Sát hại mẹ ruột và em trai trong cơn phê ma túy
Ngày 21/9, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên bác kháng cáo, giữ nguyên mức phạt tử hình về tội “Giết người”, 7 năm tù về tội “Cướp tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Võ Ngọc Bảo (SN 2000, ngụ thôn Tân Thành, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Tổng hợp hình phạt buộc phải chấp hành là tử hình. Điều đáng nói, 2 bị hại trọng vụ án này chính là mẹ ruột và em trai của bị cáo.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Trí Mẫn và bà Võ Thị Kim Hà đăng ký kết hôn từ năm 1992 và có 3 con chung là Nguyễn Võ Ngọc Duy, Nguyễn Võ Ngọc Bảo và Nguyễn Võ Chí Toàn (cùng ngụ thôn Tân Thành).
Sáng 5/1/2019, vợ chồng ông Mẫn và anh Duy đi làm, còn Bảo và Toàn ở nhà. Đến khoảng 10h cùng ngày, sau khi sử dụng thảo mộc khô chứa chất ma túy 5 - Fluoro MDMB-PICA tại nhà thì Bảo nảy sinh ý định giết em trai của mình là Nguyễn Võ Chí Toàn (SN 2013).
Để thực hiện hành vi, Bảo đi đóng cửa chính và cửa sắt bên hông nhà lại, rồi mở nhạc lớn. Tiếp đó, Bảo ra sau nhà lấy 2 cây rựa (một cây rựa cán ngắn dài khoảng 26cm, một cây rựa cán dài khoảng 34cm), rồi đem bỏ dưới gầm tủ ti vi.
Sau khi đã cất hung khí trong nhà, Bảo thấy em trai mình đang đứng chơi trong phòng khách nên lấy cây rựa cán ngắn đi đến chém 2 nhát trúng vào đầu của Toàn, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
|
Hình minh họa kẻ ngáo đá gây trọng án. |
Đến khoảng 11h45 cùng ngày, bà Hà điều khiển xe máy về nhà, rồi đi xuống bếp để nấu ăn. Lúc này, Bảo vào phòng ngủ của mình lấy rựa chém nhiều nhát vào vùng đầu, mặt của bà Hà làm nạn nhân ngã xuống nền bếp.
Biết mẹ đã chết, Bảo liền kéo xác bà Hà để lên giường cạnh xác của Toàn. Sau đó, hung thủ lục lấy một điện thoại di động hiệu OPPO và một chiếc nhẫn kim loại màu vàng bà Hà đang đeo trên tay. Chưa dừng lại, kẻ sát nhân tiếp tục sang phòng của mẹ lục tìm lấy thêm một dây chuyền, một lắc tay, 5 nhẫn kim loại màu vàng và 100.000 đồng.
Sau khi giết mẹ và em trai, Bảo điều khiển xe máy rời khỏi hiện trường. Hung thủ điều khiển xe đến một tiệm điện thoại di động ở tổ dân phố Lộc Thành (phường Cam Lộc, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) bán điện thoại OPPO lấy 2,2 triệu đồng rồi tiếp tục bỏ trốn.
Đến khoảng 17h cùng ngày, ông Mẫn đi làm về nhà thì phát hiện vợ và con trai út tử vong, nhiều đồ đạc trong nhà bị xáo trộn, còn Bảo thì không thấy đâu nên trình báo cơ quan công an.
Ngay sau đó, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Công an huyện Cam Lâm phong tỏa hiện trường để điều tra. Các mũi trinh sát nhanh chóng tỏa đi các đầu mối và phát hiện Bảo đang lẩn trốn tại tỉnh Ninh Thuận. Lực lượng công an sau đó phát thông báo cho Công an tỉnh Ninh Thuận phối hợp truy tìm kẻ giết người có dáng gầy, tóc nhuộm vàng, mặc áo khoác xanh đen, quần thể thao và đeo ba lô.
Sau khi nhận được thông tin từ Công an tỉnh Khánh Hòa, Công an tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp tiến hành rà soát. Đến tối 6/1/2019, lực lượng công an phát hiện đối tượng có nhiều đặc điểm giống nghi phạm Bảo cùng biểu hiện ngáo đá đang trốn tại một con suối ở xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc, cách hiện trường gây án khoảng 50km) nên đã bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai mình là Bảo, đồng thời thừa nhận hành vi sát hại mẹ ruột và em trai của mình.
Cần có thái độ cứng rắn hơn với “ngáo đá”
Theo kết luận giám định pháp y về tâm thần của Bảo thì về y học, trước, trong và sau khi gây án, đương sự bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất gây ảo giác với các rối loạn trí giác. Hiện nay, đương sự không có rối loạn tâm thần.
Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, tại thời điểm gây án, đương sự mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi. Hiện nay, đương sự có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 11/6 vừa qua, khi được hỏi về lý do giết mẹ và em trai, bị cáo Bảo trả lời: “Sau khi chơi ma túy xong thì thấy như bị ma đuổi nên ra tay giết chết em trai và mẹ ruột vì tưởng đó là… ma”.
Tòa cấp sơ thẩm nhận định, bị cáo Bảo có nhiều tình tiết tăng nặng về tội “Giết người” như: giết 2 người trở lên; giết người dưới 16 tuổi; giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng của mình; giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; thực hiện tội phạm một cách man rợ.
Do đó, HĐXX TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bị cáo Bảo mức án như trên. Sau đó, bị cáo đã kháng cáo nhưng tại phiên tòa phúc thẩm không phát sinh tình tiết giảm nhẹ mới.
Chuyên gia nói gì về thực trạng người "ngáo đá" gây thảm án?
Theo TS.Thân Trung Dũng (chuyên gia xã hội học, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và tư vấn phát triển tri thức), người sử dụng ma túy, bị “ngáo đá” phê thuốc thường mất kiểm soát hành vi, ảo giác, mất nhận thức tạm thời, suy nhược lý trí, ám ảnh bị giết hại… Đây là tình trạng nguy hiểm, không chỉ tới tính mạng người sử dụng ma túy, mà còn gây nguy hại cho những người thân trong gia đình, cộng đồng xã hội.
Vì vậy, người nghiện, người hay sử dụng ma túy, chất kích thích có thể xem là mầm mống tội phạm hay tội phạm tiềm ẩn cho gia đình nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.
“Người “ngáo đá” là những người đang bị tổn thương nặng về tâm thần, không thể kiểm soát được bản thân, dễ gây nguy hiểm cho chính mình và cộng đồng nên không thể ở ngoài cộng đồng, phải đưa vào trung tâm cai nghiện ma túy. Vì vậy, khi phát hiện các trường hợp bị “ngáo đá”, người dân và cơ quan quản lý cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời, sau đó đưa họ đi trại cai nghiện”, TS.Thân Trung Dũng.
TS.Thân Trung Dũng cho rằng, trong thực tiễn đang tồn tại những mâu thuẫn. Đó là người nghiện ma túy không bị coi là tội phạm mà chỉ bị coi là một trạng thái “tâm thần đặc biệt”. Đó là một quan điểm phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, tình trạng gia tăng người nghiện cũng như việc mất khả năng kiểm soát của những người “tâm thần đặc biệt” này cho thấy đã đến lúc cần phải có một thái độ cứng rắn hơn. Khi không bị coi là tội phạm, việc sử dụng chất ma túy chỉ bị phạt hành chính, khả năng tiếp cận ma túy của thanh thiếu niên sẽ có chiều hướng gia tăng.
“Khi không bị coi là tội phạm, sự giám sát, quản lý người nghiện tại gia đình, cộng đồng sẽ thiếu chặt chẽ và gần như bị thả nổi. Chính điều này dẫn đến hậu quả là nhiều vụ thảm án liên tục xảy ra trong những năm gần đây có liên quan đến ma túy”, TS.Thân Trung Dũng cho biết.
TS.Thân Trung Dũng cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để đưa ra những quy phạm pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay. Cần xem những người nghiệm ma túy là những người cần cách ly với môi trường cộng đồng xã hội, cần được cai nghiện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các biện pháp quản chế đặc biệt đối với nhóm đối tượng này. Bởi không thể vì những quan điểm nhân văn đối với những đối tượng này mà tước bỏ sự an toàn của cộng đồng xã hội.