Xét xử trực tuyến cần thiết nhưng pháp luật Việt Nam đang thiếu quy định liên quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở Việt Nam, xét xử trực tuyến là vấn đề mới được nêu ra nhưng ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận vì bối cảnh dịch bệnh hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp. Chuyên gia pháp lý cho rằng, xét xử trực tuyến là cần thiết nhưng pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định liên quan.
Một phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Một phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Xét xử trực tuyến và cần thiết và tất yếu trong bối cảnh hiện nay

Tại phiên họp thứ 13 mới đây, một trong những nội dung được Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương thảo luận, cho ý kiến là “Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án” do Ban Cán sự đảng TANDTC trình.

Theo đó, khác với các hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, xét xử trực tuyến bản chất là xét xử trực tiếp, diễn ra ở phòng xét xử theo quy định hiện hành, nhưng một số chủ thể do điều kiện khách quan không đến dự được phiên tòa, có thể tham gia từ các điểm cầu phụ, đảm bảo yêu cầu quy định.

Phiên tòa vẫn phải đảm bảo trực tiếp, công khai, minh bạch, có sự giám sát của các bên. Còn các đầu cầu, ví dụ người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang bị cấp cứu hoặc đang bị mắc Covid-19 không thể đến tòa được có thể tham gia trực tuyến. Trong bối cảnh dịch COVID-19, áp dụng mô hình này có lợi hơn cho việc xét xử.

Về vấn đề này, Luật sư (LS) Nguyễn Đức Hùng – Phó trưởng phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra như vũ bão trên toàn cầu, còn dịch COVID-19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân.

Nguyễn Đức Hùng – Phó trưởng phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn LS TP Hà Nội).
Nguyễn Đức Hùng – Phó trưởng phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn LS TP Hà Nội).

Tuy nhiên, ở Việt Nam, xét xử trực tuyến là vấn đề mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định về hình thức xét xử trực tuyến và cách thức tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; việc xét xử liên quan đến nhiều quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Do đó, cần phải bảo đảm thuận lợi cho những người tham gia tố tụng, không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan, các chủ thể trong phiên tòa và bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật (hạ tầng kỹ thuật phải bảo đảm), chặt chẽ của quá trình tranh tụng tại phiên tòa.

Việc xét xử trực tuyến có thể giúp những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng tiết kiệm được công sức, thời gian, tiền bạc mà vẫn được nói lên tiếng nói của mình trong phiên tòa và vẫn được tranh luận, xuất trình tài liệu, chứng cứ để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình trong quá trình tố tụng tại Tòa án mà không buộc phải luôn hiện diện trong phiên tòa án xét xử như hiện nay nhưng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân vẫn được đảm bảo theo đúng Hiếp pháp và pháp luật, đồng thời đảm bảo công tác xét xử đúng tiến độ.

Trước băn khoăn liệu việc xét xử trực tuyến liệu có bảo đảm nguyên tắc trực tiếp, công khai, liên tục và bảo đảm nguyên tắc tố tụng không, LS Hùng phân tích: Thời gian gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều Tòa án không thể đưa vụ án ra xét xử theo thời gian luật định.

Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Do đó, việc triển khai đề án xét xử trực tuyến là hoạt động rất nên làm, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, khi thực hiện xét xử trực tuyến cần phải xem xét toàn bộ quy định pháp luật về tố tụng hình sự, tố dụng dân sự và tố tụng hành chính để đảm bảo không có trở ngại nào, không vi phạm nguyên tắc xét xử bằng lời nói liên tục.

Tại Phiên họp thứ 13 Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết: “Việt Nam đã tham gia Hội đồng Chánh án khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên đến hết 2025 phải tổ chức xét xử trực tuyến. Nhiều nước trong khu vực đã tổ chức trực tuyến với nhiều loại án khác nhau”. Do đó, việc thực hiện xét xử trực tuyến (do ở xa, dịch bệnh, tội phạm nguy hiểm…) vẫn bảo đảm nguyên tắc trực tiếp, công khai, liên tục, bằng lời nói, có sự chứng kiến của các bên và bảo đảm nguyên tắc tố tụng.

Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến phải đảm bảo cho những người tham gia tố tụng được nói công khai, hình ảnh, âm thanh phải được lưu lại để không ảnh hưởng gì quyền lợi của người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Giới LS cần chuẩn bị những gì?

Về phía đội ngũ LS, việc xét xử trực tuyến sẽ gây cản trở và nhiều khó khăn cho lực lượng này, đòi hỏi LS phải hết sức quan tâm. Trước khi tiến hành bảo vệ/bào chữa cho thân chủ của mình, LS buộc phải tiến hành một số các hoạt động như chuẩn bị bản luận cứ, tiếp xúc với thân chủ, nghiên cứu hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, những người có liên quan, đảm bảo mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa để trình bày các quan điểm và ý kiến của mình thông qua ứng dụng gọi trực tuyến xét xử online.

Trong quá trình xét xử trực tuyến, LS cần lưu ý theo dõi diễn biến của phiên tòa xem có bảo đảm các thủ tục tố tụng mà Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hành chính quy định hay không. Khi thư ký phiên tòa báo cáo danh sách những người được triệu tập, LS cần ghi lại để biết những người nào đã được Tòa án triệu tập đã có mặt, người nào vắng mặt. Nếu thấy sự vắng mặt của một người tham gia tố tụng nào đó sẽ bất lợi cho thân chủ của mình thì LS phải chuẩn bị sẵn ý kiến để khi chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến về việc người tham gia tố tụng vắng mặt thì trình bày được ngay ý kiến đã chuẩn bị để bảo đảm quyền lợi cho người mà mình bảo vệ.

Khi xét hỏi, LS cần theo sát diễn biến phiên tòa, tập trung theo dõi và ghi chép toàn bộ diễn biến xét hỏi tại phiên tòa có liên quan đến việc bảo vệ cho thân chủ để bổ sung cho kế hoạch xét hỏi và có những yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng tại phiên tòa.

Đối với phần tranh luận thì LS cần trình bày lời bào chữa, bảo vệ theo dàn ý của đề cương đã chuẩn bị, đi đúng trọng tâm làm toát lên các vấn đề cần bảo vệ, tránh được sự dông dài, tràn lan mà bỏ sót những điểm quan trọng. Đề cương bào chữa phải được kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện ngay trong quá trình xét hỏi và khi Viện kiểm sát luận tội đối với các vụ án hình sự.

Khi trình bày, phải đưa ra các chứng cứ, phân tích đánh giá chứng cứ với lý lẽ, lập luận chặt chẽ; viện dẫn, bình luận nội dung các quy định pháp luật cần áp dụng một cách thuyết phục để bảo vệ quan điểm bào chữa của mình; Trong phần kết luận, cần chốt lại những vấn đề quan trọng nhất đã được phân tích ở trên thành từng điểm cụ thể để đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận các nội dung kiến nghị của LS nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho thân chủ của mình.

Việc bào chữa/bảo vệ của LS là một quá trình đòi hỏi LS phải thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, hoàn thiện và sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau. Với mỗi giai đoạn ứng với mỗi hoạt động cụ thể của LS lại có những ý nghĩa không giống nhau, tuy nhiên hoạt động nào cũng vô cùng quan trọng, đóng góp lớn vào sự thành công hay thất bại của LS khi tham gia tố tụng.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm