Tan nát gia đình vì chiêu lừa xuất khẩu lao động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Tin vào lời Thu, chúng tôi phải vay nợ để đóng tiền, có gia đình 3 - 4 người đăng ký đi xuất khẩu lao động, mất hàng trăm triệu đồng. Không đi được, phải ôm nợ khiến gia đình lục đục, vợ chồng vì áp lực nợ nần mà ly thân. Chính Thu đã khiến chúng tôi mất công việc, gia đình tan nát”, một lao động bị nữ giám đốc Trần Thị Thu lừa đảo bức xúc trình bày trước tòa.
Bị cáo Trần Thị Thu.
Bị cáo Trần Thị Thu.

Giám đốc... siêu lừa!

TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Thu (SN 1983, trú xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Khoảng tháng 5/2018, nắm bắt được nhu cầu xuất khẩu lao động của người dân, thông qua quen biết, Thu xin làm văn phòng đại diện cho một công ty chuyên về xuất khẩu lao động (XKLĐ) có trụ sở tại Hà Nội. Văn phòng tại TP Vinh của Thu chỉ có nhiệm vụ tư vấn và thu hồ sơ của người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài rồi chuyển cho công ty.

Từ đây, Thu bắt đầu nắm được quy trình đào tạo, tổ chức đưa lao động đi nước ngoài làm việc. Tháng 10/2018, Thu chấm dứt hoạt động của văn phòng và thành lập Công ty TNHH hệ thống giáo dục quốc tế Future Nghệ An. Công ty này do Thu làm giám đốc. Dù công ty không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng Thu vẫn đăng tải thông báo tuyển dụng, đào tạo lao động có nhu cầu làm việc ở Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản, Úc...

Để tạo lòng tin cho những người có nhu cầu đi làm việc, du lịch ở nước ngoài, Thu sử dụng Facebook, Zalo đăng tải các đơn hàng tuyển người lao động đi làm việc tại các công ty Samsung ở Hàn Quốc, Canada và thủ tục đi du lịch một số nước châu Âu. Sau khi biết đến thông tin mà Thu đăng tải, nhiều lao động ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã đến trụ sở công ty xin tư vấn, đăng ký đi nước ngoài. Thu cam kết sau 6 tháng kể từ khi nộp hồ sơ, người lao động có thể bay. 

Những người lao động rơi vào cảnh khốn đốn vì bị Thu lừa đi nước ngoài làm việc.
Những người lao động rơi vào cảnh khốn đốn vì bị Thu lừa đi nước ngoài làm việc.  

Để những người có nhu cầu đi nước ngoài lao động tin tưởng, Trần Thị Thu thuê địa điểm, giáo viên tổ chức mở lớp học tiếng Hàn, tiếng Anh... Người lao động phải đóng tiền học ngoại ngữ, học định hướng và chi phí hoàn thiện các thủ tục giấy tờ. Theo các lao động, tất cả các khoản tiền bắt buộc phải đóng, bà Thu yêu cầu họ phải đổi sang tiền USD để nộp, không cho nộp tiền Việt Nam đồng.

Mọi hoạt động diễn ra bình thường cho đến cuối tháng 5/2019, Công ty Future đột ngột dừng việc tổ chức các buổi dạy. Nghi có chuyện chẳng lành, người lao động đến hỏi thì tá hỏa khi phát hiện trụ sở công ty cửa đóng then cài. Liên lạc với giám đốc công ty thì người này có thái độ trốn tránh. Khi người lao động tìm được và yêu cầu bà Thu đưa ra lời giải thích và hoàn trả số tiền đã nhận nhưng không được giải quyết. Do đó, hàng loạt lao động đã tố cáo hành vi lừa đảo của bà Trần Thị Thu lên cơ quan công an. Ngày 20/5/2020, Trần Thị Thu bị bắt giữ nhưng do đang mang thai nên được tại ngoại phục vụ điều tra.

Qua điều tra, cơ quan Công an tỉnh Nghệ An kết luận, công ty do Trần Thị Thu làm giám đốc dù không có chức năng tuyển người lao động đi làm việc và đưa người đi nước ngoài; bản thân Thu không ký kết hợp đồng liên kết, liên doanh với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào có chức năng tuyển người lao động đi làm việc và du lịch ở nước ngoài, nhưng Thu vẫn đưa ra các thông tin sai lệch nhằm lừa đảo người lao động. Có 64 lao động người Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh sập bẫy của bà giám đốc Trần Thị Thu với số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 3 tỷ đồng.

Ôm nợ, gia đình tan nát

Tại phiên tòa, Trần Thị Thu thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Bị cáo Thu cho biết, toàn bộ số tiền chiếm đoạt đã được sử dụng phục vụ hoạt động của công ty và tiêu xài cá nhân hết, không có để hoàn trả cho người lao động. 

Những câu trả lời của Thu trước HĐXX về việc không thể hoàn trả lại tiền cho các bị hại khiến nhiều lao động bức xúc. Một người phát biểu: “Tin vào lời Thu, chúng tôi phải vay nợ để đóng, có gia đình 3-4 người đăng ký đi, mất hàng trăm triệu đồng. Không đi được, phải ôm nợ khiến gia đình lục đục, vợ chồng vì áp lực nợ nần mà ly thân. Đề nghị HĐXX xử phạt Trần Thị Thu mức án thật nghiêm khắc và buộc bị cáo Thu phải trả lại tiền cho chúng tôi”.

Cũng có lao động vì nghe Thu hứa chắc chắn sẽ bay được nên quyết định nghỉ làm tại công ty mà họ gắn bó nhiều năm. Nhưng sau thời gian dài chờ đợi, họ vẫn không nhận được hợp đồng lao động đi nước ngoài làm việc. Do phải vay tiền để nộp cho Thu và không có thu nhập khi đã nghỉ làm công ty khiến cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình vợ chồng mâu thuẫn vì tiền bạc.  Khi họ đến công ty đòi lại tiền nhưng bất thành. Các bị hại đề nghị bị cáo Thu phải hoàn trả lại tòa bộ số tiền đã chiếm đoạt. 

HĐXX nhận định Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố Trần Thị Thu tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Hành vi của Thu đã gây thiệt hại cho người lao động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, số tiền chiếm đoạt lớn.

Tại thời điểm này, bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, đã khắc phục 1 phần hậu quả (thông qua cơ quan chức năng bồi thường cho một số lao động 100 triệu đồng), thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải... nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định. Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Trần Thị Thu 18 năm tù, thời hạn tù tính từ thời điểm bắt thi hành án. Tòa cũng buộc bị cáo Thu phải hoàn trả hơn 2,8 tỷ đồng còn lại cho các bị hại.

Bản án dành cho kẻ lừa đảo đã được tòa tuyên. Nhưng điều khiến hàng chục lao động lo lắng là đến khi nào khoản tiền mà Thu đã chiếm đoạt sẽ được bị cáo trả lại. Bởi theo như lời bị cáo trình bày, hiện vợ chồng bị cáo đã ly thân. Bố mẹ đẻ của bị cáo làm nông cũng chẳng khá giả gì. Với các lao động, không được bị cáo hoàn trả lại tiền thì cuộc sống của họ chưa thể ổn định...

Phải tìm hiểu kỹ thông tin

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài cần tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan, nhất là tư cách pháp nhân của các công ty dịch vụ XKLĐ. Khi đến văn phòng tư vấn XKLĐ nào đó mà thấy có "liên kết" với công ty khác thì NLĐ cần liên hệ ngay công ty đó để xem họ có liên kết thật hay không, hoặc yêu cầu họ cung cấp giấy phép hoạt động XKLĐ hoặc kiểm tra tên công ty đó trong danh sách được cấp phép trên trang thông tin điện tử www.dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước. 

Đọc thêm