Afghanistan: Thôi chiến, rút quân, mở thời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden không phát động cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan nhưng lại là người kết thúc cuộc chiến này cho nước Mỹ.
Hoạt động sơ tán tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai.
Hoạt động sơ tán tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai.

Ngày 30/8 vừa qua, phía Mỹ đã rút hết binh lính và nhân viên ngoại giao của Mỹ ra khỏi Afghanistan, chấm dứt 20 năm chiến tranh ở xứ này. Ông Biden đã tuyên bố chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan và rút hết binh lính ra khỏi đất nước này.

Việc thực hiện thành công tuyên bố này phần nào bị phủ bóng đen bởi những hình ảnh về cuộc di tản hỗn loạn ở sân bay Kabul của Afghanistan bởi vụ đánh bom tự sát khiến 13 binh lính Mỹ bị thiệt mạng và bởi những đánh giá sai lầm về Taliban.

Trong bài phát biểu ngày 31/8 vừa qua, ông Biden chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh này của nước Mỹ, dùng lập luận về “lợi ích quốc gia” để lý giải quyết định chấm dứt chiến tranh và rút quân cũng như cảnh báo và răn đe cả Taliban lẫn bất kỳ tổ chức, lực lượng hay phần tử Hồi giáo cực đoan nào ở Afghanistan cũng như trên thế giới mưu tính tấn công khủng bố nước Mỹ.

Mỹ chấm dứt chiến tranh và Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan - những điều này đồng nghĩa với việc một thời kỳ mới đã mở ra đối với Mỹ và Taliban cũng như đối với mối quan hệ của Mỹ với Afghanistan. Về địa chính trị và chính trị an ninh khu vực Nam Á cũng như rộng lớn hơn là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ và đồng minh bây giờ phải bố trí chiến lược lại, phải hoạch định mới chính sách và chiến lược đối với Taliban, Afghanistan và khu vực Nam Á.

Họ phải xử lý lại hoàn toàn mối quan hệ của họ với Taliban và xử lý ở mức độ không hề nhỏ mối quan hệ với tất cả những đối tác bên ngoài hiện mưu tính bù lấp khoảng trống về ảnh hưởng và vai trò chính trị an ninh mà Mỹ và đồng minh đã để lại ở Afghanistan và khu vực Nam Á.

Có ba nhân tố họ phải tính đến trong việc này là Taliban sẽ củng cố quyền lực và cầm quyền ra sao, với những chính sách đối nội và đối ngoại như thế nào, đặc biệt đối với Mỹ và đồng minh của Mỹ; Taliban sẽ xử lý như thế nào vấn đề các lực lượng, tổ chức và phần tử Hồi giáo cực đoan tụ tập về Afghanistan và sử dụng đất nước này làm thánh địa mới; các đối tác bên ngoài kia sẽ chơi con bài Afghanistan và Taliban ra sao ở thời kỳ mới.

Điều hiện có thể chắc chắn được là Mỹ tuy rút quân đội ra khỏi Afghanistan nhưng bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng và có thể không kích từ bên ngoài vào những mục tiêu nào đấy của phe nào đấy ở bên trong Afghanistan.

Ngay sau khi Mỹ hoàn tất việc triệt thoái hết binh lính, Taliban tuyên bố Afghanistan được độc lập và xúc tiến việc thành lập chính phủ mới. Ở Afghanistan, Taliban hiện chiếm ưu thế về quân sự nhưng xem ra chưa kiểm soát được hoàn toàn đất nước và chưa thể đảm bảo có được an ninh và ổn định chính trị xã hội.

Phe chống đối đang tổ chức việc chiến tranh với Taliban trong khi một số tổ chức và lực lượng Hồi giáo cực đoan khác đang tìm cách đẩy Taliban và Mỹ vào tình thế lại đụng độ quân sự và xung khắc với nhau. Cuộc đánh bom tự sát vào sân bay Cabul khiến 13 binh lính Mỹ thiệt mạng là sự khởi đầu.

Những vấn đề đặt ra bây giờ cho Taliban ở Afghanistan là nhanh chóng thành lập chính phủ để cầm quyền, kiểm soát được tình hình chính trị an ninh và ổn định xã hội, không để bùng phát nội chiến, khống chế các tổ chức, lực lượng và phần tử hồi giáo cực đoan để tạo thế cho việc tìm kiếm sự công nhận ngoại giao của thế giới bên ngoài và tạo tiền đề cho việc gây dựng quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài. Taliban ý thức được rằng thời nay không thể không cần đến sự hợp tác và trợ giúp của thế giới bên ngoài, lại càng không thể bất chấp thế giới bên ngoài.

Từ đó có thể thấy ở Afghanistan và khu vực Nam Á tới đây có nhiều biến động bất định nhưng sẽ không lặp lại cục diện như hồi năm 1996 - khi Taliban lần đầu tiên nhiếp chính, hay như hồi 2001 - khi chính thể của Taliban ở Afghanistan bị lật đổ.