Thua trong thắng, thắng trong thua

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở nước Pháp, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron đã về đích trước ứng cử viên Marine Le Pen của đảng Tập hợp quốc gia trong vòng thứ 2 của cuộc bầu cử diễn ra ngày 24/4 vừa qua.
Vợ chồng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ăn mừng kết quả tại Paris tối 24/4.
Vợ chồng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ăn mừng kết quả tại Paris tối 24/4.

Ông Macron giành được hơn 58% phiếu bầu còn bà Le Pen có được hơn 41%. Sự chênh lệch về tỷ lệ phiếu bầu này tuy rất rõ ràng, nhưng lại không thể hàm ý là thắng cử của ông Macron rất chắc chắn và thuyết phục.

Để có thể tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa thì ông Macron đã thắng ở cuộc bầu cử năm nay của nước Pháp. Nhưng so với thắng cử cách đây 5 năm, cũng trong cuộc đấu quyền lực tay đôi với bà Le Pen, thì ông Macron lại thua. Bà Le Pen ở lần tranh cử lần này lại không được bầu làm Tổng thống, nhưng trong cái thất bại này lại có phần thắng. Điều tưởng như nghịch lý này thể hiện trên 3 phương diện.

Thứ nhất, tỷ lệ phiếu bầu mà ông Macron vừa giành về được thấp hơn rất nhiều so với kết quả bầu cử đã có được cách đây 5 năm. Ở vòng bầu cử đầu tiên, ông Macron chỉ nhận được sự ủng hộ của hơn 27% cử tri, tức là chỉ hơn một phần tư cử tri ở Pháp tín nhiệm và tin tưởng ông Macron. Người này duy trì được cương vị cầm quyền, nhưng với mức độ thấp về sự tín nhiệm của cử tri.

Thứ hai, phe cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa ở nước Pháp mạnh lên như chưa từng thấy từ trước đến nay. Bà Le Pen giành được tỷ lệ phiếu bầu cao hơn rất nhiều so với cách đây 5 năm, bất chấp ông Macron cam kết đẩy lùi sự trỗi dậy của lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa ở nước Pháp. Bà Le Pen lần này lại thua ông Macron nhưng trong thất bại lại có phần thắng.

Thứ ba, ông Macron tái cử Tổng thống Pháp không phải nhờ bộ phận cử tri vẫn luôn ủng hộ mình mà nhờ bộ phận cử tri không muốn bà Le Pen trở thành Tổng thống Pháp. Bộ phận cử tri này đã đi bỏ phiếu theo phương châm “Ai làm tổng thống cũng được, trừ bà Le Pen”. Cử tri Pháp cho ông Macron cơ hội cầm quyền thêm lầm nữa, nhưng không phải vì họ nghĩ rằng “Không thể ai khác làm tổng thống ngoài ông Macron”.

Sự phân rẽ sâu sắc trong nội bộ xã hội và chính trường nước Pháp hiện tại có nguyên nhân sâu sa ở chỗ ông Macron trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên đã không thành công với việc giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết. Những mâu thuẫn và căng thẳng xã hội trở nên trầm trọng thêm.

Các lực lượng và phe cánh cực đoan ở cả phía hữu lẫn phía tả đều do vậy trỗi dậy mạnh mẽ và các đảng phái chính trị lớn đều bị sa sút nghiêm trọng. Trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội nội bộ như thế, những thành quả đối ngoại mà ông Macron đã đạt được trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên gần như không đóng vai trò đáng kể gì ở cả diễn biến lẫn kết cục cuối cùng của cuộc bầu cử.

Nếu không nhanh chóng thay đổi cơ bản cả định hướng chính sách lẫn cung cách cầm quyền, ông Macron sẽ không thể đẩy lùi được sự gia tăng ảnh hưởng của phe cánh hữu, cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa ở nước Pháp, không thể khắc phục được tình trạng chính trường và nội bộ xã hội phân hoá, mất ổn định chính trị và xã hội.

Ở lần bầu cử tổng thống tới sau đây 5 năm, khi ông Macron không thể tái ứng cử nữa trong khi bà Le Pen vẫn có thể, không biết kết cục cuối cùng rồi sẽ như thế nào và nước Pháp sẽ còn chuyển biến về đâu.

Liên minh châu Âu (EU) thở phào nhẹ nhõm chủ yếu không phải vì ông Macron tái đắc cử mà vì bà Le Pen không đắc cử Tổng thống Pháp. Nhưng EU không thể kỳ vọng nhiều ở ông Macron trong thời gian tới vì những dấu hiệu yếu thế hơn trước và phải đối diện thách thức ghê gớm về đối nội ở Pháp. Và EU càng có thêm lý do xác đáng để lo ngại về phe cánh của bà Le Pen ở nước Pháp.

Qua những phát ngôn đầu tiên của ông Macron sau khi kết quả bầu cử được công bố có thể thấy ông này đã ý thức được cái thua trong thắng cử của mình và đã thể hiện thái độ cầu thị. Nhưng cam kết là một chuyện, thực hiện cam kết khi cầm quyền là chuyện khác và thực hiện thành công những cam kết lại càng khác.