Khó xử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại cuộc gặp cấp cao trực tuyến vừa rồi, các nước thành viên của Nhóm G20 đã nhất trí uỷ thác cho Liên Hợp quốc tiến hành công việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân ở Afghanistan. Riêng Liên minh châu Âu (EU) cam kết đóng góp 1 tỷ euro.
Lực lượng Taliban tuần tra trong khu phố Wazir Akbar Khan ở thành phố Kabul, Afghanistan ngày 18/8/2021.
Lực lượng Taliban tuần tra trong khu phố Wazir Akbar Khan ở thành phố Kabul, Afghanistan ngày 18/8/2021.

Đi cùng với quyết định này là sự quả quyết của cả nhóm rằng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho Afghanistan không có nghĩa là họ đã công nhận chính thể mới của Taliban ở Afghanistan.

Trước đấy, Mỹ và Đức cũng như EU đều đã có tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với Taliban. Cả ở những cuộc gặp Taliban này, phía Mỹ, Đức và EU cũng đều tuyên bố không bàn thảo về chủ đề nội dung công nhận chính thể Taliban ở Afghanistan mà chỉ thương thảo về cứu trợ nhân đạo khẩn cấp ở Afghanistan, về việc những người Afghanistan đã từng làm việc cho Mỹ và NATO và về việc không để Afghanistan trở thành thánh địa cho những tổ chức, phần tử hay lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan thách thức và đe dọa an ninh của họ.

Mỹ và EU cũng như các nước trong khối phương Tây dùng mọi biện luận để chứng tỏ rằng họ hợp tác với Taliban nhưng không công nhận Taliban, hợp tác vì nhu cầu đòi hỏi từ phương diện đạo lý cũng như từ lợi ích an ninh, còn không công nhận Taliban vì lý do pháp lý và chính trị. Người ta có thể thấy được qua đó tình thế khó xử của Mỹ, EU và các nước trong khối phương Tây.

Họ không còn có thể thay đổi thực tế mới ở Afghanistan là Taliban đã trở lại cầm quyền, đất nước này chưa thể có yên lành và hòa bình, ổn định và phát triển nhưng vị thế quyền lực của Taliban ở Afghanistan đã được xác lập. Họ không hoặc chưa công nhận chính thể của Taliban ở Afghanistan bởi Taliban cho đến nay chưa đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí gần như là điều kiện chính trị tiên quyết của họ về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Afghanistan.

Họ cũng chưa tìm ra được cơ chế mới để ràng buộc Taliban vào cam kết và bắt buộc Taliban phải thực hiện cam kết không thách thức và đe dọa an ninh của họ nữa. Nhưng họ đều có nhu cầu giữ cầu quan hệ với Taliban để tác động trực tiếp vào chính thể của Taliban, để tiến hành cứu trợ nhân đạo và buộc Taliban phải đáp ứng yêu cầu, điều kiện của họ để đổi lấy những gì Taliban hiện đang mong muốn là công nhận ngoại giao, giải ngân tài sản của Afghanistan ở nước ngoài, tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính của quốc tế cũng như gây dựng hình ảnh về Taliban hiện tại khác biệt hẳn so với trước đấy.

Cái khó xử của họ là nếu không đáp ứng những yêu cầu nói trên của Taliban thì rất khó có thể đạt được những mục tiêu nói trên thông qua hợp tác. Nhưng nếu hợp tác với Taliban thì đâu có khác gì ngầm gián tiếp công nhận chính thể mới của Taliban ở Afghanistan. Cả Taliban hiện tại cũng ở trong tình trạng khó xử tương tự.