Vụ án mạng đau lòng
Ngày 10/3/2005, tuy thời tiết đã sang xuân, nhưng vẫn rất nhanh tối trời. Mới hơn 6 giờ chiều mà đã tối nhọ mặt người khi ông Trần Văn L. ở xã Thái Thịnh, huyệnKinh Môn, tỉnh Hải Dương sang giếng nhà hàng xóm múc nước cho heo uống.
Khi thả gàu múc xuống giếng, ông cảm giác là gàu vướng vào một vật gì đó. “Lạ thế nhỉ, ai đánh rơi gì xuống giếng à” – ông L tự hỏi và cúi đầu nhìn xuống lòng giếng rồi rụng rời tay chân khi phát hiện dưới giếng có thi thể một trẻ nhỏ. Hoảng quá, ông vứt tọt dây gàu và hô hoán làng nước.
Hài nhi xấu số nằm dưới giếng là cháu Nguyễn S. sinh năm 2004 lúc này mới 14 tháng tuổi. Cháu S là con trai của anh Nguyễn T. và chị Phạm H. Bố mẹ cháu bé đều là người dân trong xã.
Đáng nói là vài giờ trước khi ông L. phát hiện ra cháu S. nằm dưới giếng, UBND xã đã thông báo trên hệ thống đài truyền thanh để tìm cháu. Lý do bố mẹ cháu không tìm thấy cháu ở trong nhà và quanh nhà người thân, hàng xóm. Vì mới 14 tháng tuổi không thể bỏ đi xa nên bố mẹ cháu đoán cháu bị bắt cóc, báo với chính quyền xã. Thông tin về cháu bé mất tích nhanh chóng lan khắp vùng quê vốn trước nay rất yên bình.
Ngay sau khi nhận được tin, Công an huyện Kinh Môn và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Hải Dương nhanh chóng tiến hành điều tra. Kết quả khám nghiệm pháp y tử thi ban đầu cho thấy, trên cơ thể cháu S. không phát hiện vết tác động của ngoại lực, nguyên nhân tử vong là do ngạt nước. Tuy nhiên, tai nạn đuối nước bị loại trừ, bởi cháu bé mới 14 tháng tuổi, chập chững biết bò, trong khi khoảng cách từ nhà ra giếng khoảng 50m, với hơn 30m là đường đất và rãnh nước.
Với khả năng của một đứa trẻ mới 14 tháng tuổi, cháu bé không thể bò qua thành giếng cao. Do đó, cơ quan điều tra xác định đây là vụ án giết người và thời gian tử vong chỉ ngay trước thời điểm phát hiện vài giờ đồng hồ, tức là trong khoảng từ 14 giờ đến 15 giờ ngày 10/3/2005.
Qua đánh giá ban đầu, các điều tra viên cho rằng tuy là vụ án giết người nhưng vụ việc không có dấu hiệu giết người cướp của, vì tài sản gia đình anh Tiến không bị mất, trên người cháu S. cũng không đeo vật trang sức giá trị.
Như vậy nhiều khả năng là giết người do mâu thuẫn thù tức. Lực lượng chức năng tập trung tìm hiểu mâu thuẫn liên quan đến cha mẹ cháu bé thì thấy cha mẹ cháu bé làm nghề nông, ít tiếp xúc xã hội, cũng không có mối quan hệ gì phức tạp để dẫn đến mâu thuẫn sâu nặng đến mức phải sát hại một đứa trẻ.
Khả năng đối tượng từ tỉnh khác đến gây án cũng được đưa ra và bị loại trừ, vì thời điểm gây án từ lúc 14 giờ đến 15 giờ ngày 10/3/2015, tức chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Khó có người lạ nào từ địa phương khác đến gây án mà lại thông thạo địa hình, tiến hành nhanh gọn như vậy mà không bị người dân địa phương để ý.
Dấu dép đáng ngờ tại hiện trường
Để tiến hành điều tra, lực lượng chức năng đã tập trung rà soát các đối tượng xung quanh hiện trường, kể cả những người thân trong gia đình, dựng chân dung nghi phạm và mời những người liên quan đến làm việc.
Tập trung ghi lời khai tất cả những người xung quanh khu vực xảy ra án mạng, cơ quan điều tra phát hiện người hàng xóm tên T. sống một mình, thường say rượu, không nghề nghiệp ổn định, có hành vi bất thường.
Anh T.cũng khai nhận, trước đây có mâu thuẫn với người đàn ông này. Khi được mời làm việc, ngoài những lời khai bất nhất, lúc nhớ, lúc quên thì ông T. không nhớ mình uống rượu ngủ trong nhà từ lúc nào và cũng không ai chứng kiến việc này. Người đàn ông này cũng nhất mực khẳng định là mình không sát hại cháu bé.
Vụ án tưởng như sắp đi vào ngõ cụt vì xảy ra ở nơi vắng vẻ, không có nhân chứng nên khó xác định được nghi phạm, thì có tin vui ở hiện trường báo về. Phân tích các dấu vết để lại hiện trường, các kỹ thuật viên kỹ thuật hình sự phát hiện có một dấu dép cỡ 36 đặc biệt đáng ngờ.
Từ độ sâu của dấu dép, có thể xác định người mang dép cao khoảng 1,6m, nặng khoảng 50kg. Sàng lọc cho thấy các nhân chứng hay những người phát hiện vụ việc không ai có chiều cao, cân nặng, cỡ dép tương ứng. Thu thập thêm một số dấu vết chân khác, kỹ thuật viên xác định, người mang dép là phụ nữ, khoảng trên dưới 30 tuổi và có dị tật gì đó ở chân nên dấu chân để lại ở hiện trường khác với người khỏe mạnh bình thường.
Một tình tiết nữa cũng được các điều tra viên chú ý là nhà vợ chồng anh T. có cặp chó rất dữ, nhiều lần đã dọa cho hàng xóm chết khiếp, nên nếu giả sử có người lạ xuất hiện gây án thì chó đã sủa thu hút sự chú ý của mọi người. Nhưng ở thời điểm gây án lời khai của nhân chứng cho thấy không ai nghe thấy tiếng chó nhà anh T. sủa cả.
Về cháu bé nạn nhân, qua lời kể của cha mẹ, ông bà các điều tra viên cũng biết được cháu khá khó tiếp cận. Tức là không cho người lạ bế bao giờ, chỉ theo người quen. Nếu người lạ cố tình bế cháu sẽ khóc rất to.
Từ những tình tiết này cơ quan điều tra đã thu nhỏ vùng khoanh xác định tội phạm và khẳng định hung thủ chắc chắn là người quen và có mối quan hệ thân thiết với bố mẹ cháu bé cũng như bản thân cháu bé.
Bộ mặt người cô độc ác
Từ định hướng này, tất cả những đối tượng nghi vấn mà cơ quan chức năng dựng lên đều được rà soát xét rất kỹ về thời gian biểu lúc diễn ra án mạng. Kết quả sàng lọc nổi lên đối tượng tình nghi là Nguyễn Thị L. sinh năm 1992 là em gái ruột anh T., ở cùng xã.
Ban chuyên án cử một mũi trinh sát theo dõi L. và nhận thấy đối tượng có một số biểu hiện bất thường. Thông qua những người thân và hàng xóm, trinh sát nắm được, từ khi dự đám tang cháu bé về, L. không thiết đến ăn uống, liên tục giật mình khi ai đó nhắc đến việc bé S. có khả năng bị sát hại, chứ không phải tự ngã mà chết. Ngoài ra, L. bị dị tật thọt một chân, nên hàng ngày cách đi đứng của L. cũng khác với người bình thường.
Tuy nhiên, thời lời khai của anh T., hoảng 15 giờ 45 ngày 10/3/2005 khi vợ chồng anh đang ở nhà, thì L. đến chơi và hỏi “Cháu S. đâu?”. Trước đó, khi hai vợ chồng anh T. đi làm về và ăn cơm trưa, vẫn thấy S. quanh quẩn chơi quanh nhà nên khi em gái hỏi “Cháu S. đâu?” anh T. vẫn nghĩ con đang chơi trong sân, liền trả lời em gái như thế rồi đi nghỉ trưa.
Thế nhưng anh T. có ngờ đâu câu hỏi đó của em gái chính là câu hỏi nhằm tạo chứng cớ ngoại phạm, còn lúc đó, cháu S. đã bị chính người cô của mình ném xuống giếng tử vong.
Khi được mời về cơ quan công an làm việc, L. kiên quyết không thừa nhận đã sát hại cháu S. Tuy nhiên bằng những dấu vết tại hiện trường và phân tích những mâu thuẫn trong lời khai của L., sau 8 tiếng làm việc với cơ quan công an, sáng ngày 12/3/2015, đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội và sự việc được sáng tỏ.
L. là con út trong gia đình có 5 anh em. Năm 2013, mặc cho gia đình ngăn cấm, L. theo một người đàn ông về Hải Phòng sinh sống. Cuộc sống vợ chồng hờ êm ấm không được bao lâu, do mâu thuẫn, L.bế con trai nhỏ về quê sống với cha mẹ ruột. Thương con gái lận đận, cha mẹ L. cưu mang. L. không có công ăn việc làm, suốt ngày ở nhà chăm sóc con và la cà hàng xóm chuyện trò.
Quãng thời gian này, L. thường đến chơi và ở lại rất lâu tại nhà vợ chồng anh trai. Cha mẹ anh T. tỏ ý không hài lòng vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của vợ chồng con trai. Góp ý, rầy la L. nhưng không có kết quả, cha mẹ anh T. la mắng cả chị H. là chị dâu L., vợ anh T. Bị bố mẹ chồng mắng oan, chị H. lại trách L. về việc để mình bị liên lụy. Sự việc chỉ có vậy, nhưng L.mang lòng thù hận chị dâu, anh trai và gây ra vụ án đau lòng trên.
Vụ án đã khép lại với mức án 20 năm tù dành cho người cô ruột độc ác nhưng mãi mãi là câu chuyện buồn không thể quên trong ký ức người dân ở xã.
Ám ảnh các vụ sát hại chính người thân trong gia đình
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ trọng án xảy ra mà thủ phạm và nạn nhân lại là người thân trong gia đình để lại những ám ảnh, lo lắng trong xã hội. Theo kết quả phân tích các vụ án giết người, có khoảng 15-17% số vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau, trong đó 60-70% số vụ do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời, đối tượng phạm tội lần đầu.
Nhận định về việc này, Luật sư Nguyễn Minh Tuấn - Công ty Luật Intercode cho biết việc có đến 15-17% số vụ giết người do người thân quen trong gia đình sát hại lẫn nhau là một biểu hiện rất đáng lo ngại.
Chế tài pháp luật chỉ là một trong những yếu tố có thể tác động đến sự gia tăng hoặc giảm bớt những hành vi vi phạm pháp luật. Điều quan trọng là phải xem xét và nhìn nhận khách quan những yếu tố mang tính quyết định tới sự gia tăng hành vi phạm tội trong những năm gần đây. Những tệ nạn như ma túy, cờ bạc, rượu chè... chính là những tác nhân xấu khiến cho con người mất đi những chuẩn mực đạo đức vốn có.
Còn theo Trung tá Đào Trung Hiếu chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an thì tội ác trong gia đình là do hiện nay sợi dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân trong mỗi gia đình lỏng lẻo hơn. Con người ta sống vì lợi ích cá nhân, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh…tất yếu dẫn đến một phản ứng dây chuyền trong các thành viên khác.
Khi con người cùng một gia đình sống lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau, nếu phát sinh mâu thuẫn, xung đột, va chạm, xích mích họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.
Thông tin mới đây từ Bộ Công an cho biết để từng bước góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm các vụ giết người và các vụ án mạng trong gia đình nói riêng, lực lượng Công an đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức phòng ngừa tội phạm; xây dựng các hình thức tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ pháp luật, tư vấn xử lý các tình huống, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, vai trò người có uy tín trong hòa giải các mâu thuẫn, không để phát sinh tội phạm; đồng thời tập trung nâng cao hiệu quả xử lý, tố giác tin báo về tội phạm giết người; kịp thời ngăn chặn các vụ việc, biểu hiện có thể dẫn đến hành vi giết người…