* Sập app trang trại tiết kiệm, nhà đầu tư mất hơn 44 tỷ đồng
Chưa được cấp phép đã hoạt động rầm rộ
Trước đó, ngày 28/11/2020, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết đã khởi tố vụ án và đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật các đối tượng trong Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bigbuy24h Việt Nam về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả danh trang thương mại điện tử”.
Trong quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Thanh Hoá xác định, Nguyễn Văn Anh là chủ mưu trong việc lập ra Công ty Bigbuy24h Việt Nam, thuê người thiết kế website và app dành cho di động, đăng ký kinh doanh và nộp đơn xin đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đồng thời “nổ” việc được quỹ đầu tư góp vốn gần 1.000 tỷ đồng để thu hút những nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin nhằm chiếm đoạt tài sản.
Với những buổi gặp mặt khách hàng hoành tráng tại các khách sạn lớn cùng lời “có cánh” về những dự án nghìn tỷ, mang lại lợi nhuận kếch xù khiến các nạn nhân như rơi vào mê hồn trận. Từ những thủ đoạn trên, các đối tượng Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bigbuy24h Việt Nam đã lừa đảo hàng vạn người, với con số thống kê bước đầu của Công an tỉnh Thanh Hoá đã lên đến 500 tỷ đồng.
Theo tài liệu của cơ quan công an, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bigbuy24h Việt Nam được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận ĐKDN Công ty TNHH một thành viên từ ngày 16/11/2018, có trụ sở tại NV10, KĐT Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội; mã số doanh nghiệp: 0108516745 do Nguyễn Văn Anh (SN 1982, thường trú ở ngõ 92, đường Nguyễn Sơn, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội) làm chủ sở hữu và là người đại diện theo pháp luật, có vốn điều lệ là 68 tỷ đồng. Nguyễn Văn Anh trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động của công ty.
|
Nguyễn Văn Anh- Đối tượng bị Công an tỉnh Thanh Hóa truy nã. |
Để thực hiện hành vi lừa đảo, “loè” các nạn nhân, ngày 10/1/2019, Nguyễn Văn Anh đã nộp đơn đến Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) của Công ty TNHH Thương mại điện tử Bigbuy24h Việt Nam. Mặc dù vừa nộp đơn, chưa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cấp phép cho website hoạt động nhưng Nguyễn Văn Anh đã đưa tin rầm rộ trên các trang mạng và một số báo điện tử đã “tung tin” về việc Quỹ WDI đến từ Hong Kong và trang TMĐT Bigbuy24h.com ký kết hợp tác chiến lược và đầu tư trong đó Quỹ WDI sẽ đầu tư số tiền 680 triệu USD vào trang web mua sắm online Bigbuy24h.com.
Đến ngày 8/8/2019, Nguyễn Văn Anh xin phép thay đổi kinh doanh. Theo đó, Công ty Bigbuy24h Việt Nam được Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận ĐKDN Công ty TNHH hai thành viên trở lên, trụ sở chính tại tầng 2 số 79 Thiên Hiền, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Vốn điều lệ là 980 tỷ đồng do hai thành viên góp vốn gồm Nguyễn Văn Anh góp 68 tỷ đồng và Công ty TNHH Đầu tư Quỹ Wanda Hongkong góp 912 tỷ đồng. Lúc này, Nguyễn Văn Anh thuê 1 căn Shophouse tại TT24 - HD Mon (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) làm trụ sở công ty và chuyển Đoàn Đức Tâm cùng Ban giám đốc, bộ phận phát triển thị trường về địa điểm trên để làm việc.
Chiêu trò tinh vi
Theo quy chế hoạt động do Nguyễn Văn Anh và đồng bọn đặt ra, sàn giao dịch TMĐT Bigbuy24h.com là nơi kết nối giữa chủ shop, doanh nghiệp và người mua hàng, trong đó các thành viên trên sàn giao dịch thương mại điện tử là các thương nhân, tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại hợp pháp, được Bigbuy24h.com chính thức công nhận bằng hợp đồng cung ứng dịch vụ sàn thương mại điện tử. Sản phẩm, dịch vụ tham gia giao dịch tại sàn thương mại điện tử phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo phải có hàng hoá và tương ứng với số lượng, chất lượng, chủng loại, mã sản phẩm… đã nêu trên sàn thương mại điện tử.
Để kêu gọi, lôi kéo được nhiều người tham gia sàn TMĐT Bigbuy24h, Nguyễn Văn Anh xây dựng cơ chế tặng điểm và cơ chế phát triển hệ thống theo cơ chế tặng điểm. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, chủ shop: Khi bán hàng trên Bigbuy24h, doanh nghiệp, chủ shop, cá nhân sẽ chiết khấu trong khung từ 1% đến 34%, tùy thuộc vào biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như từng danh mục hàng hóa khác nhau, số phần trăm chiết khấu được thỏa thuận giữa người mua và người bán. Sau khi chiết khấu về công ty, người bán sẽ được công ty hoàn trả đến 100% chiết khấu, nhưng sẽ hoàn trả dần, mỗi ngày được hoàn trả 1 phần 300 số điểm trong ví “điểm khoá”.
Đối với người mua hàng: trong mỗi đơn hàng, khi người bán hàng chiết khấu một phần trăm nào đó bất kỳ trong khung từ 1-33% thì khách hàng sẽ được công ty thưởng tích điểm tổng bằng 3 lần số phần trăm chiết khấu của người bán hàng, số điểm này cũng được hoàn trả dần, mỗi ngày hoàn trả 1 phần 500 số điểm trong ví “điểm tổng”. Người tiêu dùng hay người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT Bigbuy24h đăng ký miễn phí.
Đặc biệt, trong cơ chế phát triển hệ thống, Văn Anh đã quy định những người giới thiệu trực tiếp (F1) được công ty tặng 200.000 điểm bigbuy vào tài khoản. Người giới thiệu gián tiếp (F2) nhận 100.000 điểm. Người giới thiệu được hưởng 2% chiết khấu tổng doanh thu bán sản phẩm của F1, 1% của F2. Căn cứ trên quy chế hoạt động của sàn Bigbuy24h, những người được giới thiệu tham gia là thành viên của Bigbuy24h hiểu đây là một cơ hội đầu tư và càng giới thiệu lôi kéo nhiều người khác tham gia thì càng có lợi vì được hưởng hoa hồng môi giới.
Theo đó, đối với mỗi đơn hàng được bán ra qua sàn Bigbuy24h thì chủ shop, doanh nghiệp thiết lập đơn hàng (loại hàng hóa và tổng giá trị đơn hàng) và tỷ lệ chiết khấu (chiết khấu từ 1% đến 34%), sau khi thiết lập đơn hàng và chọn hình thức thanh toán bằng QR Code thì tại App Bigbuy24h của chủ shop, doanh nghiệp sẽ được nhận 1 mã QR code. Mã QR code này sẽ được người mua quét xác nhận. Lúc này chủ shop phải chiết khấu về cho Công ty Bigbuy24h theo tỷ lệ thỏa thuận với người mua từ ví “số tiền nạp”.
Sau khi đã hoàn thành giao dịch mua, bán như trên thì Công ty sẽ hoàn 100% số điểm chiết khấu lại cho shop, doanh nghiệp về mục Điểm khóa (số điểm này sẽ được hoàn trả dần và có thể được quy đổi thành tiền để rút ra), đồng thời công ty sẽ thưởng điểm cho người mua gấp 3 lần số % chiết khấu về mục Điểm tổng trong ví điện tử (số điểm này sẽ được hoàn trả dần và chỉ có thể sử dụng để mua sắm các loại hàng hóa được bán trên sàn Bigbuy24h).
Tuy nhiên, trên thực tế, cả chủ shop, doanh nghệp và người mua đều là “ảo” bởi không hề có giao dịch mua bán nào diễn ra, những người trao đổi với nhau đều là các bị hại mà Văn Anh cho họ diễn những vai khác nhau với mục đích để họ tưởng có lợi thật nên nộp tiền vào cho hắn càng nhiều càng tốt.
Điều đáng nói là, không chỉ các khách hàng bị lừa, một số cán bộ chủ chốt của Công ty Bigbuy24h Việt Nam cũng không biết mình tiếp tay cho lừa đảo. Điển hình như trường hợp Lại Thu Hà - cán bộ chủ chốt của công ty được tuyển dụng để làm quản lý. Vào đầu tháng 3/2020, Nguyễn Văn Anh thông báo với các thành viên ban giám đốc Công ty Bigbuy24h về việc ký kết hợp tác với tập đoàn SB Capital Managenment của Mỹ tại trụ sở của tập đoàn Newlife (số 31 Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Tuy nhiên đến trước khi ký kết 1 ngày, Nguyễn Văn Anh gọi điện thoại cho Lại Thu Hà nói về việc mình bị cách ly bởi Covid-19, nhờ Lại Thu Hà làm đại diện công ty để ký kết vì “mọi việc đã được thống nhất và sắp đặt hết rồi, tất cả cứ nghe theo Dũng nói mà thực hiện”. Vì Văn Anh chỉ đạo như vậy nên ngày 16/3/2020, Hà đến ký kết mà không biết nội dung hợp đồng là gì, lễ ký kết cũng không có sự tham gia của cơ quan có thẩm quyền.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Thanh Hoá đã xác định, do phát hiện có dấu hiệu bất thường, đến ngày 24/12/2019, Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số, Bộ Công Thương đã có giấy mời yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Bigbuy24h Việt Nam cử người đại diện theo pháp luật đến làm việc về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử qua website bigbuy24h.com của công ty và thông báo tạm thời dừng hồ sơ đăng ký.
Sau đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã làm việc với Công ty Bigbuy24h Việt Nam đồng thời có công văn yêu cầu Công ty Bigbuy24h Việt Nam giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến hoạt động của website bigbuy24h.com.
Ngày 22/1/2020 yêu cầu Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Bigbuy24h Việt Nam dừng ngay hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử qua website Bigbuy24h.com. Đến ngày 14/2/2020 có Công văn số 88/TMĐT-QL gửi Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an yêu cầu điều tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm hình sự và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại trên quy mô lớn cho người dân và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của Công ty Bigbuy24h Việt Nam.
Qua thu thập tài liệu, chứng cứ, cơ quan Công an đã xác định Công ty Bigbuy24h Việt Nam chưa được phép của Bộ Công Thương cho thành lập sàn thương mại điện tử, không đầu tư kinh doanh gì và cũng không hợp tác với bất cứ quỹ/công ty nào. Tất cả chỉ là màn kịch các đối tượng dựng lên để lừa đảo.
Được biết, qua thống kê sơ bộ, bước đầu, Công an tỉnh Thanh Hoá đã làm rõ có hàng vạn khách hàng tham gia hệ thống trên với số tiền nộp vào khoảng 500 tỷ đồng. Ngày 24/7/2020, website Bigbuy24h.com và app ngừng hoạt động, tất cả các thành viên của sàn TMĐT Bigbuy24h không thể đăng nhập vào app đã tải về điện thoại. Nguyễn Văn Anh và Lê Hạnh Minh cũng cắt đứt mọi liên lạc với những thành viên còn lại của công ty, không ai biết Anh và Minh ở đâu, các trụ sở làm việc của Bigbuy24h cũng bị chủ sở hữu thu hồi để cho người khác thuê lại.
Bản án nghiêm khắc “đón chờ” các siêu lừa
Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh - Phó Giám đốc công ty Luật TNHH Link & Partners phân tích: Đối chiếu với các quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, hành vi của Nguyễn Văn Anh là có tổ chức, hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, số tiền chiếm đoạt bước đầu được xác minh là 500 tỷ đồng, theo đó đối tượng này có thể đối diện với mức án lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, Nguyễn Văn Anh còn có thể phải chịu thêm trách nhiệm bổ sung như phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
|
Luật sư Đỗ Thị Thu Hạnh - Phó Giám đốc công ty Luật TNHH Link & Partners. |
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Thanh Hoá đã đủ tài liệu, chứng cứ, khởi tố vụ án hình sự về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 290 BLHS và đang tiến hành các biện pháp điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Vấn đề được ưu tiên bây giờ là nhanh chóng tìm ra đối tượng Nguyễn Văn Anh đang bị truy nã, đưa ra trước pháp luật để chịu trách nhiệm cho hành vi phạm pháp của mình.
Như vậy, cũng như hàng loạt công ty đa cấp bán các shop online ảo trước đó như MB 23, Tâm Mặt Trời, Trường Giang, Liên Kết Việt... Bigbuy24h cũng đã thực hiện cú lừa ngoạn mục đối với hàng vạn người, chiếm đoạt số tiền lớn rồi bỏ trốn. Cơ quan báo chí đã nhiều lần cảnh báo các nạn nhân không nên tin theo lời đường mật của các đối tượng khi nộp tiền thật để nhận điểm kinh doanh ảo, bởi dù nhiều thủ đoạn khác nhau (bán hàng chất lượng kém, giá đắt; huy động tiền đầu tư các dự án “khủng” hoặc lấy tiền của người sau trả nhỏ giọt cho người trước, chia chác phần trăm lãi suất cao...) đều là thủ đoạn của những kẻ lừa đảo cao tay. Bởi, chẳng có đầu tư gì có thể “một vốn bốn lời” kiếm tiền dễ dàng như vậy được.
Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”:
1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.