Nỗi đau của người phụ nữ cùng lúc mất chồng, con vướng vòng lao lý

(PLVN) - Chỉ trong một ngày, đột ngột bà Thái vừa mất chồng, còn con trai vướng lao lý. Đến tham dự phiên tòa với tư cách đại diện hợp pháp của bị hại, bà đã có lời xin giảm án cho bị cáo. Nỗi đau quặn thắt khiến những lời phát biểu của bà tại tòa liên tục bị gián đoạn...
Nỗi đau của người phụ nữ là vợ của người bị  hại và là mẹ của bị cáo
Nỗi đau của người phụ nữ là vợ của người bị hại và là mẹ của bị cáo

Con đánh chết bố, gia đình giấu nhẹm

Một ngày cuối năm Kỷ Hợi, bà Vi Thị Thái (SN 1968), trú xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) cùng 3 đứa con xuống TAND tỉnh Nghệ An để tham dự phiên tòa xét xử vụ án giết người. Bị cáo trong vụ án chính là đứa con trai út của bà tên Vi Văn Thanh (SN 2003) và người bị hại không ai khác chính là chồng của bà - ông Vi Văn D. (SN 1969).

Do phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên nên Thanh được tại ngoại. Cùng mẹ và các anh chị xuống phiên tòa với tư cách bị cáo nên Thanh khá lo lắng. Sự sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt non nớt của bị cáo. Được gia đình động viên, Thanh cố bình tĩnh để ngồi vào vị trí của mình tại phiên xét xử.

Vợ chồng bà Thái và ông D. có với nhau 4 đứa con, trong đó Thanh là con út. Học xong lớp 5, Thanh nghỉ học, ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc nương rẫy và đi làm thuê. Được bao nhiêu tiền, Thanh đều nhờ mẹ cất giữ để tích góp lo cho tương lai. Siêng năng, chăm chỉ nên Thanh được mọi người quý mến. Cuộc sống trong gia đình bà Thái khá êm ấm khi các con lớn lần lượt lập gia đình, rồi ra riêng, còn Thanh vẫn chung sống với bố mẹ. Thời gian gần đây, việc ông D. thường sa đà vào rượu chè khiến cuộc sống gia đình xảy ra xích mích.

Bị cáo Vi Văn Thanh tại phiên tòa
Bị cáo Vi Văn Thanh tại phiên tòa  

Đã nhiều lần ông D. uống rượu say rồi về chửi bới vợ con. Vợ con hiểu rõ tính cách ông D. nên mỗi lần như vậy đều im lặng nhằm tránh sự cãi vã trong nhà. Chập tối ngày 20/7/2019, ông D. đi chăn trâu về nhà khi trong người đã có men. Lúc này, Vi Văn Thanh cùng người anh trai đang làm thịt ngan tại sân giếng. Thấy các con làm thịt, ông D. không hỏi không rằng mà đi đến lấy 2 con dao rồi ra chỗ dựng xe máy của con gái nói lẩm bẩm: “Cha mẹ mi, đi xe khi mô cũng để xe hư, sửa thì không sửa”. Vừa nói, ông vừa dùng dao chém vào gương chiếu hậu xe máy.

Thấy vậy, Thanh liền nói “say rồi thì vô ngủ đi”. Ông D. cầm dao đi đến nơi Thanh ngồi định chém thì đứa con này bỏ chạy. Sau đó, anh trai của Thanh liền lấy con dao trong tay bố cất trên bể nước. Ông D. không đuổi theo mà nói “mi cút đi luôn đi, đừng về nhà ni nữa”. Thanh nghe vậy nên tức giận, cầm cái cào bằng gỗ, loại cào lúa đánh vào đầu ông D. khiến cán cào nứt toác ra, rời khỏi lưỡi cào. Nghe tiếng “bộp”, anh trai của Thanh quay lại thì thấy bố gục xuống sân. Nạn nhân được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đến 22h cùng ngày thì tử vong.

Không muốn con trai ngồi tù nên gia đình đã báo với chính quyền địa phương lý do ông D. tử vong vì bị tai nạn. Tuy nhiên, do phát hiện những điều bất thường từ cái chết của ông D. nên công an đã vào cuộc điều tra. Lúc này, gia đình mới thừa nhận hành vi giết bố của người con trai Vi Văn Thanh. Tại bản kết luận giám định pháp y thể hiện nạn nhân chết do vỡ xương hộp sọ, xuất huyết não. Vi Văn Thanh bị truy tố về tội Giết người. Thời điểm phạm tội, đối tượng đang ở độ tuổi vị thành niên nên được tại ngoại.

Trước bục khai báo, bị cáo thừa nhận hành vi dùng cào gỗ đánh vào đầu bố. Bị cáo cho rằng mình không cố ý giết bố mình mà chỉ lỡ tay và tỏ ra ân hận về việc làm sai trái của mình. Vi Văn Thanh khai từ ngày xảy ra chuyện, không khi nào được ngủ ngon giấc vì nghĩ đến bố của mình. Bị cáo cảm thấy rất có lỗi với bố, với mẹ và các anh chị trong gia đình.

Người phụ nữ chịu hai nỗi đau

Tham dự phiên tòa với tư cách vừa đại diện cho bị hại, vừa là mẹ của bị cáo bà Thái liên tục khóc. Người phụ nữ này phát biểu trong nghẹn ngào cho biết không ngờ đứa con hiền lành của mình lại gây ra cơ sự trên. Tuy nhiên, sự việc đã qua, trong khi bị cáo là đứa con mình đứt ruột sinh ra nên bà xin tòa giảm án cho Thanh. Cùng lúc chứng kiến cảnh chồng mất, con trai vướng lao lý khiến bà đau đớn tột cùng.

Ngồi cạnh mẹ, 3 người anh chị của bị cáo đến tham dự tòa cũng không kìm được nước mắt. Họ đều muốn em trai mình có cơ hội để sửa sai. Một người chị của bị cáo phát biểu tại tòa: Em ấy còn nhỏ tuổi, lại lỡ tay giết người chứ không cố ý nên xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Chỉ trong một ngày gia đình phải  chịu hai nỗi đau quá lớn…

Theo đánh giá của người thân, bị cáo là người chịu khó, thương gia đình, bố mẹ. Sau khi nghỉ học, bị cáo đi làm thuê đủ nghề. Kiếm được bao nhiêu tiền bị cáo đều đưa cho mẹ nhờ cất giữ. Sau khi xảy ra sự việc, bị cáo đã lấy số tiền đã tích góp được là 12 triệu đồng để lo mai táng cho bố.

Do vậy, tại phiên tòa gia đình bị hại không có đề nghị về bồi thường dân sự. Vị luật sự bảo vệ cho bị cáo cũng nêu quan điểm, việc bị hại đã nhiều lần uống rượu say, chửi bới bị cáo và gia đình khiến bị cáo ấm ức dồn nén nhiều ngày. Do vậy, khi tiếp tục bị bố vô cớ đuổi đánh, chửi bới, bị cáo đã không làm chủ được hành vi của mình. Hơn nữa, lúc gây án, bị cáo còn nhỏ tuổi nên cần được xem xét để giảm án, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Sau khi sự việc xảy ra, bị cáo đã dùng hết số tiền mình tích góp được trong thời gian qua để lo mai táng cho bố thể hiện sự tự nguyện bồi thường cho bị hại.

HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Việc bị cáo ăn năn hối lỗi, thành khẩn khai báo và gia đình bị hại có đơn giảm án cho bị cáo là những tình tiết giảm nhẹ. Cân nhắc toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Vi Văn Thanh 6 năm tù về tội Giết người.

Nghe bản án, không những bị cáo mà người thân ngồi phía dưới đều buồn rầu. Vẫn chưa bị bắt thi hành án ngay nên bị cáo Thanh được ra về cùng gia đình, bị cáo lặng lẽ cúi đầu ân hận. Đi cạnh con trai mình, bà Thái liên tục động viên, an ủi con.

Cùng lúc phải chịu hai nỗi đau mất chồng, con trai vướng lao lý khiến bà Thái sầu muộn thời gian dài. Còn với bị cáo, sự tức giận bộc phát đã cướp đi mạng sống của người sinh ra mình, để suốt cuộc đời còn lại, bị cáo không thôi ân hận về việc làm sai trái ấy. Đó cũng là giận mà gây ra hậu quả lớn, để đến khi còn lại chỉ là hai từ “giá như”.

Đọc thêm