Bản án trên công nhận sự tự nguyện của nguyên đơn về việc trích công sức duy trì thửa đất cho bà San diện tích 59,4m2 trên đất có nhà 2 tầng 1 tum; buộc bà San phải trả lại các nguyên đơn phần diện tích 57,5m2 đất... Bản án cũng tuyên bác toàn bộ yêu cầu phản tố của bà Bùi Thị San.
Sau đó, bà San kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, giữ nguyên yêu cầu phản tố lên cấp phúc thẩm. Khi biết được thông tin này, bà Nguyễn Thị Hoàng Hà (là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Nguyễn Văn Hiển) và các nguyên đơn cũng đã kháng cáo bản án sơ thẩm, giữ nguyên yêu cầu đòi toàn bộ diện tích đất và không đồng ý tự nguyện cắt 59,5m2 cho bị đơn. Bà Hà cho rằng bị đơn không có thiện chí với cái tình của phía nguyên đơn.
Theo bản án sơ thẩm, thửa đất số 393 tờ bản đồ số 05, cụm 10, xã Tân Lập, Đan Phượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên cụ Nguyễn Thị Tuân là di sản của cụ Nguyễn Văn Ích (mất năm 1983) và cụ Nguyễn Thị Tuân (mất năm 1996). Hai cụ có 5 người con đẻ gồm các ông bà: Nguyễn Văn Hiển, Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Văn Quang; hai cụ không có con nuôi.
Thửa đất trên được hai cụ mua của ông Đỗ Bá Đạt, việc mua bán có lập “Giấy bán đứt nhà đất” ghi ngày 23/8/1960, có chữ ký của bên mua là cụ Ích và bên bán là ông Đạt. Gia đình cụ Ích đã sinh sống trên đất này từ đó đến nay. Việc mua bán nhà đất trên đã được Ban Quản trị số 8 đóng dấu nhận thực và Ủy ban hành chính xã Tân Lập chứng thực đề nghị cấp trước bạ.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Hà cho biết, nội dung “Giấy bán đứt nhà đất” đã ghi rõ: “Tôi là Đỗ Bá Đạt, bố mẹ tôi chết sớm có để lại cho tôi một ngôi nhà và đất...” và nội dung này được Ban Quản trị số 8 nhận thực “anh Đỗ Bá Đạt có nhà đất trên là đúng”.
Sau đó, cụ Ích, cụ Tuân làm đơn gửi Ủy ban hành chính xã Tân Lập xin cấp trước bạ. Ngày 10/1/1973 Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Tân Lập chứng thực vào “Giấy bán đứt nhà đất” và đề nghị cấp trên xét duyệt để cấp trước bạ cho gia đình cụ Ích, cụ Tuân. Đến năm 1988, thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Thị Tuân.
|
Bản sao công chứng "Giấy bán đứt nhà đất" có chứng thực của UBHC xã Tân Lập đề ngày 10/1/1973. |
Theo bản án sơ thẩm, năm 1977, ông Đỗ Bá Thịnh (là em trai ông Đạt) cùng vợ là bà Bùi Thị San (bị đơn trong vụ án) đến xin ở nhờ một phần đất và được cụ Tuân đồng ý. Vợ chồng bà San làm 3 gian nhà tre vách đất để ở. Đến năm 1990, vợ chồng bà San xây lại thành 3 gian nhà cấp 4 lợp ngói để ở, hiện ngôi nhà này vẫn còn.
Nội dung bản án thể hiện, năm 1992, cụ Tuân chia đất của mình thành 5 thửa, trong đó bà Bùi Thị San đứng tên thửa số 669, tờ bản đồ số 10 diện tích 114m2. Ngày 8/8/2001 bà San được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Biết được việc này, những người con của cụ Tuân đã đề nghị UBND huyện Đan Phượng hủy “sổ đỏ” đã cấp cho bà San, lý do bà San không có quyền sử dụng. Ngày 14/4/2016 UBND huyện Đan Phượng ra Quyết định số 1785 về việc hủy “sổ đỏ” đã cấp cho bà Bùi Thị San.
Ngày 18/8/2016 bà San có đơn khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu hủy Quyết định 1785 kể trên của UBND huyện Đan Phượng. Tại bản án sơ thẩm hành chính số 11/2017/HC-ST ngày 29/6/2017 TAND TP Hà Nội đã quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của bà San với lý do việc UBND huyện Đan Phượng cấp “sổ đỏ” cho bà San là không đúng. Hiện bản án trên đã có hiệu lực pháp luật. Đại diện các con của cụ Tuân đã nhiều lần yêu cầu bà San tháo dỡ công trình, bàn giao đất nhưng bà San không thực hiện. UBND xã Tân Lập đã hòa giải nhiều lần nhưng không thành.
Ngày 27/12/2018, những người con của cụ Tuân gồm ông Nguyễn Văn Hiển, bà Nguyễn Thị Xuân, ông Nguyễn Văn Quang khởi kiện bà San ra TAND huyện Đan Phượng, yêu cầu: Buộc bà San phải trả các thừa kế của cụ Tuân 114m2 đất thổ cư, trên đó có 1 ngôi nhà 3 gian cấp 4 lợp ngói đỏ và 1 ngôi nhà 2 tầng 1 tum; yêu cầu bà San phải tháo dỡ toàn bộ công trình trên đất.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Hà cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành hòa giải đối với các đương sự và những người liên quan. Theo bà Hà, mặc dù trong đơn khởi kiện các nguyên đơn đòi 114m2 đất, yêu cầu bà San phải tháo dỡ công trình vi phạm để trả lại đất nhưng rồi nghĩ đến tình nghĩa của ông Đỗ Bá Đạt lúc sinh thời đối với cụ Ích, cụ Tuân nên phía nguyên đơn vẫn tự nguyện cắt cho bà San 59,4m2 đất là phần diện tích có ngôi nhà 2 tầng 1 tum để gia đình bị đơn không phải tháo dỡ ngôi nhà 2 tầng, có nơi ở và thờ cúng liệt sĩ Đạt. Tuy nhiên, phía bị đơn vẫn không đồng ý nên buổi hòa giải không thành.
Cũng theo bà Hà, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/9/2020, phía nguyên đơn có ông Nguyễn Văn Quang vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đòi toàn bộ thửa đất bà San đang sử dụng và đề nghị tòa xét xử theo quy định pháp luật. Bà Hà và bà Nguyễn Thị Xuân đã phải thuyết phục ông Quang nghĩ đến tình nghĩa trước kia giữa ông Đạt với cụ Ích, cụ Tuân mà đồng ý cắt cho gia đình bà San diện tích đất 59,4m2 bên trên có nhà 2 tầng 1 tum để gia đình bị đơn sinh sống và thờ cúng liệt sĩ Đạt; các nguyên đơn chỉ yêu cầu bà Bùi Thị San phải trả lại phần diện tích 57,5m2 đất. Phần quyết định của bản án sơ thẩm số 15/2020/DS-ST ngày 29/9/2020 của TAND huyện Đan Phượng đã ghi nhận sự tự nguyện này của phía nguyên đơn.
Tuy nhiên, khi biết phía bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và giữ nguyên yêu cầu phản tố, các nguyên đơn cũng đã kháng cáo, với nội dung không đồng ý tự nguyện trích công sức duy trì thửa đất cho bà Bùi Thị San phần diện tích 59,4m2 trên có ngôi nhà 2 tầng nữa, mà giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đòi toàn bộ diện tích 114m2 hiện gia đình bà San đang sử dụng.
Hiện vụ án đang được TAND TP Hà Nội thụ lý để xét xử theo trình tự phúc thẩm.