Quảng Ngãi xác nhận việc khám, chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên là không hiệu quả

(PLVN) - Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc UBND huyện Bình Sơn chi ngân sách Nhà nước để ông Võ Hoàng Yên và cộng sự đến khám, chữa bệnh từ thiện là không phù hợp. Trong khi đó, qua điều tra, xác minh, Công an tỉnh Quảng Ngãi thấy phương pháp chữa bệnh của ông Yên và cộng sự có nhiều vấn đề, phản khoa học và có dấu hiệu lừa dối.
Công an tỉnh Quảng Ngãi xác minh các gia đình được ông Yên khám, chữa bệnh.
Công an tỉnh Quảng Ngãi xác minh các gia đình được ông Yên khám, chữa bệnh.

Chi 200 triệu đồng mời “thần y”

Ngày 22/3, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã chính thức có báo cáo về việc ông Võ Hoàng Yên và nhóm cộng sự khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, về mặt thủ tục, hồ sơ cấp phép cho UBND huyện Bình Sơn tổ chức khám, chữa bệnh nhân đạo do ông Yên và đoàn cộng sự là đúng quy định của Bộ Y tế. UBND huyện Bình Sơn đã bổ sung hồ sơ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Các cơ sở hồ sơ đầy đủ, trong đó Sở Y tế yêu cầu đoàn khám thực hiện đúng theo hồ sơ đăng ký và chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn cử cán bộ tham gia giám sát quá trình thực hiện chương trình tại địa phương.

Qua các báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn về việc ông Yên khám, chữa bệnh tại tỉnh Quảng Ngãi và ý kiến của Công an tỉnh, kết quả khám, chữa bệnh của ông Yên là không hiệu quả.

Việc thực hiện các kỹ thuật của ông Yên không đúng theo đăng ký. Sở Y tế rút kinh nghiệm về theo dõi quá trình giám sát chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo tại địa phương và sẽ tăng cường giám sát trong các chương trình tiếp theo.

Ông Võ Hoàng Yên khám, chữa bệnh tại huyện Bình Sơn hồi tháng 7/2020.
Ông Võ Hoàng Yên khám, chữa bệnh tại huyện Bình Sơn hồi tháng 7/2020. 

Báo cáo cũng nêu rõ, việc khám, chữa bệnh nhân đạo theo thông tư số 30/2014/TT-BYT là hoạt động từ thiện, miễn phí. Do đó, việc UBND huyện Bình Sơn sử dụng ngân sách Nhà nước để chi cho hoạt động này là không phù hợp.

Theo điều tra của Công an tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù người dân hoàn toàn miễn phí trong khám, chữa bệnh nhưng để mời được ông Yên cùng đoàn cộng sự về khám, chữa bệnh, UBND huyện Bình Sơn đã phải tốn 200 triệu đồng vào hoạt động này.Số tiền này được chi trả việc lo vé máy bay, ăn ở của đoàn ông Yên trong thời gian thực hiện chương trình khám, chữa bệnh tại địa phương.

Cũng trong ngày 22/3, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn đã họp rà soát, xem xét việc mời ông Võ Hoàng Yên và cộng sự về khám, chữa bệnh cho người dân địa phương hồi tháng 7/2020.

“Sau khi rà soát kỹ vụ việc chi tiền ngân sách 200 triệu đồng mời ông Yên về khám, chữa bệnh theo hướng khoản nào chi sai, khoản nào chi đúng, chúng tôi sẽ đề xuất hướng xử lý vụ việc”, một lãnh đạo huyện Bình Sơn cho biết.

Phản khoa học và có dấu hiệu lừa dối

Trước đó, vào tháng 7/2020, UBND huyện Bình Sơn có mời “thần y” Võ Hoàng Yên cùng đoàn cộng sự về huyện này khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân.Sau khi xảy ra sự việc “thần y” bị tố cáo, UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các sở, ngành liên quan xác minh tính hiệu quả.

Chiều 19/3, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp thông báo kết quả điều tra, xác minh. Theo báo cáo, ôngYên và các cộng sự tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân huyện Bình Sơn vào các ngày 11 và 12/7/2020. Hoạt động này do UBND huyện Bình Sơn đứng ra tổ chức.

Ông Lê Báy - Phó Giám đốc Sở Y tếtỉnh Quảng Ngãi cho biết, đầu tháng 2/2020, UBND huyện Bình Sơn có văn bản đề nghị Sở Y tế cấp phép cho đoàn khám, chữa bệnh của ông Yên tại huyện Bình Sơn. Trước khi cấp phép, sở cũng có tìm hiểu đoàn của ông Yên và quan điểm lúc đầu hoàn toàn không ủng hộ việc khám, chữa bệnh.

“Chúng tôi không tin với cách khám vỗ tai, ấn ấn, bóp bóp… mà có thể chữa được những bệnh câm, điếc bẩm sinh. Thế nhưng, vụ việc do UBND huyện Bình Sơn đứng ra tổ chức, mời ông Yên về và nói khám miễn phí cho người dân nghèo, họlại đầy đủ giấy phép, chứng chỉ hành nghề xoa bóp, bấm huyệt nên sởđã cấp phép cho hoạt động này”, ôngBáy nói.

Thời điểm đó, sau khi xem xét hồ sơ, nhận thấy việc cấp phép không trái quy định nên Sở Y tế đã cấp phép khám, chữa bệnh cho đoàn ôngYên gồm 16 người. Trong đó, 9 người có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

 Kết quả kiểm tra mới đây cho thấy, ông Yên và các cộng sự đã khám, chữa bệnh cho trên 776 người dân huyện Bình Sơn. Trong số này có 215 người bị bại liệt, câm, điếc bẩm sinh, bại liệt… Tuy nhiên, sau 8 tháng khám, chữa bệnh tất cả những trường hợp này đều không khỏi bệnh. Một số bệnh như: câm, điếc, bại não hoàn toàn không có gì tiến triển.

Ông Báy thừa nhận, ngành y tế cũng thiếu sót trong việc giám sát, ngăn chặn những hành động, phương pháp chữa bệnh không đúng quy định của ông Yên và các cộng sự.

Theo ông Phạm Quang Sự - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, khi mời đoàn ông Yên về khám, chữa bệnh, huyện chỉ mong muốn những trường hợp người dân nghèo mắc các bệnh nan y nhưng không có điều kiện khám, chữa bệnh sẽ được thầy thuốc giỏi khám, chữa trị. 

“Thời điểm đó, chúng tôi cũng không đánh giá hết được vụ việc. Qua việc này, huyện cũng đã nghiêm túc rút kinh nghiệm”, ông Sự nói.

Được biết, sau khi xảy ra sự việc tố cáo ông Võ Hoàng Yên, Công an tỉnh Quảng Ngãi, Công an huyện Bình Sơn đã đi kiểm tra ngẫu nhiên 17 trường hợpở thị trấn Châu Ổ và các xã Bình Long, Bình Thanh, Bình Tân Phú bị khuyết tật vận động, câm, điếc bẩm sinh từng được ông này khám, chữa trị. Cơ quan công an ghi nhận tất cả các trường hợp này đều không có tiến triển về bệnh tình.

Ông Nguyễn Văn T. (ngụ huyện Bình Sơn, có người thân từng được ông Yên chữa bệnh) bức xúc cho biết: “Việc ông Yên lừa người dân, rao là chữa được đủ thứ bệnh đểnhiều người tin, chứng tỏ đạo đức nghề nghiệp của ông là không tốt. Cộng sự của ông khi về Bình Sơn còn liên tục tâng bốc ông như là “thần y”.Người bệnh háo hức tin tưởng bao nhiêu thì giờ thêm thất vọng bấy nhiêu”. 

Đại tá Võ Văn Dương - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết,có những trường hợp người bệnh bị ông Yên bóp cuống họng mạnh quá nên về bị sưng, đau nặng thêm… Ông Yên ấn huyệt, bóp họng, bẻ tay chữa bệnh cho người dân theo phương pháp thô bạo như vậy nhưng không ai yêu cầu dừng lại thời điểm đó. Các ngành, địa phương cần xem lại trách nhiệm quản lý về vấn đề này.

“Qua điều tra, xác minh, chúng tôi thấy phương pháp chữa bệnh của ông Yên và cộng sự có nhiều vấn đề, phản khoa học và có dấu hiệu lừa dối”, Đại tá Dương nói.

Đại tá Dương cũng nêu vấn đề, hiệu quả chữa bệnh của ông Yên vẫn chưa có cơ quan chức năng nào kiểm chứng. Trong khi lại có nhiều thông tin là việc chữa bệnh của ông không hiệu quả. Vậy tại sao chính quyền huyện Bình Sơn không kiểm tra thông tin mà đứng ra tổ chức hoạt động này?.

“Huyện Bình Sơn tổ chức hoạt động này, giờ không ai khỏi bệnh sẽảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính quyền địa phương”, Đại tá Dương nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, từ việc xác minh khẩn trương, chính xác của ngành y tếtỉnh Quảng Ngãi và các lực lượng chức năng khác ở tỉnh này, ngành y tế các địa phương khác cần nâng cao cảnh giác, thận trọng hơn trong việc tổ chức, cấp phép cho những người chữa bệnh bằng phương pháp như ôngYên.Đặc biệt cần quản lý chặt chẽ ông Yên cùng các cộng sự của ông trong quá trình đi thăm, khám bệnh để người dân không bị tổn thương, bệnh nặng thêm.   

Đọc thêm