Âm mưu, kế hoạch của kẻ “ăn rừng”
Đêm khuya ngày 28/6/2019, khi người dân xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) đang chìm trong giấc ngủ thì giật mình bởi tiếng kẻng dồn dập vang lên, kèm theo đó là tiếng la hét: “Cháy rừng rồi! Nhanh đi cứu rừng bà con ơi”. Dân làng người cầm gậy, người xẻng, người nhặt vội cành cây chạy lên khu vực núi Khe Đét, nơi cả một vùng trời sáng rực vì cháy rừng.
Ngọn lửa quá lớn, cháy với tốc độ nhanh khiến những nổ lực của người dân như muối bỏ biển. Hàng nghìn người thuộc lực lượng kiểm lâm, công an, bộ đội, dân quân tự vệ cũng được huy động tổng lực để khống chế ngọn lửa đang ngày càng lan nhanh do gió Tây Nam thổi mạnh. Sau những nổ lực không mệt mỏi của lực lượng chức năng, đến 2h ngày 30/6/2019, vụ cháy rừng trên mới được khống chế hoàn toàn.
Vụ cháy đã thiêu rụi gần 57 ha rừng, trong đó có gần 17,5 ha rừng đặc dụng, 39,4 ha rừng sản xuất do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn và rừng giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý. Tổng giá trị thiệt hại trên 2,25 tỷ đồng.
Những năm trước, xã Khánh Sơn liên tiếp xảy ra cháy rừng do nắng nóng, cộng với gió Lào và lớp thực bì chưa kịp phát quang nên nhiều người dân nghĩ đây là một vụ cháy rừng thông thường. Mãi đến 2 tuần sau, khi Hà Trúc (SN 1960, trú xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) đến cơ quan chức năng đầu thú thừa nhận hành vi đốt rừng thì cả làng mới giật mình “ngã ngửa”. Ai nấy đều bất ngờ, xôn xao bàn tán vì chính Hà Trúc cũng trồng rừng, đang trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng. Cũng từ đây, động cơ, hành vi phạm tội của Hà Trúc được cơ quan chức năng làm rõ.
Đám cháy kinh hoàng ở xã Khánh Sơn kéo dài suốt 3 ngày đêm, thiêu rụi gần 57 ha rừng. |
Theo lời khai của Hà Trúc tại cơ quan điều tra, mục đích Hà Trúc đốt rừng là để mua lại đất, trồng rừng khác.
Để thực hiện mục đích này, Hà Trúc đã có kế hoạch kín kẽ nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Tối ngày 28/6/2019,khi mọi người đã đi ngủ, ông ta cầm 4 que hương, ống diêm và 1 sợi chỉ đi lên đồi. Trúc buộc 5 que diêm vào đoạn thân giữa của que hương rồi châm lửa đốt. Sau đó, Trúc chọn một lùm cỏ khô cắm vào rồi bỏ xuống núi. Khi hương cháy đến chỗ que diêm thì ngọn lửa bùng lên, lan ra đám cỏ khô, bén vào cây rừng xung quanh, tạo thành một vụ cháy rừng lớn. Phát hiện có cháy, Trúc cũng cầm dụng cụ chạy lên rừng dập lửa với mọi người. Do vậy, không ai nghĩ Trúc chính là kẻ đã gây ra vụ cháy.
Khu vực Trúc châm lửa đốt thuộc diện tích rừng trồng của hai hộ dân nhưng sau đó do thời tiết nóng khô, lại có gió Lào thổi mạnh khiến đám cháy lan ra diện tích rừng sản xuất của 19 hộ dân khác và một số diện tích rừng đặc dụng của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý. Trong số những diện tích rừng bị cháy rụi có cả rừng mà Trúc nhận quản lý, điều mà trước đó gã đàn ông này không lường được.
Trả giá vì phá rừng
Vừa qua, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Hà Trúc về tội “Hủy hoại rừng”.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm Hà Trúc khai mục đích ban đầu chỉ đốt diện tích của 2 hộ dân để mua lại đất, trồng cây khác, nhưng không ngờ lửa cháy lan rộng như vậy. Trúc thể hiện sự hối hận. Tòa sơ thẩm nhận định, tính chất vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại lớn đến tài sản của người khác, xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường sinh thái. Bị cáo là người có đủ năng lực hành vi, có đủ khả năng nhận thức hành vi của mình là trái pháp luật nên cần xử lý nghiêm.
Với tội danh “Hủy hoại rừng”, TAND huyện Nam Đàn đã tuyên phạt bị cáo Hà Trúc 7 năm 6 tháng tù, buộc phải bồi thường hơn 2,25 tỷ đồng cho các chủ rừng bị thiệt hại.
Sau án sơ thẩm, bị cáo Hà Trúc có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; một số bị hại có đơn kháng cáo yêu cầu định giá lại tài sản để tính toán mức bồi thường hợp lý và cho rằng cơ quan điều tra đã bỏ lọt hành vi “Hủy hoại tài sản” đối với bị cáo Hà Trúc.
Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bên giữ nguyên nội dung kháng cáo. Các bị hại trình bày những khó khăn về kinh tế cũng như đời sống do đám cháy mà Trúc gây ra. Không những bị thiệt hại về cây cối trong rừng, đám cháy do Trúc gây ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến kế sinh nhai, đời sống của người dân.
Suốt quá trình xét xử, bị cáo thể hiện sự ăn năn, hối lỗi. Bị cáo trình bày đến nay gia đình đã bồi thường thiệt hại 250 triệu đồng. Hà Trúc cũng đưa ra các tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, có em trai là liệt sỹ, năm 2014 bị cáo được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen vì có thành tích trong việc chữa cháy rừng. Việc từng được nhận bằng khen về chữa cháy rừng sau đó lại đi đốt rừng của bị cáo đã bị tòa nhắc nhở. Trúc tỏ ra hối lỗi, thừa nhận đã sai.
Do bị hại và bị cáo không đưa ra được tình tiết mới để khẳng định nội dung kháng cáo của mình có cơ sở. Do đó, HĐXX tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên mức án cấp sơ thẩm đã tuyên.
Kháng cáo không thành, một số bị hại buồn bã rời tòa. Họ cho hay đám cháy do Trúc gây ra đã khiến cuộc sống, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng. Đến nay, nhiều diện tích trong số đó vẫn chưa phủ kín cây xanh. “Sau hàng chục năm trồng rừng, sắp đến ngày thu hoạch thì đám cháy do Trúc gây ra đã đốt cháy tất cả. Giờ đây, gia đình lại phải bắt đầu lại...”, một người bị hại buồn bã chia sẻ.