Từ vụ tung clip nóng ở Hậu Giang: Bắt giam kẻ phát tán, chỉ cảnh cáo “khổ chủ” liệu có thỏa đáng?

(PLVN) - Lãnh đạo một ngành ở Hậu Giang vừa bị kỷ luật cảnh cáo vì đã có gia đình nhưng vẫn quan hệ bất chính, lộ clip nóng với người phụ nữ khác. Trong khi đó, 2 đối tượng đăng lên Facebook 4 đoạn clip “nóng” của “khổ chủ” đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Vụ việc đang gây ra những ý kiến trái chiều trên các diễn đàn, mạng xã hội. 
(Hình minh họa)
(Hình minh họa)

Xử lý bên nặng, bên nhẹ? 

Ngày 23/4 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang - ông Cam Quang Vinh cho biết, đã công bố quyết định kỷ luật đối với vị cán bộ nói trên. Theo đó, căn cứ các quy định của Đảng, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang đã kỷ luật ông này bằng hình thức cảnh cáo.

Tại buổi công bố quyết định, ông nhận quyết định kỷ luật và cam kết tiếp tục khắc phục. Về mặt chính quyền, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang có văn bản báo cáo lên ngành quản lý của người cán bộ địa phương "đóng phim" để có hướng xử lý tiếp theo.

Liên quan đến vụ việc, sau gần 2 tháng vào cuộc điều tra - ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hậu Giang đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Chí Hiếu (quê quán Cà Mau) và Bùi Văn Phi (quê quán Hậu Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Các quyết định này đã được VKSND tỉnh Hậu Giang phê chuẩn. Sau khi tống đạt các quyết định trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khám xét nơi ở của 2 đối tượng Hiếu và Phi để mở rộng điều tra vụ án.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2020, trên mạng xã hội xuất hiện 4 đoạn clip “nóng” ghi lại cảnh quan hệ bất chính của đôi nam nữ. Trong đó, nhân vật nam được nhân vật nữ nhiều lần cố tình dùng tay “đẩy” lên về phía camera để nhìn rõ mặt. Về việc khởi tố, bắt tạm giam 2 người đăng lên mạng xã hội 4 đoạn clip “nóng” và việc cán bộ chỉ nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo đã dẫn đến khá nhiều ý kiến trái chiều “nổ” ra trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Các chuyên gia nói gì?

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, các luật sư đã có những phân tích khách quan xung quanh mức kỷ luật cảnh cáo đối với vị cán bộ lộ nhiều clip “nóng” và việc khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy để tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Cụ thể, Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo Điều 24 Quy định 102/ QĐ-TW 2017 quy định về xử lý kỷ luật đối với đảng viên quy định về “Vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình” thì vị cán bộ (tạm gọi là A) không vi phạm một trong các trường hợp quy định tại điều này vì qua quá trình điều tra ông A “Không vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng”.

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Hà Nội)
Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Hà Nội)

Trường hợp trong quá trình điều tra có căn cứ cho rằng ông A đã xác lập quan hệ vợ chồng hoặc có hành vi chung sống như vợ chồng với người phụ nữ trong đoạn clip khi mà ông A đang có vợ thì tùy vào tính chất, hậu quả của hành vi này thì ông A có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Còn theo điểm b khoản 5 Điều 6 Quy định 102/QĐ-TW 2017 quy định về xử lý kỷ luật đối với đảng viên quy định “Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, Cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác”.

Như vậy hành vi của ông A gây hậu quả nghiêm trọng Theo khoản 4 Điều 8 Luật Cán bộ công chức 2008 quy định về “Nghĩa vụ của cán bộ công chức” thì cán bộ công chức có nghĩa vụ “Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Khoản 8 Điều 10 Nghị định 34/2011/NĐ-CP phạt cảnh cáo đối với hành vi “Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật”. Đối chiếu với các quy định nêu trên, hành vi của ông A bị xử lý cảnh cáo là hoàn toàn xứng đáng.

Nói về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Về nguyên tắc thì bất cứ người dân nào cũng có quyền giám sát đối với hoạt động, đạo đức, tư cách của cán bộ. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên có đạo đức lối sống không lành mạnh, vi phạm pháp luật thì đều có quyền làm đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội)

Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, nghiêm cấm việc đưa những thông tin trái phép (đồi trụy, cờ bạc, chém giết, ghê rợn, kinh dị....) lên mạng viễn thông, mạng internet. Hành vi đưa thông tin trái phép lên mạng viễn thông, mạng internet mà xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử lý về hành vi làm nhục người khác, nếu hành vi mô tả, thể hiện cảnh quan hệ tình dục, khiêu dâm, đồi trụy thì người đưa tin hình ảnh đồi trụy sẽ bị xử lý về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Vì vậy, trong vụ việc nêu trên, nếu đối tượng tung các clip thể hiện cảnh quan hệ tình dục, clip, hình ảnh khiêu dâm, kích dục lên mạng xã hội, mạng internet mà từ 1GB trở lên hoặc lượng truy cập tương tác từ 10 người trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Tội danh và hình phạt cụ thể được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 326 về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”. Hình phạt cao nhất của tội danh này có thể lên tới 15 năm tù.

Luật sư Hùng bổ sung, cần hiểu rõ hành vi cố ý “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” để nhằm phổ biến clip có nội dung khiêu dâm, đồi trụy. Bởi nếu hai đối tượng này không đăng lên mạng xã hội mà gửi trực tiếp clip đến cơ quan Công an để tố cáo hành vi của ông A có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác khi đã có vợ con thì hành vi này sẽ không cấu 

thành tội phạm được quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Trong trường hợp nếu như có căn cứ cho rằng hành vi của các đối tượng là cố ý đăng những video clip lên các trang mạng xã hội với mục đích để qua đó nhiều người biết đến và xem được thì đó được xem là hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Theo điểm g khoản 2 Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì với việc “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội” thì hai đối tượng nêu trên sẽ phải chịu mức hình phạt là “bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”. Ngoài ra, khoản 4 Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì hai đối tượng nêu trên còn có thể “bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Căn cứ theo khoản 4, Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐCP thì “đồi trụy" là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Theo khoản 1 Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì quy định “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” là “làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy”.

Đọc thêm