Afghanistan: Tương lai bất định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc lực lượng Taliban tăng cường hoạt động quân sự để mở rộng phạm vi lãnh thổ kiểm soát sau khi Mỹ và đồng minh triệt thoái hết binh lính ra khỏi Afghanistan là điều đã được dự báo trước. Nhưng tất cả trong cũng như ngoài đất nước này bị bất ngờ về tốc độ thắng thế hiện tại của Taliban.
Lực lượng Taliban ở Afghanistan.
Lực lượng Taliban ở Afghanistan.

Afghanistan đang trở thành điểm nóng mới về chính trị an ninh khu vực và địa chiến lược thế giới. Mỹ đang hoàn tất việc rút hết binh lính ra khỏi đất nước này trong khi các đồng minh của Mỹ đều đã làm xong việc ấy. Việc lực lượng Taliban tăng cường hoạt động quân sự để mở rộng phạm vi lãnh thổ kiểm soát sau khi Mỹ và đồng minh triệt thoái hết binh lính ra khỏi Afghanistan là điều đã được dự báo trước. Nhưng tất cả trong cũng như ngoài đất nước này bị bất ngờ về tốc độ thắng thế hiện tại của Taliban.

Trong khoảng thời gian ngắn Taliban đã đánh chiếm được nhiều tỉnh ở Afghanistan, nhiều thành phố lớn ở đất nước này và hiện đã ở cách Thủ đô Kabul không xa. Quân đội chính phủ Afghanistan không chống đỡ nổi các cuộc tấn công của Taliban và chính quyền nhà nước ở nhiều tỉnh và thành phố ở Afghanistan tan rã nhanh chóng trước sức mạnh quân sự của Taliban.

Gần 3 tuần trước thời hạn ngày 31/8 tới mà Mỹ tự đặt ra cho việc hoàn tất chuyện rút hết binh lính ra khỏi Afghanistan, Mỹ và đồng minh đã phải khởi động cuộc tháo lui thứ hai là rút nhân viên ngoại giao và thân nhân gia đình của họ ra khỏi Afghanistan. Mỹ thậm chí còn phải triển khai khoảng 3.000 lính ở Afghanistan để bảo vệ an toàn cho người Mỹ trong quá trình rút khỏi Afghanistan, đặc biệt bảo vệ an toàn và an ninh cho sân bay ở Thủ đô Kabul.

Trước đấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngỏ ý sẵn sàng triển khai các biện pháp chính trị, quân sự và hậu cần cần thiết để bảo vệ an toàn, an ninh và hoạt động bình thường của sân bay này nhưng rồi không thấy động tĩnh gì.

Những diễn biến và kết cục như thế này, Mỹ và đồng minh đã từng không ít lần nếm trải ở không ít nơi trên thế giới trong quá khứ. Họ không thể không cay đắng sao được khi tiến hành chiến tranh 20 năm ở Afghanistan và đổ rất nhiều của cải, nhân lực cũng như sinh mệnh của chính binh lính vào nơi đây, để rồi cuối cùng không những chỉ phải bỏ của chạy lấy người và có nguy cơ “mất cả chì lẫn chài” ở Afghanistan mà bây giờ còn phải lo liệu an nguy cho chính người của họ ở Afghanistan.

Phía Mỹ cho biết mục đích của việc lại đưa thêm 3.000 quân đến Afghanistan chỉ là phục vụ cho việc rút quân lính và sơ tán người Mỹ ra khỏi đất nước này. Dù vậy, câu hỏi không thể không được đặt ra ở đây là liệu Mỹ có rút cả số quân mới triển khai này ra khỏi Afghanistan trước ngày 31/8 tới hay không.

Đối với Taliban, câu hỏi cần được trả lời nhất là Mỹ và đồng minh rồi đây có can thiệp quân sự trở lại Afghanistan hay không nếu Taliban cứ tiếp tục chiều hướng thắng thế về quân sự như hiện tại. Những hoạt động quân sự mạnh mẽ của Taliban trong thời gian vừa qua được tiến hành nhằm đồng thời hai mục đích là mở rộng phạm vi lãnh thổ kiểm soát và làm phép thử đối với Mỹ và đồng minh về khả năng họ có can thiệp quân sự trực tiếp trở lại Afghanistan hay không.

Từ thời điểm hiện tại mà suy xét thì sẽ thấy tương lai của Afghanistan thật bất định. Taliban chỉ có thể bị ngăn chặn nếu như có ai đó bên ngoài lại can thiệp quân sự trực tiếp vào Afghanistan, tức là lại có chiến tranh giữa Taliban với chính quyền Afghanistan và quân đội nước ngoài như 20 năm qua.

Ở kịch bản này, tương lai sẽ lại là quá khứ đối với Afghanistan. Nếu không có bên ngoài can thiệp quân sự trực tiếp vào Afghanistan thì Taliban chẳng mấy chốc sẽ dùng biện pháp quân sự để chiếm lại toàn bộ lãnh thổ đất nước này và khôi phục chính thể Hồi giáo cũ. Nhưng trước đấy sẽ là thời kỳ nội chiến dữ dội ở Afghanistan.

Nếu không có tác động mạnh mẽ và kịp thời từ bên ngoài thì chắc chắn chính quyền hiện tại ở Afghanistan sẽ không thể cầm cự được lâu trước những cuộc tấn công của Taliban và như thế có nghĩa là giải pháp chính trị hòa bình cho Afghanistan với những nội dung mấu chốt như hoà giải và hòa hợp dân tộc cùng với sự tham gia của Taliban sẽ càng ngày càng thêm xa vời đối với Afghanistan.

Những nước láng giềng của Afghanistan, đặc biệt Trung Quốc, Nga, Pakistan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội bù lấp khoảng trống ảnh hưởng về chính trị an ninh ở nước này. Họ đều có lợi thế và chủ bài trong quan hệ với Taliban nhưng đều không hoàn toàn tin tưởng Taliban. Mặt khác, Afghanistan bị bất an và bất ổn cũng ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới an ninh của chính họ và gây ra cho họ không ít vấn đề rất nan giải.