Nỗi lo lắng của phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sự trở lại nắm quyền của Taliban tại Afghanistan đồng nghĩa với việc nước này sẽ quay trở lại với thời kỳ áp dụng luật Hồi giáo Sharia theo cách diễn giải của tổ chức này. Điều này đã dấy lên những lo ngại và đồn đoán về tương lai của Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Luật Sharia là gì?

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters sau khi Taliban tiếp quản Thủ đô Kabul, chỉ huy Taliban Waheedullah Hashimi khẳng định: “Sẽ không có hệ thống dân chủ nào cả. Chúng tôi sẽ không thảo luận về loại hệ thống chính trị mà chúng tôi sẽ áp dụng tại Afghanistan bởi việc này đã rất rõ ràng. Đó là luật Sharia”.

Sharia thực chất không phải điều mới lạ. Theo tiếng Ả-rập, Sharia có nghĩa là “con đường trong vắt, đầy ắp dẫn đến nước”. “Sharia có nghĩa đen là con đường. Tất cả các hệ thống và tôn giáo đều có một con đường để đi đến cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, thịnh vượng hơn và linh thiêng hơn”, Giáo sư Akbar Ahmed (Chủ tịch Viện nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Mỹ) cho biết.

Nhìn chung, luật Sharia là một tập hợp các quy tắc tôn giáo hướng dẫn các khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày của người theo đạo Hồi, trong đó có các hoạt động như cầu nguyện và ăn chay. Các quy tắc này dựa chủ yếu trên kinh Koran - sách thánh của đạo Hồi và những lời răn dạy của nhà tiên tri Muhammad. Một phần trong hệ thống luật này đề cập đến tội phạm. Luật Sharia chia các tội danh thành hai loại chung, bao gồm tội “hadd” là tội nghiêm trọng với các hình phạt đã định sẵn và tội “tazir” là những tội nhẹ hơn, với hình phạt được để cho các thẩm phán quyết định. Các hành vi phạm tội thuộc nhóm tội hadd bao gồm trộm cắp, có thể bị trừng phạt bằng cách cắt cụt tay của kẻ phạm tội.

Trên thực tế, việc giải thích luật Sharia mang sắc thái văn hóa và phong tục địa phương, có nghĩa là luật này có thể khá khác biệt ở những nơi khác nhau. “Ví dụ, cùng 1 vấn đề nhưng các học giả Indonesia ở phương Đông có thể có cách diễn giải khác đi một chút so với các học giả ở Maroc (Morocco) hay các nước khác. Tất cả đều có sự điều chỉnh trong cách diễn giải luật phù hợp với bối cảnh văn hóa”, ông Ahmed nói.

Vai trò của Hồi giáo trong từng chính phủ khác nhau dẫn đến việc giải thích luật khác nhau. Có 5 trường phái luật Sharia khác nhau. Có 4 trường phái trong số đó thuộc nhánh Sunni là Hanbali, Maliki, Shafi’i và Hanafi; và một trường phái của nhánh Shia là Jaafari. 5 trường phái này có cách diễn giải các văn bản xuất phát từ luật Sharia khác nhau.

Tương tự bất kỳ hệ thống luật pháp nào, luật Sharia rất phức tạp và việc thực hiện hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng và sự đào tạo của các chuyên gia. Các luật gia Hồi giáo sẽ ban hành hướng dẫn và phán quyết thực thi các quy định theo luật Sharia. Một hướng dẫn được coi là một phán quyết pháp lý chính thức được gọi là fatwa. “Trong tay Taliban, nó có thể khác biệt với cách mà Maroc hay Indonesia diễn giải và áp dụng Sharia”, ông William Granara, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Havard cho biết.

Những cách diễn giải đáng sợ

Nhiều nước có cách diễn giải cực kỳ hà khắc với luật Sharia, điển hình là Ả-rập Xê-út. Tại đây, luật Sharia là cơ sở cho tất cả các đạo luật của nước này và cho đến gần đây, việc thực hiện các hình phạt hudud cực đoan ở nơi công cộng vẫn khá phổ biến. Các hành vi đồng tính ở Ả-rập Xê-út có thể bị trừng phạt bằng cách tử hình, dù thông thường hình phạt chỉ giới hạn ở mức đánh roi và bỏ tù. Việc chặt đầu và cắt cụt chân bằng gươm thường được tiến hành vào các ngày thứ Sáu, trước các buổi cầu nguyện giữa trưa.

Trong những trường hợp cực đoan, người bị kết án đôi khi còn bị đóng đinh sau khi hành quyết. Ở Ả-rập Xê-út, trong các trường hợp gây thương tích cá nhân, luật pháp cũng cho phép trừng phạt theo kiểu “mắt đổi mắt”, tức buộc thủ phạm phải chịu thương tích như nạn nhân. Song, gia đình của một nạn nhân bị giết có thể ân xá cho kẻ bị kết án - thường để đổi lấy “tiền máu”.

Trong khi đó, tại Iran, hệ thống luật pháp của nước Cộng hòa Hồi giáo này dựa trên luật Sharia, nhưng có một số khác biệt quan trọng. Ví dụ, các thẩm phán được phép cân nhắc các bằng chứng về hoàn cảnh và không giống như luật Sharia cổ điển, Iran chủ yếu dựa vào hình phạt tù. Tuy nhiên, Iran vẫn áp dụng một loạt các hình phạt theo luật Sharia, như cắt cụt chân và buộc làm mù mắt.

Ở Brunei, năm 2019, nước này đã thu hút sự chú ý của quốc tế khi trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng luật Sharia cực đoan. Song, giới chức Brunei khẳng định không thực thi một số hình phạt, trong đó có tử hình bằng cách ném đá vì quan hệ tình dục đồng tính nam và ngoại tình.

Kinh khủng nhất có thể kể đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trước khi “đế chế” của nhóm này bị xóa sổ vào năm 2019, IS đã áp dụng cách diễn giải luật Sharia vô cùng tàn bạo ở các khu vực của Syria và Iraq mà nhóm này kiểm soát. IS khi đó điều hành các tòa án của riêng chúng, thực hiện các vụ chặt đầu, ném đá và cắt cụt chân công khai, đẩy những người đàn ông bị nghi là đồng tính từ trên đỉnh các tòa nhà cao tầng xuống đất. Shabaab (nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Somalia) cũng thực thi luật Sharia vô cùng tàn bạo.

Tương lai nào cho phụ nữ Afghanistan?

Ông Ahmed chỉ ra rằng, quyền của phụ nữ là yếu tố chính cho thấy các cách diễn giải về luật Sharia có nhiều khác biệt. Theo ông này, “nam giới và nữ giới được phân chia rất công bằng trong kinh Koran”. Tuy nhiên, theo cách diễn giải cực đoan của Taliban về luật Sharia khi lực lượng này nắm quyền ở Afghanistan giai đoạn 1996-2001 thì phụ nữ “gần như không có quyền gì”.

Ở thời điểm đó, phụ nữ Afghanistan khi đi ra phải mặc burqa - những bộ trang phục che kín từ đầu tới chân, dùng mạng che mặt và có thể bị đánh đập nếu họ xuất hiện ở bên ngoài mà không có người thân là nam giới đi cùng. Các trường học dành cho nữ sinh bị đóng cửa.

Những người vi phạm luật lệ của Taliban có thể bị hành hình, bị đánh bằng roi hoặc bị ném đá. “Phụ nữ không được hưởng thừa kế. Họ thường xuyên bị phân biệt đối xử hoặc thậm chí bị đối xử tàn nhẫn. Đôi khi họ bị giết để làm vật tế”, ông Ahmed nói về cách diễn giải hà khắc luật Sharia từng được Taliban áp dụng.

Chính lịch sử quản lý cực đoan nói trên của Taliban đã khiến nhiều người tỏ ra lo sợ về tương lai của Afghanistan trong thời gian tới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, dù lực lượng này đã thể hiện giọng điệu hòa giải. Chỉ huy của Taliban Hashimi nói rằng quyền của phụ nữ Afghanistan sẽ nằm trong tay một hội đồng các học giả Hồi giáo.

Dù một số đại diện của Taliban khẳng định phụ nữ ở Aghanistan tới đây sẽ được học tập và làm việc trong các khuôn khổ, không bị phân biệt đối xử với nam giới nhưng các nhà quan sát chỉ ra rằng, điều đó là khó xảy ra. Chỉ huy Taliban Hashimi trong các phát biểu vừa qua cũng đã vạch ra một hệ thống có những điểm tương đồng nổi bật với quy tắc điều hành trước đây của nhóm này.

Trong khi đó, ông Abdulaziz Sachedina - một giáo sư về tôn giáo và chính trị tại Đại học George Mason, người chuyên nghiên cứu về Hồi giáo - chỉ ra rằng, luật Sharia không phải là một hệ thống các quy định đã được luật hóa của một nhà nước hiện đại với các luật thương mại và luật hành chính. Do đó, để điều hành một cách phù hợp, thích ứng với thời cuộc, thời gian tới, Taliban sẽ mất nhiều thời gian và nỗ lực để áp dụng các chính sách liên quan đến luật Sharia. “Việc nói chúng tôi sẽ triển khai luật Sharia thì rất dễ nhưng để thực hiện được thì không dễ”, ông nói.