Hỏi: Trước khi mất, cha tôi có lập di chúc để lại toàn bộ ngôi nhà mà hiện mẹ con tôi đang ở cho người con trai (anh này là con của cha với người vợ trước, hiện anh đã lấy vợ, có chỗ ở riêng). Mẹ con tôi được cha chia cho mỗi người một sổ tiết kiệm. Vấn đề tài sản cha tôi chia cho, mẹ con tôi không có ý kiến gì.
Tuy nhiên, sau khi cha mất được hơn ba tháng thì xảy ra sự cố. Chuyện là, sau lễ cúng 100 ngày cho cha, người anh cùng cha khác mẹ với tôi đã yêu cầu mẹ con tôi bàn giao ngôi nhà cho anh theo di chúc cha để lại. Mẹ tôi muốn ở lại để hương khói thờ phụng cha cho đến hết giỗ đầu, cũng là có thời gian để mẹ con tôi thu xếp, tìm chỗ ở mới nhưng anh không đồng ý.
Xin hỏi pháp luật có cho phép chia thừa kế trong thời điểm cha tôi vừa mới mất hay không? Trường hợp mẹ tôi yêu cầu tạm hoãn việc chia thừa kế liệu có được chấp nhận? (Bạn Thường Xuân, 21 tuổi ở Hải Dương).
Luật sư trả lời: Theo Điều 611 Bộ luật Dân sự thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, việc anh bạn yêu cầu chia thừa kế theo di chúc ngay sau khi cha bạn mất là không trái pháp luật.
Tuy nhiên, do hiện tại mẹ con bạn đang sinh sống trong ngôi nhà là đối tượng tài sản mà người anh của bạn được hưởng theo di chúc và hiện tại mẹ con bạn chưa tìm được chỗ ở mới, việc chia di sản thừa kế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của mẹ con bạn nên theo quy định tại Điều 661 Bộ luật Dân sự 2015, mẹ của bạn có quyền yêu cầu tạm hoãn việc chia thừa kế.
Cụ thể, Điều 661 Bộ luật Dân sự quy định như sau: “Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định.
Thời hạn này không quá ba năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn ba năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu tòa án gia hạn một lần nhưng không quá ba năm”.