Án nhỏ với ý nghĩa biểu trưng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hồi giữa thập kỷ trước, ở Iraq và Syria ra đời Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. IS bị thế giới coi là biểu tượng cho khủng bố Hồi giáo cực đoan. Tổ chức này tiến hành cuộc tàn sát người Yazidi trong phạm vi khu vực lãnh thổ kiểm soát.
Jennifer Wenisch (giữa) luôn tìm cách che mặt trong quá trình xét xử tại tòa án.
Jennifer Wenisch (giữa) luôn tìm cách che mặt trong quá trình xét xử tại tòa án.

Hành động này bị thế giới coi là diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại. Các tòa án quốc tế và quốc gia tiến hành bắt giữ và đưa ra xét xử tất cả những thành viên của IS bị cáo buộc đã chủ mưu và tham gia cuộc diệt chủng người Yazidi. Đấy là chuyện đại sự trong chính trị và tư pháp quốc tế.

So với tầm vóc nói trên thì vụ tòa án ở Đức xét xử người phụ nữ Đức có tên là Jennifer Wenisch (27 tuổi) lại chỉ là chuyện rất nhỏ. Người phụ nữ này sinh ra và lớn lên ở Đức. Năm 2014, Jennifer tự nguyện đến Iraq và kết hôn với một thành viên của IS. Cặp vợ chồng này bắt một người phụ nữ Yazidi làm nô lệ. Có một lần, họ trừng phạt cô con gái 5 tuổi của người phụ nữ kia bằng cách trói cô bé đứng giữa trời nắng cho tới tận khi cô bé chết vì đói khát, bất chấp mọi sự cầu khẩn, van xin và kêu khóc của cô bé. Jennifer W chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối nhưng để mặc cho cô bé bị chết vì đói khát.

Các cơ quan tư pháp ở Đức truy tố Jennifer không những chỉ về tội sát nhân mà còn cả về tội tham gia diệt chủng. Mấy năm sau, IS bị đánh tan ở Iraq và Syria. Jennifer không còn chốn nương thân đành phải trở về Đức. Tòa án Đức thực hiện việc truy tố trên. Jennifer bị tòa án đưa ra xét xử và tuyên án 10 năm tù.

Tòa án phán xử Jennifer rất nghiêm khắc về việc người phụ nữ này đã không làm gì để cô bé không chết trong khi có đầy đủ năng lực làm việc đó. Nếu chỉ là vụ việc đơn lẻ thì có lẽ phán quyết của tòa án có thể sẽ khác.

Nhưng vì vụ việc xảy ra ở Iraq và Syria, liên quan trực tiếp đến IS và cuộc thảm sát người Yazidi nên sự bàng quan của Jennifer - cho dù người phụ nữ này quả quyết là không thể làm được gì để cứu cô bé, bị tòa án ở Đức coi là hành vi dung túng, tiếp tay và thậm chí trực tiếp tham gia vào việc sát hại cô bé và diệt chủng người Yazidi ở Iraq và Syria. Không trực tiếp ra tay giết người nhưng vẫn là kẻ diệt chủng. Không cầm bất cứ vũ khí nào trong tay nhưng vẫn làm hành động diệt chủng. Vụ án này vì thế không còn là và không thể là chuyện nhỏ được nữa về chính trị và tư pháp quốc tế.

Phán quyết của tòa án ở nước Đức đối với Jennifer tạo nên chuẩn mực mới cho nước Đức nói riêng và cả thế giới nói chung xử lý tội diệt chủng của IS. IS đã tan rã nhưng các thành viên của IS vẫn tản mát khắp trên thế giới và vì thế chính trị và tư pháp thế giới vẫn phải tiếp tục truy tố chúng. Phán quyết này của tòa án cũng còn tạo tiền lệ về pháp lý và đạo lý cho việc xét xử tội diệt chủng của IS nói riêng và tội diệt chủng trên thế giới nói chung.

Ở đây, tòa án xóa nhòa ranh giới vốn đã rất mong manh giữa liên quan trực tiếp và liên quan gián tiếp trong phạm tội diệt chủng. Cũng đúng thôi bởi sự dửng dưng của con người trước sinh mệnh của người khác khởi nguồn cho những quan niệm lệch lạc đưa đến ứng xử và hành động có thể xóa sổ cả cuộc sống của người khác.