Rắc rối phát sinh từ một đường đi... trên giấy!

(PLVN) - Hai mảnh đất mặt tiền đường tiếp giáp nhau, được chính quyền địa phương khẳng định mấy mươi năm không hề có biến động, bỗng dưng Giấy chứng nhận QSDĐ của thửa đất thứ 3 nằm phía sau lại xuất hiện lối đi giữa hai mảnh đất mặt tiền. Việc cho ra đời lối đi một cách mâu thuẫn với bản đồ địa chính và hiện trạng sử dụng đất đã đẩy hai hộ dân vào mâu thuẫn, đối đầu nhau suốt gần 10 năm qua.
Rắc rối phát sinh từ một đường đi... trên giấy!

Mâu thuẫn vì con đường… trên giấy

Câu chuyện đầy nghịch lý trên xảy ra tại thửa đất số 382, tờ bản đồ số 17, KV7, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định. Theo hồ sơ vụ việc, vào năm 1970, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hồ và bà Lê Thị Thơ bắt đầu sử dụng một phần mảnh đất nói trên xây dựng nhà ở, quá trình sử dụng sau đó có mua thêm đất bên cạnh để sử dụng.

Đến năm 1996, địa phương tiến hành lập bản đồ địa chính thì mảnh đất vợ chồng bà Thơ có số thửa 382 (tờ bản đồ 17), diện tích 601,58m2. Đến năm 2001, hộ bà Thơ được UBND TP Quy Nhơn cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho thửa đất nói trên. Về tứ cận thửa đất, bản đồ địa chính năm 1996 và thực tế sử dụng đất thể hiện, thửa 382 có mặt tiền (hướng Tây) tiếp giáp đường Lạc Long Quân (Quốc lộ 1A), 3 mặt còn lại đều giáp với nhà và đất các hộ dân.

Thửa đất 382 của gia đình bà Thơ nằm tiếp giáp với ngôi nhà thuộc thửa 387
 Thửa đất 382 của gia đình bà Thơ nằm tiếp giáp với ngôi nhà thuộc thửa 387

Rắc rối bắt đầu xuất hiện vào năm 2011, khi bà Lê Thị Quỳnh Trâm (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) được UBND TP Quy Nhơn cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho mảnh đất liền kề hướng Đông thửa 382 của bà Thơ. Theo đó, Giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho bà Trâm có thể hiện “đường đi chung rộng 2,5m”, tại cạnh Nam thửa đất bà Thơ.

Mâu thuẫn giữa hai hộ dân xuất hiện từ thời điểm đó và tiếp tục gay gắt cho đến tận bây giờ, khi bà Thơ thì kiên quyết phản đối chính quyền cấp lối đi vô lý cho hàng xóm, còn bà Trâm thì muốn đòi bằng được con đường đi vốn dĩ chỉ xuất hiện trên… giấy, trong khi mảnh đất của bà trên thực tế đã có sẵn lối đi và hiện đang được sử dụng.

Chính quyền trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Liên quan đến vấn đề con đường đi dẫn từ đường Lạc Long Quân vào đất của bà Trâm, chính quyền địa phương từ năm 2011 đã nhiều lần phản đối vấn đề này. Tại văn bản số 75/UBND-ĐC ngày 04/08/2011, UBND phường Trần Quang Diệu đề nghị các cơ quan chức năng thành phố tạm dừng việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Trâm để chờ giải quyết tranh chấp hoặc không cấp diện tích đất đường đi cho bà Trâm. Vấn đề cần nhắc lại, ngoài con đường đi gây tranh cãi này thì phần đất của bà Trâm đã có sẵn lối đi, cổng ngõ.

5 ngày sau, UBND phường Trần Quang Diệu tiếp tục có văn bản số 77/UBND-ĐC, tiếp tục khẳng định sự việc với mức độ chi tiết hơn. Đó là thửa đất 382 của gia đình bà Thơ sở hữu từ giai đoạn 1996 đến thời điểm bấy giờ không có chỉnh lý biến động lần nào, trên bản đồ địa chính cũng không hề thể hiện đường đi từ thửa đất bà Trâm nối thẳng ra đường Lạc Long Quân. UBND phường đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai TP Quy Nhơn không tham mưu cấp chồng Giấy chứng nhận QSDĐ.

Mặc dù phường Trần Quang Diệu đã có nghề nghị như vậy nhưng sau đó không lâu, vào tháng 9/2011, UBND TP Quy Nhơn vẫn cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Trâm, trên đó có “đường đi chung rộng 2,5m”. Chính việc này khiến hai hộ dân thêm xích mích, liên tục đơn thư khiếu nại đến các cấp chính quyền và tòa án.

Vào cuộc xác minh sau đó, Thanh tra TP Quy Nhơn trong báo cáo số 52/BC-TTr ngày 08/05/2014 cho rằng, cho đến thời điểm bấy giờ Giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho gia đình bà Thơ (thửa 382) vẫn nguyên giá trị pháp lý và thửa đất này không có sự chỉnh lý biến động nào về QSDĐ, thực tế giới cận thửa đất không đổi so với bản đồ năm 1996. Hiểu cách khác, hồ sơ đất đai và giấy tờ pháp lý của bà Thơ không hề có con đường nào nằm cạnh hướng Nam thửa đất 382.

UBND TP Quy Nhơn trong văn bản báo cáo vụ việc số 173/BC-UBND ngày 29/7/2016 cũng tái khẳng định: “Theo bản đồ địa chính đo vẽ năm 1996 tại phường Trần Quang Diệu thì thửa 382 của hộ bà Thơ có mặt tiền tiếp giáp đường Lạc Long Quân, các mặt còn lại đều tiếp giáp với nhà dân.

Bản đồ địa chính không thể hiện lối đi nào ở bên cạnh thửa đất của bà Thơ (không thể hiện phần đất đường luồng ở phía Nam như Giấy chứng nhận đã cấp cho bà Lê Thị Quỳnh Trâm như hiện nay)… trên thực tế hiện nay thửa đất số 382 của bà Lê Thị Thơ có giới cận không thay đổi so với bản đồ địa chính năm 1996”.

UBND thành phố Quy Nhơn cũng nêu rõ: “…bản đồ địa chính đo vẽ năm 1996 tại phường Trần Quang Diệu thì thửa đất số 391 và 392 (thửa đất của bà Trâm) không có lối đi nào ra phía đường Lạc Long Quân, mà có lối đi khác về hướng Đông”. Điều này đồng nghĩa việc, sau khi được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ năm 2011, phần đất bà Trâm sẽ có tới… 2 lối đi.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, 2 năm sau, tại văn bản số 2228/UBND-TD ngày 9/7/2018, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, công nhận lối đi nối từ đất bà Trâm ra đường Lạc Long Quân, chiều rộng lối đi lúc này giảm xuống 1,8m, chiều dài khoảng 49m. Đồng thời đề nghị bà Trâm liên hệ cơ quan chức năng cấp đổi lại Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp năm 2011 với lối đi có kích thước nói trên.

Đầu năm 2019, bà Trâm được cấp đổi Giấy chứng nhận QSDĐ, với con đường đi từ trước đến nay chưa hề có trên thực tế. Cũng vì những nghịch lý trên, tranh chấp giữa hai bên vốn dai dẳng lại càng phức tạp, liên tục có những kiện tụng, khiếu nại vượt cấp. Tháng 9/2019, bà Trâm khởi kiện ra tòa yêu cầu bà Thơ chấm dứt việc cản trở xây dựng lối đi.

Như đã nói, từ năm 2011 – thời điểm trước khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ liên quan đến lối đi cho bà Trâm, UBND phường Trần Quang Diệu đã đề nghị việc cấp chủ quyền đường đi phải chờ giải quyết xong tranh chấp, tuy nhiên đề nghị này không được cấp trên chấp thuận. Kết quả, tranh chấp chưa được giải quyết thì thành phố đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ công nhận đường đi, sau lại cho phép cấp đổi và ngang nhiên điều chỉnh diện tích lối đi, khiến vụ việc càng phức tạp.

Các luật sư cho rằng, trường hợp nếu diện tích đất thực tế của bà Thơ sử dụng tăng hơn so với diện tích được công nhận nhưng ranh giới sử dụng của thửa đất ổn định thì đó là sai số do đo đạc, không có căn cứ để cho rằng diện tích chênh lệch là lối đi.

Trong khi đó, việc tranh chấp của người dân trong trường hợp này (đất tranh chấp đã được cấp Giấy chứng nhận) thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Việc Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn và các cơ quan thụ lý đơn và phân định tranh chấp là không phù hợp quy định của pháp luật về đất đai. Như vậy, xuất phát từ những mâu thuẫn, lỏng lẻo trong cách quản lý của địa phương mà hai hộ dân xảy ra tranh chấp, xung đột kéo dài gần 10 năm và hiện vẫn tiếp diễn.

“Chính quyền công nhận có lối đi ra đường Lạc Long Quân thuộc quyền sở hữu của bà Trâm tức là đã cấp chồng lên thửa đất số 382 của gia đình tôi sử dụng ổn định. Vì trên thực tế ranh giới sử dụng thửa đất số 382 của gia đình tôi với thửa đất 387 của gia đình ông Nguyễn Hồng Hậu đang sử dụng không hề thay đổi suốt gần 50 năm qua”, ông Nguyễn Ngọc Hồ - chồng bà Lê Thị Thơ bức xúc nói và cho biết đã khởi kiện các cơ quan liên quan ra tòa.

Đọc thêm