp Tổ chức trẻ em Rồng Xanh và Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bàn giao 3 thai phụ cho gia đình. Các thai phụ này đều là người dân tộc Khơ Mú, quê ở huyện miền núi Kỳ Sơn, đang trên đường sang Trung Quốc bán bào thai thì bịcơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Người trẻ nhất trong 3 thai phụ trên là Lữ Thị N., cô mới 18 tuổi nhưng mang bầu 5 tháng. N. kể, đứa bé trong bụng là kết quả mối tình giữa cô và một chàng trai cùng xã. Dù đôi bạn trẻ tự nguyện đến với nhau nhưng mối tình của họ không được gia đình hai bên chấp nhận.
Bị gia đình cấm cản, người yêu lại không dám đứng ra bảo vệ, cô gái 18 tuổi lâm vào bế tắc, cùng quẫn. N. không dám phá thai nhưng suy nghĩ “nếu đẻ ra thì lấy gì để nuôi con?”. Lúc này, cô sực nhớ đến Lương Thị Săn (SN 1992) người cùng xã, lấy chồng Trung Quốc từ lâu, năm ngoái có về quê. N. trút bầu tâm sự với người chị cùng quê thì được tỉ tê sang Trung Quốc bán con vừa có tiền, vừa có người nuôi con chomình. Nghe vậy, N. như tìm được lối thoát cho cái thai trong bụng nên đồng ý sang Trung Quốc bán bào thai theo hướng dẫn của Săn.
Một ngày cuối tháng 3/2021, N. bắt xe khách ra tỉnh Quảng Ninh. Trong khi thuê nhà nghỉ chờ người của Săn tổ chức vượt biên sang Trung Quốc, Lữ Thị N. vô tình gặp Ven Thị C. (SN 1988), thai phụ đang mang thai tháng thứ 5. C. cho hay đang chờ người của Ven Thị Son(trú xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, hiện lấy chồng, sinh sống ở Trung Quốc) đưa sang Trung Quốc sinh con để bán.
Thai phụ Ven Thị C. từng có chồng, có một gia đình hạnh phúc với đứa con đầu lòng. Thế nhưng, khi cô vừa mang bầu đứa thứ 2 thì chồng lâm bệnh hiểm nghèo và qua đời. Nghèo đói, không có công ăn việc làm, được người khác tỉ tê sang Trung Quốc bán bào thai sẽ có một khoản tiền kha khá về trang trải cuộc sống, nên C. gật đầu đồng ý. Sau khi gửi đứa con đầu cho người thân, C.gấp vội ít bộ quần áo để bắt đầu hành trình sang xứ người bán đi cốt nhục của mình.
Phòng Cảnh sát Hình sự và Tổ chức trẻ em Rồng Xanh đưa các thai phụ về bàn giao cho gia đình. |
Trong 3 thai phụ quyết định vượt biên bán bào thai, có lẽ trường hợp của Moong Thị S. (SN 1995) éo le hơn cả khi bị bạn trai “quất ngựa truy phong”. Khuôn mặt quắt lại, nước da xanh tái, dáng đi của S.nặng nề bởi bụng bầu vượt mặt. Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày dự sinh nhưng sơn nữ này chưa được hưởng niềm hạnh phúc làm vợ.
Theo lời kể của S., cô và một người đàn ông nảy sinh tình cảm với nhau. Người này thề non hẹn biển nên S. cứ tưởng sẽ chung một nhà. Thế nhưng ngày cô thông báo “tin vui” thì người yêu cũng “quất ngựa truy phong”. S. đã tìm mọi cách để liên lạc với người yêu nhưng rồi phải thất vọng ôm nỗi tủi hổ “không chồng mà chửa”. Không công việc, không thu nhập, chẳng dám nói với gia đình, S. lên mạng “cầu cứu” sự giúp đỡ và được giới thiệu “đi Trung Quốc sinh rồi bán con”.
Thông qua mạng xã hội, S. quen biết Ven Thị Son. Người phụ nữ Việt Nam, lấy chồng Trung Quốc nói với S. bắt xe khách ra Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ có người đón đưa sang Trung Quốc. Son hứa hẹn khi nào sinh xong, bán con, hai bên sẽ phân chia số tiền kiếm được. Nghe vậy, S. đồng ý đi bán đứa con đang lớn lên trong bụng mỗi ngày.
Dù 3 thai phụ này rời quê vào những thời điểm khác nhau nhưng ngày 1/4 được một số đối tượng tổ chức vượt biên sang Trung Quốc, thuê nhà nghỉ ở tỉnh Quảng Tây ở trước khi được Ven Thị Son và Lương Thị Săn đón về nhà dưỡng thai, chờ sinh nở. Sự có mặt bất hợp pháp của 3 người phụ nữ này bị cơ quan chức năng sở tại phát hiện.
Bán bào thai - chuyện không mới
Sau khi phát hiện sự việc, phía Trung Quốc liên hệ với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An phối hợp xác minh. Khi có thông tin cụ thể về nhân thân, quê quán của 3 người này, Phòng Cảnh sát Hình sự và Tổ chức Rồng Xanh đã đưa về Việt Nam. Sau khi tổ chức cách ly phòng dịch Covid-19 theo quy định, 3 thai phụ được bàn giao cho gia đình và địa phương quản lý.
Về các đối tượng đã kết nối để đưa thai phụ đi bán, đại diện Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, mặc dù xác định được 2 đối tượng đưa 3 thai phụ sang Trung Quốc sinh con để bán nhưng hiện cả 2 người này không có mặt tại địa phương, không xác định được địa chỉ cư trú cụ thể nên chưa có căn cứ để xử lý.
Theo nguồn tin từ Phòng cảnh sát hình sự: do hiện chưa có quy định về xử lý hình sự đối với việc mua bán bào thai nên nếu bắt được các đối tượng kể trên, cơ quan chức năng cũng chỉ có thể xử lý về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, hoặc “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.
Thực tế, việc các thai phụ vượt biên bán bào thai ở Nghệ An đã được phát hiện từ hơn 3 năm trước. Địa phương có nhiều phụ nữ đi bán bào thai là xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Chủ tịch xã Hữu Kiệm, ông Nguyễn Hữu Lượng từng xác nhận có hàng chục phụ nữ trong xã vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai. Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền đã làm việc trực tiếp với những trường hợp này và họ đều thừa nhận. Có những trường hợp nói rằng có phần day dứt, song cũng có người thể hiện thái độ thờ ơ sau khi đã bán đi cốt nhục của mình.
Khi được hỏi nguyên nhân, phần đa những người phụ nữ từng bán con đều đưa ra lý do nợ nần, thiếu tiền mua sắm ti vi, xe máy... Dù chính quyền đã tích cực vận động, bắt ký cam kết những người từng đi bán bào thai không được bán con nhưng rồi cam kết vẫn là cam kết, nguy cơ tái diễn rất cao. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trên khó được giải quyết là trình độ dân trí thấp, trong khi chính quyền chưa có chế tài cụ thể.
Theo Công an huyện Kỳ Sơn, việc mua bán bào thai là thủ đoạn rất mới của tội phạm mua bán người, các đối tượng hoạt động rất tinh vi. Các đối tượng này chủ yếu đi tới các vùng có nhiều đồng bào Khơ mú sinh sống, nhắm tới những phụ nữ mang thai vỡ kế hoạch, có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, nhận thức kém để dụ dỗ. Chúng thường đánh vào tâm lý “sợ bị phạt vì sinh con thứ 3” của người dân, đồng thời đưa ra những lời dụ dỗ như “nếu đưa con sang Trung Quốc sinh thì vợ chồng vừa có tiền tiêu, không phải nuôi con vất vả, con sinh ra có người chăm sóc tử tế”.
Khi thai phụ nhận lời, hai bên bắt đầu thỏa thuận giá cả. Mỗi trường hợp mua bán bào thai từ 80 đến 140 triệu đồng. Việc các đối tượng hoạt động kín kẽ, hình thành đường dây kín đáo khiến việc phát hiện gặp khó khăn. Do đó, công cuộc phòng chống tệ nạn mua bán người, mua bán trẻ em, bán bào thai vẫn còn lắm gian nan.