Cơ quan điều tra xác định, ông Lê Văn Minh - nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định cấp phép khai thác tận thu lâm sản trong khi chủ đầu tư chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa đúng với các quy định khác của pháp luật. Trong khi đó, cán bộ thuộc quyền phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất.
Khởi tố nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng vừa ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can trong vụ khai thác rừng trái pháp luật để trồng cao su tại huyện Bảo Lâm. Vụ án này xảy ra tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc (gọi tắt Công ty Lộc Bắc, trụ sở tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) từ năm 2016.
Đến đầu năm 2017, Bộ Công an đã chuyển giao tin báo về tội phạm vi phạm quy định về quản lý rừng này cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng để điều tra, xác minh. Các bị can bị khởi tố, gồm: Lê Văn Minh - nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng; Lê Quang Nghiệp - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện là Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng; Mai Hữu Chanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Cty Lộc Bắc. Các bị can này bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý rừng” quy định tại Khoản 3 Điều 233 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Các quyết định nói trên đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
|
Sự buông lỏng quản lý khiến rừng Lâm Đồng bị tàn phá |
Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan điều tra xác định, ông Nghiệp khi còn giữ chức Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng biết rõ trong hồ sơ chuyển đổi dự án rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao su tại một phần tiểu khu 398, 418, 419 xã Lộc Bảo của Cty Lộc Bắc chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa đúng với các quy định khác của pháp luật. Tuy nhiên, ông Nghiệp vẫn tham mưu cho ông Minh khi đó là Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng ký quyết định cấp phép khai thác tận thu lâm sản đợt 4 vào ngày 1/4/2016, cho phép Cty Lộc Bắc khai thác lâm sản trái pháp luật tại 3 tiểu khu nói trên với diện tích gần 75,8ha, trữ lượng gỗ trên 3.509m3.
Những hành vi này đã vi phạm Thông tư 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 9/9/2009 của Bộ NN&PTNT về hướng dẫn trồng cao su trên đất lâm nghiệp; vi phạm Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ, quy định về quy hoạch bảo vệ rừng, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và bảo vệ môi trường; vi phạm Quy định số 18/2010/QĐ-UBND ngày 1/6/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác trồng và bảo vệ rừng.
Những vi phạm này đã dẫn đến hậu quả rừng tự nhiên nghèo chuyển sang trồng cao su trái pháp luật với diện tích gần 75,8ha và cấp phép khai thác lâm sản trái pháp luật với tổng trữ lượng gỗ trên 3.509m3. Được biết, từ năm 2013 đến tháng 4/2016, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã có 4 đợt cấp phép khai thác tận thu lâm sản trên diện tích rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao su cho Cty Lộc Bắc. Tổng diện tích được cấp phép khai thác là trên 200ha rừng với tổng sản lượng gỗ gần 15.000m3.
Các đợt cấp phép của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho Cty Lộc Bắc là các quyết định, gồm: Quyết định số 914/ QĐ-SNN ngày 27/6/2013; Quyết định số 1045/QĐ-SNN ngày 20/8/2013; Quyết định số 148/QĐ-SNN ngày 22/2/2016; Quyết định số 247/QĐSNN ngày 1/4/2016. Sau mỗi đợt được Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cấp phép, Công ty Lộc Bắc liên kết với Công ty TNHH Thành Chí khai thác tận thu lâm sản để trồng cao su. Trong đó, có nhiều diện tích rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ rất lớn.
Rừng vẫn “chảy máu”
Trên đây là vụ việc người đứng đầu ngành chức năng quản lý rừng và bảo vệ rừng vi phạm quy định về quản lý rừng. Tất nhiên, rồi đây những bị can nói trên sẽ trả giá cho hành vi sai phạm của mình theo quy định của pháp luật. Còn nói về tàn phá rừng, mỗi năm, tỉnh Lâm Đồng có hàng trăm vụ phá rừng. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2019, lực lượng phối hợp trong tỉnh Lâm Đồng đã tuần tra phát hiện, lập biên bản 735 vụ xâm hại rừng trên địa bàn. Trong đó, đối tượng vi phạm đã xác định 384 vụ, chưa xác định 351 vụ. Tổng diện tích rừng bị phá gần 57,4ha, lâm sản thiệt hại hơn 3.800m3.
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã xử lý hành chính 611 vụ, xử lý hình sự 58 vụ, tịch thu gần 919m3 gỗ tròn, xẻ các loại, thu nộp ngân sách gần 4,7 tỷ đồng. Qua phân loại, có 49 vụ vi phạm có tính chất phức tạp, tăng 14 vụ so với năm 2018.
Năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý hình sự một số vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng. Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành chỉ thị giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng về các địa phương nhằm giảm thiểu tối đa việc xâm hại vào đất rừng. Mục tiêu là đảm bảo độ che phủ, góp phần đa dạng sinh học, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thế nhưng, dù chính quyền và Tỉnh ủy Lâm Đồng đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhưng tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn. Mới đây, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện hàng trăm cây thông 3 lá tại xã Phi Liêng (huyện Đam Rông) đã bị triệt hạ để lấy đất sản xuất.
Ngay sau đó, vào ngày 26/2, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Đam Rông chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung, kiểm tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm, lập hồ sơ xử lý nghiêm; kiên quyết không để đối tượng vi phạm sử dụng, mua bán, sang nhượng diện tích đất lâm nghiệp do phá rừng, lấn chiếm trái phép.
Sau khi vào cuộc điều tra, Công an huyện Đam Rông cho biết, vị trí rừng bị phá, lấn chiếm đất trái phép nằm giữa hai quả đồi sát quốc lộ 27 (đoạn qua thôn Đồng Tâm, xã Phi Liêng) huyện Đam Rông. Đây là khu vực rừng sản xuất, chủ yếu là trồng thông từ năm 1997 và có đan xen với đất sản xuất nông nghiệp của 9 hộ dân. Kết quả kiểm tra, xác minh của Công an huyện Đam Rông cho thấy, tổng diện tích rừng bị phá khoảng 0,8ha, với lượng lâm sản bị thiệt hại là 60m3 gỗ.
Thủ đoạn tàn độc đổ thuốc độc, ken gốc "bức tử" cây rừng
Việc phá rừng được các đối tượng thực hiện kéo dài từ năm 2017 đến nay theo hình thức “gặm nhấm”, đổ thuốc độc hoặc ken gốc cho cây chết từ từ, hoặc chặt hạ rồi đốt cháy. Cơ quan chức năng huyện Đam Rông đã lập biên bản, xử lý 7 vụ vi phạm có liên quan đến phá rừng và lấn chiếm đất rừng trong khu vực này.
Tại thời điểm kiểm tra, khu vực này không còn lâm sản, chỉ còn lại một số cây thông bị đốt cháy nham nhở. Lãnh đạo Công an huyện Đam Rông cho biết, các diện tích rừng bị phá hầu hết đã được kiểm tra, lập biên bản và đã có những vụ xử lý được đối tượng. Tuy nhiên, do diện tích rừng bị phá và lấn chiếm mỗi lần chưa đủ mức để xử lý hình sự nên đơn vị đã đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu UBND huyện Đam Rông tiến hành giải tỏa toàn bộ diện tích này, sau đó trồng lại rừng.
Tình trạng phá rừng vẫn là thực tế dai dẳng ở tỉnh Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung. Tình trạng này đang tác động rất lớn đến biến đổi khí hậu, gia tăng lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và nguy cơ sa mạc hóa trên địa bàn.
Thực trạng của những vụ phá rừng trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua đang diễn biến phức tạp cả về tính chất, quy mô, mức độ vi phạm. Đồng thời, cũng đang bộc lộ nhiều bất cập trong hệ thống tổ chức và trách nhiệm của những đơn vị được Nhà nước giao quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Nếu chính quyền, các cơ quan chức năng không có những biện pháp mạnh, những quyết sách mới về công tác quản lý, bảo vệ rừng thì rừng sẽ tiếp tục bị tàn phá.