Diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới

Tiếp nghi án bỏ lọt tội phạm trong vụ án làm giả hồ sơ ở Thường Tín: Trách nhiệm cần làm sáng tỏ bản chất vụ án

(PLVN) - Vụ án Đặng Thị Hoa (SN 1982, ngụ phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Do vậy, cơ quan tố tụng cấp cao hơn cần làm rõ bản chất của vụ án, xét xử đúng người đúng tội.
Trường THPT Nguyễn Tử Tấn lùm xùm về vụ việc làm giả hồ sơ thẻ tín dụng
Trường THPT Nguyễn Tử Tấn lùm xùm về vụ việc làm giả hồ sơ thẻ tín dụng

Như PLVN đăng tải bài viết “Dấu hiệu “bỏ lọt tội phạm” trong một vụ án làm giả hồ sơ mở thẻ tín dụng” phản án vụ án Đặng Thị Hoa (SN 1982, ngụ phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cơ quan điều tra, VKSND huyện Thường Tín (TP Hà Nội) có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi không quy trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn đã cố ý làm trái, tạo điều kiện cho đối tượng phạm tội. Tại bản án sơ thẩm của TAND huyện Thường Tín, tiếp tục có những nhận định làm sai lệch bản chất vụ án.

Nhiều dấu hiệu tội phạm bị bỏ lọt?

Theo bản án, nội dung vụ việc như sau, vào khoảng 9/2017, Đặng Thị Hoa nảy ý định chiếm đoạt tài sản thông qua việc mở thẻ tín dụng tại Ngân Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đều có chi nhánh ở Hà Nội.

Nhờ các mối quan hệ xã hội, Hoa gặp Đào Thị Hường là kế toán - Tổ trường tổ văn phòng Trường THPT Nguyễn Tử Tấn (huyện Thường Tín, Hà Nội) bàn kế hoạch mở thẻ tín dụng bằng hồ sơ cá nhân của giáo viên, nhân viên trường này.

Từ đó, thông qua Hường đã có 22 bộ hồ sơ cá nhân của giáo viên được hoàn thiện nhưng chỉ có 8 người được cấp thẻ tín dụng tại Sacombank, Hoa chiếm dụng 2 thẻ để chi tiêu cá nhân. Sau đó, Hoa đã giả mạo hồ sơ của giáo viên để làm 22 thẻ tín dụng tại TPbank và chiếm dụng để chi tiêu hơn 400 triệu đồng, khi sự việc bị phát lộ đối tượng đã chủ động khắc phục.

Sau khi bị tố cáo, Cơ quan điều tra huyện Thường Tín mới khởi tố bị can Đặng Thị Hoa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối tượng Hoa bị TAND huyện Thường Tín xử phạt mức 5 năm 6 tháng tù giam về tội danh nêu trên tại phiên tòa sơ thẩm 11/2019.

Bị cáo Đặng Thị Hoa trong phiên tòa sơ thẩm
 Bị cáo Đặng Thị Hoa trong phiên tòa sơ thẩm

Tuy nhiên, trong tài liệu điều tra, lời khai của các giáo viên và các nhân viên ngân hàng đều cho thấy bà Đào Thị Hường chỉ đạo nhân viên thu thập thông tin cá nhân là hộ khẩu, chứng minh thư của gần 30 giáo viên, nhân viên nhà trường với lý do làm bảo hiểm, nhưng thực chất là cung cấp cho bị cáo Hoa để làm hồ sơ mở thẻ tín dụng.

Sau đó, chính bà Hường đã trực tiếp cung cấp bảng lương, các quyết định của giáo viên, nhân viên cho cán bộ thẩm định của TPbank để hoàn thiện hồ sơ mở thẻ tín dụng theo yêu cầu của Hoa.

Thậm chí, bà Hường còn nhận 20 triệu đồng qua thẻ và 7,5 triệu đồng tiền mặt “hoa hồng” từ Hoa để cung cấp hồ sơ làm thẻ. Thế nhưng, bản án sơ thẩm nhận định rằng “bà Hường không phải là hành vi giúp sức, không có mục đích vụ lợi” là sai lệch với thực tế và tài liệu điều tra.

Sai lệch bản chất vụ án?

Bởi lẽ, nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng trong tài liệu điều tra không được bản án sơ thẩm (số 106/2019/HSST ngày 08/11/2019) của Tòa án nhân dân huyện Thường Tín đưa vào để làm rõ sự thật, ngoài việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm còn làm thay đổi bản chất vụ án. Do đó, khẳng định hành vi của bà Hường không cấu thành tội phạm và không đề cập xử lý trong vụ án này là chưa khách quan?

Những nội dung của bản án sơ thẩm đã không làm rõ lời khai, chứng cứ thể hiện vai trò giúp sức của bà Hường, đồng thời lại đưa ra một sự việc không đúng sự thật, khác hẳn với những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ điều tra.

Trong đó, đáng chú ý nhất là bản án sơ thẩm mô tả từ các thông tin có được do làm thẻ tại Sacombank, Hoa đã chuyển các hồ sơ làm thẻ tín dụng đó cho nhân viên TPbank là thiếu khách quan. Bởi lẽ, tài liệu điều tra thể hiện Sacombank không nhận và cũng không cung cấp các hồ sơ mở thẻ tín dụng cho bị cáo Hoa, nhân viên chỉ giao dịch và làm việc với Hường. Như vậy, khẳng định bị cáo Hoa không tham gia vào việc nhận hồ sơ mở thẻ tín dụng tại Sacombank (tháng 11/2017), do đó bằng cách nào mà Hoa thể lấy hồ sơ từ Sacombank, như bản án sơ thẩm mô tả?

Trong khi, các lời khai của bị cáo Đặng Thị Hoa, nhân viên TPbank mô tả cụ thể việc Đào Thị Hường cung cấp danh sách và các thông tin cá nhân của nhân viên, giáo viên nhà trường để phát hành thẻ tín dụng tại TPbank vào khoảng 9-10/2017, là trước thời điểm ngân hàng Saccombank tiếp nhận hồ sơ 2 tháng.

Chỉ một điểm mâu thuẫn trên đã cho thấy bản chất vụ án chưa được làm rõ và có dấu hiệu sai lệch. Thế nhưng, tại phiên tòa sơ thẩm không có mặt các nhân chứng quan trọng là nhân viên của hai ngân hàng và người liên quan là Đào Thị Hường để đối chất, thẩm tra sự thật khách quan.

Thiết nghĩ, trong phiên xử phúc thẩm tới đây, cần phải triệu tập bắt buộc các nhân chứng và người liên quan trên, làm rõ vai trò trách nhiệm họ để sáng tỏ những góc khuất của vụ án, giúp việc giải quyết vụ án được khách quan, minh bạch.

Xác định sự thật của vụ án

Điều 15 - BLHS 2015, quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng...phải áp dụng các biện pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội....

Đọc thêm