Nợ nần vì chữa hiếm muộn, cựu nhân viên bưu điện lừa đảo hơn 9 tỷ đồng

(PLVN) - Sau khi vay mượn tiền để chữa hiếm muộn và chi tiêu cá nhân, không có khả năng chi trả, Lê Thị Lưu đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Với thủ đoạn đưa ra thông tin giả về chương trình khuyến mãi, lãi suất cao khi gửi tiền tiết kiệm, trong khoảng 2 năm Lưu đã lừa đảo hàng chục bị hại, chiếm đoạt số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Thị Lưu.
Bị cáo Lê Thị Lưu.

Lừa đảo lấy tiền đi chữa vô sinh 

Lê Thị Lưu (SN 1983, trú xã Tân An, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) lập gia đình đã lâu nhưng mãi vẫn chưa có con. Từ năm 2015 – 2017, Lưu cùng chồng đã chạy chữa hiếm muộn nhiều nơi. Để thực hiện việc cá nhân đó, Lưu đã vay tiền của nhiều người. Khi bị đòi nợ mà bản thân không có khả năng chi trả, Lưu đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của một số người.

Thời điểm đó, Lê Thị Lưu đang là nhân viên hợp đồng của Bưu điện tỉnh Nghệ An, được giao nhiệm vụ làm giao dịch viên cho dịch vụ gửi tiền tiết kiệm tại Bưu điện Tân An. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Lưu chuẩn bị sẵn một cuốn sổ tay ghi chép, khi người dân đến gửi hoặc rút tiền tiết kiệm Lưu đã đưa ra thông tin giả: “Hiện Ngân hàng đang có chương trình khuyến mãi với lãi suất cao nhưng không được in sổ tiết kiệm”.

Tin tưởng vào chương trình khuyến mãi này, nhiều người dân đã gửi tiền cho Lưu. Quá trình gửi Lưu chỉ in giấy xác nhận có ký tên, đóng dấu để cho người dân cất giữ. Đặc biệt, để tạo lòng tin, thời gian đầu Lê Thị Lưu tính tiền lãi suất và cho người dân rút tiền lãi đúng thời hạn, tiền gốc vẫn tiếp tục gửi theo chương trình khuyến mãi.

Tháng 4/2019, Phòng giao dịch của Bưu điện Tân An đã chấm dứt mọi hoạt động dịch vụ gửi tiền tiết kiệm Bưu điện nhưng Lưu không thông báo vấn đề này cho người dân mà tiếp tục thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của nhiều người. Với phương thức thủ đoạn trên, từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2019, Lê Thị Lưu đã chiếm đoạt tiền của 27 bị hại với tổng số tiền 9,3 tỷ đồng. 

Ngày 11/3/2020, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Tân Kỳ tiến hành khám xét chỗ ở của Lê Thị Lưu và thu giữ nhiều giấy tờ, trong đó có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với Lưu. Như vậy, thời điểm bị bắt giữ, Lê Thị Lưu không còn là nhân viên của bưu điện.

Rơi vào cám cảnh vì dính bẫy lừa đảo

Vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Lưu về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hầu tòa, bị cáo Lưu khai nhận, bị cáo lập gia đình từ lâu nhưng do không có con nên hai vợ chồng đã đi khám, chữa hiếm muộn nhiều nơi. Để có tiền chữa hiếm muộn, bị cáo đã vay tiền của nhiều người. Đến khi không có khả năng chi trả đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của nhiều người dân. Lưu cũng khai một phần đã dử dụng để trả tiền nợ tiền gốc, tiền lãi suất có những người mà Lưu đã vay từ trước. Do đó, hiện nay không có khả năng chi trả cho các bị hại.

Trong số các bị hại, trường hợp của bà Lê Thị S. (SN 1956, trú xã Tân An) là người bị Lưu lừa đảo số tiền lớn nhất. Theo trình bày của bị hại tại tòa, tháng 6/2018, bà đến Bưu cục Tân An để gặp Lê Thị Lưu làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm. Lúc này, do có ý định chiếm đoạt tiền gửi của bà S. nên Lưu đã giới thiệu về chương trình khuyến mãi và thuyết phục bà S. tham gia. Nhưng thực tế không có chương trình khuyến mãi nào như lời tư vấn của Lưu. 

Người bị hại đề nghị bị cáo hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.
Người bị hại đề nghị bị cáo hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt. 

Để tạo niềm tin, Lưu viết xác nhận với nội dung ghi số tiền gửi, kỳ hạn gửi vào một quyển sổ tay nhỏ rồi giao cho bà S. giữ. Sau khi con dấu của Bưu cục bị thu hồi, Lưu đóng dấu nhật ấn lên giấy xác nhận rồi ký tên vào đưa cho bà S. giữ. Do tin tưởng Lê Thị Lưu nên từ tháng 6/2018 đến 10/2019, bà S. đã gửi tổng số tiền 4,3 tỉ đồng. Tại tòa, bị cáo Lưu khai số tiền trên đã sử dụng vào chi tiêu cá nhân, không có khả năng thanh toán. 

Bị hại yêu cầu bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của mình. Người này cho hay vì tin Lưu là nhân viên của bưu điện, lại là người cùng làng nên đã nhiều lần đưa tiền đến gửi. Việc Lưu trả lãi sòng phẳng mỗi khi đến kỳ hạn khiến bà hoàn toàn tin tưởng, không chút nghi ngờ. Theo bị hại, việc bị cáo cố tình lừa đảo đã khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn. 

Cũng với thủ đoạn như trên, Lưu đã ngon ngọt dụ dỗ bà Võ Thị L. (SN 1949) gửi tiết kiệm với lãi suất cao. Tin tưởng, bà L. đã đưa hơn 1 tỷ đồng cho Lưu. Đến tham dự phiên tòa với tư cách bị hại, bà L. cố kìm nén tức giận, trình bày: bản thân tôi hiện đang mang nhiều chứng bệnh trong người, dù sức khỏe yếu nhưng hôm nay vẫn cố đến tòa để đòi lại tiền. Vì tin vào những lời hứa của Lưu nên tôi đã đưa toàn bộ tiền tiết kiệm là tài sản mà vợ chồng bà một đời tích góp được. Để rồi, giờ đây khi tuổi cao, sức yếu, bệnh tật bủa vây tôi phải nhận cú sốc lớn.

“Đề nghị bị cáo Lưu phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của chúng tôi. Đó là những đồng tiền mồ hôi mà chúng tôi vất vả lắm mới kiếm được. Những đồng tiền đó gồm cả việc tôi bán từng bó rau, con gà, cho đến con trâu khi sức khỏe đã yếu, không đủ khả năng chăm sóc”, nói đến đây, bà L. đã không kìm nén được nữa nên bật khóc.

Nhiều bị hại trình bày, do thiếu hiểu biết, tin tưởng Lưu là người cùng làng nên đã gửi tiền. Hơn nữa việc Lưu hứa hẹn “chương trình khuyến mãi” có lãi suất cao khiến họ đã đồng ý gửi tiền vào. Các bị hại đều có chung yêu cầu bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt. 

Xét thấy hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật, lừa đảo số tiền lớn, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, HĐXX tuyên phạt Lê Thị Lưu tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa cũng buộc bị cáo phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

Đọc thêm