Thủ đoạn vay tiền tinh vi
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai vừa ra quyết định tạm giam 4 tháng đối với Lê Thị Thương (SN 1988, ngụ đường Ama Quang, phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, đầu tháng 9 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi trên đối với đối Lê Thị Thương. Tuy nhiên, do đối tượng này bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên cơ quan công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc. Sau nhiều ngày lẩn trốn, biết không thể trốn thoát được nên Thương đến cơ quan công an đầu thú.
Qua điều tra, bước đầu cơ quan công an xác định, Lê Thị Thương là nhân viên hợp đồng của Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Gia Lai. Từ khoảng cuối năm 2018 đến tháng 5/2020, Thương đã vay tiền nóng của nhiều người với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đến ngày 27/6, khi bị các chủ nợ ráo riết đòi tiền, Thương đến Công an phường Hoa Lư trình báo việc vay của nhiều người với số tiền 173 tỷ đồng nhưng không có khả năng trả và yêu cầu được bảo vệ. Tuy nhiên, khi cơ quan công an đang thụ lý vụ án, kêu gọi những người cho Thương vay tiền đứng ra tố giác thì đối tượng này rời khỏi địa phương. Hiện, cơ quan công an mới chỉ tiếp nhận được 12 đơn tố cáo của các cá nhân cho Thương vay mượn với tổng số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Căn nhà của đối tượng Lê Thị Thương. |
Theo tìm hiểu, khi vay tiền các chủ nợ, Thương đưa ra thông tin vay để đáo hạn ngân hàng, mua đất. Thương còn khoe có người chị là một đại gia, khi Thương cần số tiền lớn chỉ cần gọi điện thoại cho người chị này là có tiền ngay. Vì tin tưởng nên các nạn nhân đã nhiều lần cho Thương vay tiền. Mỗi cuộc giao dịch đều có giấy vay mượn tiền với nhau. Những lần trước đó, việc trả tiền gốc, lãi của Thương rất đúng hẹn nên càng khiến các chủ nợ rất tin tưởng.
Người cho Thương vay nhiều tiền nhất là bà C.N.D.H. (ngụ phường Phù Đổng, TP Pleiku). Đáng nói, số tiền này bà H. vay của nhiều người là đồng nghiệp, người thân và bạn bè.
Theo một nạn nhân cho bà H. vay tiền, sở dĩ tin tưởng cho bà H. vay tiền là vì giữa 2 người đã nhiều lần vay mượn tiền nhau và thanh toán sòng phẳng. Thêm vào đó, bà H. làm ở ngân hàng, chồng làm quân đội nên rất tin tưởng. Nhưng không ngờ, sau khi bà H. cho Thương vay lại thì đối tượng này lại tuyên bố vỡ nợ.
Một nạn nhân khác cũng cho bà H. vay nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi Thương tuyên bố vỡ nợ, nạn nhân này đến hỏi tiền bà H. thì bà này cũng bảo đã đưa số tiền vay này cho Thương vay lại. Đáng nói, trong giấy nợ, người đứng tên là Thương, trong khi thực tế người vay tiền của nạn nhân là bà H.
Trong khi đó, một người phụ nữ ngụ TP Pleiku cho biết, bà cho Thương vay ngắn hạn với số tiền gần 3 tỷ đồng, lãi suất do 2 bên tự thỏa thuận theo từng thời điểm. Số tiền này bà gom góp từ việc bán đất của gia đình và vay mượn thêm của một số anh em, họ hàng.
“Khi vay tiền, Thương còn thế chấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên người khác. Thương bảo là vay tiền để làm đáo hạn ngân hàng cho chủ sở hữu của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này. Tin tưởng cho vay nhưng rồi Thương tuyên bố vỡ nợ, tôi không biết phải làm như thế nào”, người phụ nữ này cho biết.
Đáng chú ý, theo một nạn nhân, Thương đã có phương án để đối phó với pháp luật bằng cách mượn tài khoản của các nạn nhân để chuyển tiền. Chẳng hạn Thương vay của nạn nhân 5 tỷ đồng. Sau đó, Thương mượn số tài khoản của nạn nhân và chuyển vào 10 tỷ đồng, rồi nhờ rút ra giao lại cho Thương. Khi đối chiếu giao dịch qua ngân hàng thì chỉ thể hiện nạn nhân đang nợ ngược lại Thương 5 tỷ đồng.
Vì sao nhiều nạn nhân chưa tố giác?
Hàng xóm của bà Thương cho biết, trước đây, vợ chồng Thương đi làm suốt ngày và chỉ về nhà ngủ vào buổi tối. Hàng xóm chỉ gặp, tiếp xúc với gia đình Thương vào các ngày lễ, Tết hay cúng kính khu dân cư. Trước thời điểm có thông tin Thương vỡ nợ (cuối tháng 6/2020), nhà Thương có nhiều người ra vào, kể cả ô tô, xe máy. Tuy nhiên, thời điểm này lại đúng lúc Thương bị đau phải truyền dịch nên hàng xóm nghĩ họ đến thăm ốm đau.
“Căn nhà của Thương nằm cuối hẻm cụt, tài sản bên trong nhà chỉ có bộ bàn ghế gỗ là đáng giá nhất. Vợ chồng Thương cũng không buôn bán gì lớn, ngoài việc mở một quán ăn trên đường Phan Đình Giót. Tuy nhiên, quán này cũng đã đóng cửa lâu nay. Thế nhưng, không hiểu sao nhiều người lại cho Thương vay với số tiền rất lớn”, một hàng xóm của Thương cho biết.
Được biết, thời điểm sau khi Thương tuyên bố vỡ nợ, Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã ra thông cáo cho biết, Thương là nhân viên thời vụ khoán gọn. Công việc chính của Thương là hỗ trợ hành chính, không liên quan đến hoạt động tín dụng, làm việc theo hợp đồng thời vụ và đã có thâm niên làm việc 10 năm tại ngân hàng. Trong khi đó, chồng của Thương là nhân viên kỹ thuật tại ngân hàng này.
Trong vụ việc này, thời điểm trình báo cơ quan công an, Thương cho biết mình vay của nhiều người với số tiền 173 tỷ đồng nhưng không có khả năng trả. Tuy nhiên, đến nay cơ quan công an mới chỉ tiếp nhận được 12 đơn tố cáo của các cá nhân cho Thương vay mượn với tổng số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Thiết nghĩ, các nạn nhân hiện chưa đến cơ quan công an trình báo có thể họ nghĩ việc trình báo, tố giác sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự, nghề nghiệp của họ. Bởi vậy, họ cân nhắc giữa việc tố giác hay im lặng để bảo toàn danh dự, sự ổn định cuộc sống, công việc của bản thân. Việc im lặng như thế có thể tạo ra khó khăn, trở ngại nhất định cho cơ quan điều tra.
Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, điều luật này quy định người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Ngoài việc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình, thì còn phải có trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra cho các bị hại. Việc người phạm tội chủ động bồi thường, khắc phục hậu quả cũng là căn cứ để tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt, là cơ sở xác định điều kiện xóa án tích sau khi chấp hành xong hình phạt tù.