Tiếp bài tòa TP Sơn La bị tố “lật ngược” bản án: Hợp đồng vi phạm điều cấm nhưng vẫn… hoàn thành?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ một hợp đồng với đầy đủ yếu tố vi phạm điều cấm, bị tuyên vô hiệu nhưng TAND TP Sơn La đã “bẻ lái” ngoạn mục, với lập luận có phần mâu thuẫn đó là, có vi phạm nhưng đã hoàn thành!
Tòa án TP Sơn La bị tố "lật ngược" bản án.
Tòa án TP Sơn La bị tố "lật ngược" bản án.

Bản án bị “lật ngược”

Theo hồ sơ vụ án được tóm tắt như sau, tháng 2/2011, vợ chồng ông Đinh Văn Khang, bà Lường Thị Ngọc Bích thống nhất với nhau chuyển nhượng cho vợ chồng ông Lù Văn Minh, bà Lò Thị Nhung (đều trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La) quyền sử dụng 135m2 đất, cùng nhà cấp 4, tại thửa đất số 7C, tờ sơ đồ 46-18 mang tên ông Đinh Minh Khang, do UBND TX Sơn La cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ký hiệu AB 119926 ngày 25/4/2005.

Hai bên thỏa thuận giá chuyển nhượng 1,52 tỷ đồng, ông bà Nhung Minh trả trước 860 triệu đồng, số tiền 660 triệu đồng còn lại, khi nào thanh toán đủ thì sẽ ký hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, lấy lý do cần vay vốn ngân hàng, bà Nhung đã mượn GCNQSDĐ đất, làm giả chữ ký của ông Khang trong hợp đồng mua bán rồi đi công chứng, và các hồ sơ cấp, đổi GCNQSDĐ…

Đến 8/2014, bà Nhung đã bán thửa đất trên cho ông Trịnh Đức Công, bà Nguyễn Thị Hường (cùng ở TP Sơn La) với giá 1,6 tỷ đồng. Biết được việc nêu trên, ông Khang đã làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng, và làm đơn khởi kiện ra tòa đề nghị vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giả mạo do bà Nhung thực hiện.

Trải qua 2 phiên tòa sơ thẩm (số 37/2019/DS-ST ngày 26/8/2019) và phúc thẩm (số 41/2019/DS-PT ngày 20/11/2019) đều tuyên hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Khang - Bích và vợ chồng bà Nhung - Minh vô hiệu, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên, yêu cầu các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, tòa cấp sơ thẩm đã có những vi phạm tố tụng, như không đưa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan khác, không định giá tài sản trên đất theo giá thị trường… nên tòa phúc thẩm đã tuyên hủy bản án, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm để khắc phục những vi phạm nêu trên.

Thế nhưng, phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai, tại bản án (số 06/2020/DS-ST ngày 21/12/2020) TAND TP Sơn La đã “lật ngược” bản án khiến nguyên đơn bị xử thua, khẳng định Hợp đồng CNQSDĐ và nhà ở trên đất nêu trên đã hoàn thành theo đúng quy định của pháp luật.

Hợp đồng phạm điều cấm vẫn hoàn thành giao dịch?

Phán quyết nêu trên của của Tòa TP Sơn La không nhận được sự đồng thuận của dư luận bởi còn gợn lên nhiều mâu thuẫn.

Thứ nhất, trong vụ án này, nút thắt quan trọng là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa ông bà Khang Bích và Nhung Minh nhưng được thực hiện trong điều kiện giả mạo, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, phạm vào điều cấm thì có thể tự nó đã vô hiệu ngay từ thời điểm xác lập, không cần phải xác định thời hiệu và phát sinh các quyền lợi và mối quan hệ khác sau đó nếu phát sinh tranh chấp.

Cần khẳng định lại, vào 02/2011, bai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng về việc mua bán thửa đất, cùng tài sản, chỉ khi nào thanh toán hết sẽ thực hiện ký kết hợp đồng chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Nhưng như đã nêu trên, bà Nhung đã giả mạo chữ ký của ông Khang, lừa dối công chứng viên công chứng hợp đồng và các làm các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất khác.

Tại biên bản xác minh ngày 14/3/2017 của tòa án, bà Quàng Thị Quốc Khánh - Công chứng viên thừa nhận nội dung nêu trên, đồng thời công chứng hợp đồng khi vắng mặt người liên quan nên đề nghị tòa tuyên hủy văn bản công chứng đó.

Thế nhưng, Tòa TP Sơn La dường như bỏ qua tất cả những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng nêu trên, là căn cứ có thể khẳng định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông bà Khang Bích và Nhung Minh là vô hiệu, như bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần 1 và quan điểm của viện kiểm sát cùng cấp.

Chữ ký của ông Khang bị giả mạo trong hợp đồng

Chữ ký của ông Khang bị giả mạo trong hợp đồng

Trái lại, Tòa TP Sơn La “bẻ lái” khẳng định “hợp đồng đã hoàn thành”, bỏ qua việc thời điểm xác lập nó đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Tòa cho rằng, đó là ông Khang biết việc công chứng nhưng không có ý kiến gì, không yêu cầu hợp đồng vô hiệu... Dù ông Khang bị giả hàng loạt chữ ký trong hợp đồng và các hồ sơ liên quan nhưng quyền sử dụng nhà đất và GCNQSDĐ đã sang tên cho bà Nhung?

Với lập luận này, thì Tòa TP Sơn La có phải đang “cổ xúy” và gián tiếp khẳng định hợp thức cho hành vi giả mạo chữ ký của ông Khang trong hợp đồng công chứng và hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất? Thay vì cần phải xét tính hợp pháp của hợp đồng chuyển nhượng, xử lý, khắc phục những hành vi trái quy định pháp luật như nêu của bà Nhung và công chứng viên thế nào...? Trong đó, có cả việc cần phải xem xét quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất cho bên thứ 3 của bà Nhung, dù vẫn đang còn tranh chấp.

Và cần khẳng định thêm lần nữa, ông Khang có đồng ý chuyển nhượng cho vợ chồng bà Nhung - Minh diện tích đất nêu trên nhưng chỉ khi hai bên trả hết tiền nhau mới thực hiện hợp đồng? Không phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng trong trường hợp gian dối, vi phạm quy định pháp luật nghiêm trọng mà chính ông bị lừa dối không hay biết?

Hợp đồng hoàn thành từ hợp đồng vay nợ?

Thứ hai, tòa căn cứ cho rằng, số tiền bà Nhung còn nợ lại, đã được hai bên nhất trí chuyển thành hợp đồng vay tài sản(ông Khang cho bà Nhung vay nợ), bằng các giấy chốt nợ và thế chấp bằng quyền sử dụng đất (tại giấy cho vay tiền ngày 17/3/2013), được coi là đã chấm dứt quan hệ về quyền sử dụng đất; đồng thời hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trên đã được thỏa thuận bằng một giao dịch dân sự khác. Do đó, hợp đồng là đã hoàn thành.

Tuy nhiên, về luận cứ này, ngoài hợp đồng thỏa thuận bằng miệng ban đầu, hai bên không có văn bản nào thỏa thuận về việc chuyển số tiền ông bà Nhung - Minh còn nợ 660.000.000 đồng thành hợp đồng vay tài sản (không bên nào cung cấp được hợp đồng này).

Chính xác hơn, trên giấy vay nợ (ngày 17/03/2013) chỉ ghi tài sản thế chấp của bà Nhung là khối diện tích thửa đất 135m2, địa chỉ phường Quyết Tâm, TP Sơn La... không cụ thể tên chủ sở hữu, số hiệu GCNQSDĐ, số thửa, tờ bản đồ... thì không thể “đồng nhất” hoặc suy luận tài sản thế chấp này chính là thửa đất ông Khang bán và chuyển quyền sử dụng cho bà Nhung trước đó, mà hoàn toàn có thể là một tài sản khác trùng hợp thông tin, đảm bảo cho một cam kết cho một giao dịch dân sự khác giữa hai bên? Một ví dụ, cho thấy việc đánh giá chứng cứ vẫn còn lỗ hổng.

Tòa án tỉnh Sơn La được kỳ vọng sẽ xét xử vụ án "thấu tình đạt lý"

Tòa án tỉnh Sơn La được kỳ vọng sẽ xét xử vụ án "thấu tình đạt lý"

Bên cạnh đó, một số giấy biên nhận nợ do ông bà Nhung - Minh tự lập, tự ký, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, không có thỏa thuận, xác nhận của ông bà Khang Bích, thậm chí, có giấy vay nợ còn giả chữ ký của bà Bích (vợ ông Khang) đã được cơ quan điều tra xác minh, cho thấy những bất thường.

Tuy nhiên, trong đó, có một giấy vay tiền lập lần cuối ngày 7/2/2014, do ông bà Nhung - Minh tự lập, vẫn được tòa áp dụng là căn cứ hợp pháp tính thời hiệu khởi kiện.

Vậy một lần nữa khẳng định, việc tòa cho rằng nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông bà Khang - Bích và ông bà Minh - Nhung có “vi phạm” và chưa thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán, nhưng hợp đồng đã được “hoàn thành” bằng những lý lẽ nêu trên có thuyết phục?

Câu trả lời này xin dành cho những người “cầm cân nảy mực” tại phiên tòa phúc thẩm vụ án này sẽ diễn ra vào ngày 23/07 tới. Hi vọng, bằng sự công minh và sáng suốt, HĐXX sẽ đưa vụ án này đến đích, đó là sự thấu tình đạt lý, dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thật và các quy định của pháp luật.

Đọc thêm